Trang bị lý luận chính trị cho thanh niên

Bài 1
YÊU CẦU TẤT YẾU TỪ THỰC TIỄN

Bùi Viết Hùng

BPO - Đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là đội hậu bị tin cậy của Đảng, chủ nhân tương lai của đất nước. Thế nhưng giữa “rừng” thông tin thật, giả lẫn lộn cùng ma trận âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, chống phá của các thế lực thù địch hiện nay, nếu không có kiến thức và trình độ lý luận nhất định, ĐVTN rất dễ bị kích động, quay lưng, phai nhạt lý tưởng của Đảng, lạc vào lối sống tư bản, quá đề cao lợi ích vật chất, hưởng thụ và dần đi theo con đường phản cách mạng, hại dân... Do đó, việc trang bị kiến thức về lý luận chính trị (LLCT) cho ĐVTN một cách có hệ thống, logic, phù hợp tình hình thực tế là yêu cầu cấp thiết.

“…không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”; “Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp”. Không có lý luận soi đường, con người không thể nắm bắt được quy luật vận động của thế giới khách quan; không hiểu rõ bản chất các sự vật, hiện tượng dẫn đến làm liều, làm ẩu nên tất yếu thất bại. Lý luận về bản chất được đúc rút từ thực tiễn, được chứng minh tính đúng đắn, khoa học từ thực tiễn. Tuy vậy, lý luận không phải là lý thuyết giáo điều, khô cứng mà nó luôn được bổ sung, phát triển từ chính thực tiễn sinh động.

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và UBND tỉnh tặng quà, hoa cho thanh niên huyện Hớn Quản lên đường nhập ngũ năm 2023

ĐVTN là đối tượng đặc thù, ưa cái mới, thích cái đẹp, chuộng hình thức, hăng hái, nhiệt tình, ưa hoạt động tập thể đông vui. Chính vì thế, họ luôn là mục tiêu, đối tượng và công cụ chính để các thế lực thù địch nhắm đến hòng triệt để khai thác, lợi dụng, tập trung chống phá nhằm hủy hoại “cánh tay đắc lực của Đảng”, tan rã “đội hậu bị tin cậy của Đảng” và mục ruỗng “rường cột” đất nước. Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế, có không ít thanh niên hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; hoài nghi về tính đúng đắn của học thuyết Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vậy nên, họ dễ bị cuốn theo những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phai nhạt lý tưởng của Đảng… Nếu không học tập và có kiến thức LLCT, thanh niên khó có thể bình tĩnh, sáng suốt nhìn rõ âm mưu, thủ đoạn của chúng. Từ đó bị lôi kéo, kích động, dần mất phương hướng, quay lưng với lịch sử, truyền thống dân tộc, chạy theo cám dỗ vật chất, trở thành những kẻ phá nước, hại dân.

Thực tiễn cho thấy có nhiều tác động tiêu cực từ quá trình hội nhập quốc tế tới thanh niên. Nguyên nhân chính là do thanh niên bị hổng kiến thức LLCT, dẫn đến mơ hồ trong xác định mục đích hội nhập quốc tế, chỉ thấy mặt tích cực mà chưa thấy hết được tiêu cực, thách thức. Họ cho rằng, cần hội nhập quốc tế bằng bất cứ giá nào; không chỉ hội nhập kinh tế mà còn cần hội nhập về văn hóa, tư tưởng và chính trị; họ dễ ngộ nhận, tôn thờ lối sống vật chất hay về cái gọi là dân chủ tư bản. Lối sống, lối ứng xử ở một bộ phận thanh niên còn thiếu sự chọn lọc, thiếu chắt chiu những giá trị tích cực, đôi khi bắt chước một cách máy móc.

Vì sao thanh niên lười học lý luận chính trị?

Tại Mỹ, trong khảo sát tổng hợp những cuốn sách, tài liệu mà sinh viên Mỹ bắt buộc phải đọc trong hơn 1 triệu bài giảng năm 2016, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của C. Mác và Ph. Ăngghen đã bỏ xa các cuốn sách phía sau để trở thành tài liệu được giáo viên Mỹ giảng dạy rộng rãi nhất, cả về số bài giảng lẫn tần suất được giảng dạy. “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” được sử dụng làm tài liệu giảng dạy về lý thuyết xã hội, trong khi về chuyên ngành kinh tế, bộ “Tư bản” của C. Mác phân tích về sự vận hành của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa cũng luôn được đưa vào giảng dạy. Thống kê này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: Vì sao nhiều người dân, thanh niên, sinh viên sinh sống, học tập ở chính các nước phương Tây, tư bản chủ nghĩa lại yêu thích nghiên cứu, tìm hiểu về C. Mác và tư tưởng của ông?

Trước hết phải khẳng định, sau hơn 175 năm xuất bản, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của C.Mác và Ph. Ăngghen vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại vốn có; xứng đáng được thừa nhận là cương lĩnh lý luận giàu sức sống thực tiễn. Cương lĩnh thúc đẩy hành động của giai cấp vô sản, giai cấp công nhân toàn thế giới và ngày càng được nhân loại tiến bộ ghi nhận. Hơn nữa, những nguyên lý nền tảng và tư tưởng cơ bản của C. Mác còn chứa đựng tri thức tổng hợp, liên ngành mang tính đảng, tính giai cấp rõ rệt; đồng thời có tính khái quát hóa, trừu tượng hóa và tính dự báo khoa học cao, góp phần quan trọng vào việc hình thành nhận thức, nhân cách, tạo lập phương pháp tư duy và hành động của từng cá nhân nói riêng, sự phát triển của toàn xã hội nói chung… Vậy tại sao ở Việt Nam - nơi minh chứng sinh động và rõ nét nhất cho việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, thanh niên, sinh viên lại thờ ơ, xem nhẹ việc học tập chủ nghĩa Mác-Lênin cùng LLCT?

Huấn luyện khẩu đội súng cối 82mm cho lực lượng dân quân thường trực thị xã Bình Long năm 2023

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thanh niên lười học LLCT. Đó là từ phía người học chưa có nhận thức, động cơ đúng dẫn đến ngại học, học đối phó; từ phía một bộ phận người truyền thụ (người dạy) chưa thực sự nhiệt huyết, phương pháp còn khô cứng, đơn điệu; chương trình học LLCT còn một số bất cập... Tuy nhiên, nhận thức và động cơ học LLCT của mỗi người là điều quan trọng nhất. Khi đã thấy học tập, nghiên cứu LLCT là nhu cầu thiết thân, thanh niên sẽ có thái độ nghiêm túc và luôn học hỏi, tìm hiểu mọi lúc, mọi nơi, tận dụng những khoảng thời gian trong chính công việc chuyên môn của mình.

Học tập LLCT có một trình tự logic. Ngay từ lúc bắt đầu ngồi trên ghế nhà trường đến khi học phổ thông, học sinh đã được học môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Văn học, Lịch sử... để dần hình thành tình yêu thương con người, yêu Tổ quốc, công ơn người sinh thành, dưỡng dục… Thế nhưng vẫn phổ biến tình trạng môn học này bị coi nhẹ so với các môn học khác. Đến bậc đại học, độ tuổi được đánh giá là quan trọng nhất, dễ tiếp thu, thấm, ngấm nhất, những chương trình đào tạo trong nước đều đã đưa vào các môn LLCT nhằm đặt nền móng cho việc xây dựng lập trường, bản lĩnh chính trị, lý tưởng cách mạng cho sinh viên, ĐVTN. Tuy vậy, vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân nêu trên mà nhiều sinh viên chỉ tập trung học các môn chuyên ngành, có tư tưởng xem nhẹ việc học các môn lý luận Mác-Lênin như: Triết học, Kinh tế - chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh và chỉ học cho xong, cho qua. Hậu quả là họ hổng kiến thức, mất gốc và dần ngại học, lười học...

Chính vì những lý do nêu trên mà đến khi ra công tác, trở thành cán bộ, đảng viên, nhiều người bị hổng kiến thức nên lười học tập, nghiên cứu LLCT. Biểu hiện rõ nét nhất của tình trạng này là khi được yêu cầu đi học tập, nghiên cứu nghị quyết, không ít người chỉ có mặt để điểm danh; học tập qua loa, đại khái để đối phó, thậm chí là chơi game, trò chuyện mà không chú ý lắng nghe, trăn trở trước những vấn đề quan trọng, cốt lõi của LLCT. Do đó, không thể am hiểu tường tận các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nên khi triển khai vào hoạt động thực tiễn dễ dẫn đến những sai lầm, khuyết điểm.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/147484/trang-bi-ly-luan-chinh-tri-cho-thanh-nien