Trang sử Báo Ấp Bắc thời chống Mỹ

Sau gần 1 năm tờ báo của Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho mang tên Ấp Bắc ra đời, ngày 5-2-1964, Báo Ấp Bắc Xuân Giáp Thìn 1964 xuất bản 20 trang, ấn hành 5.000 tờ tại nhà in Huỳnh Văn Sâm để làm quà xuân cho bạn đọc.DƯỚI LÀN MƯA PHÁO, BÁO VẪN RA ĐỀU

Gắn chặt phong trào cách mạng của địa phương, Báo Ấp Bắc là cơ quan ngôn luận của Đảng, tiếng nói yêu nước của nhân dân nên lúc nào cũng được nhân dân đùm bọc, che chở.

Nội dung Báo Ấp Bắc được xuất bản trong giai đoạn từ tháng 1-1963 đến tháng 4-1965 luôn bám sát chủ trương của Đảng, Trung ương Cục, Khu 8 và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phản ảnh những sự kiện lịch sử, tuyên truyền về sự phát triển của phong trào cách mạng quần chúng, những sự kiện nổi bật trong tỉnh.

Báo Ấp Bắc ra số đặc biệt để thông tin tuyên truyền về Chiến thắng Bình Trưng, phát hành 5.000 tờ, tranh do họa sĩ Châu Hồ vẽ.

Báo Ấp Bắc ra số đặc biệt để thông tin tuyên truyền về Chiến thắng Bình Trưng, phát hành 5.000 tờ, tranh do họa sĩ Châu Hồ vẽ.

Báo Ấp Bắc giai đoạn này tập trung tuyên truyền tinh thần yêu nước, giáo dục truyền thống đấu tranh, động viên toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân giữ vững tư tưởng tiến công cách mạng, góp phần vào sự thắng lợi của quân, dân Mỹ Tho cùng toàn miền Nam, đưa địch vào thế bị động và chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch ở miền Nam bị phá sản.

Ngày 26-2-1964, quân và dân ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tiểu đoàn 1 thủy quân lục chiến của địch tại xã Bình Trưng, huyện Châu Thành, đây là thắng lợi lớn đầu tiên ở Mỹ Tho năm 1964, đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng của các lực lượng vũ trang và nhân dân ta về mặt chiến thuật và kỹ thuật. Để ghi lại chiến công oanh liệt vang dội đó, Tiểu ban Thông tấn - Báo chí quyết định xuất bản số Báo Ấp Bắc đặc biệt để thông tin, tuyên truyền về Chiến thắng Bình Trưng. Báo ra 6 trang, in tại nhà in Huỳnh Văn Sâm, phát hành 5.000 tờ. Tranh do họa sĩ Châu Hồ vẽ, điêu khắc do Hoàng Thọ và Việt Ánh thực hiện.

Năm 1965, địch tăng cường đôn quân, bắt lính, tập trung lực lượng lớn đánh phá vùng giải phóng của ta, hòng thực hiện cho được kế hoạch bình định lấn chiếm. Mặc dù địch đẩy mạnh chiến tranh lên mức độ ác liệt, gây cho ta nhiều khó khăn, nhưng Tòa soạn Báo Ấp Bắc vẫn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cách mạng liên tục tấn công địch trên mặt trận tư tưởng; nhiều tin, bài đăng trên báo đã chống lại có hiệu quả âm mưu bình định lấn chiếm của địch.

Thành quả của Báo Ấp Bắc trong những năm 1965 - 1968 đã góp phần cùng Ban Tuyên huấn tỉnh Mỹ Tho, Gò Công tuyên truyền đưa đường lối, chủ trương của Đảng và những chiến công của các lực lượng cách mạng lan tỏa khắp các địa phương, tạo ra khí thế tiến công địch mạnh mẽ, làm lung lay ý chí chiến đấu của quân địch. Những thắng lợi của quân - dân Mỹ Tho và Gò Công đã góp phần cùng nhân dân cả nước đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và “Chiến tranh phá hoại” ở miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Trong năm 1969, để chuẩn bị cho Mỹ rút quân, quân chủ lực ngụy hỗ trợ cho các tiểu đoàn bảo an triển khai đóng đồn bót, ngăn chặn các tuyến đường hành lang vận chuyển của ta. Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, Tiểu ban Thông tấn - Báo chí và nhà in hằng ngày phải đối mặt với các cuộc càn quét, đóng đồn bót của địch.

Có lúc không còn tiền chi ăn, căn cứ hết gạo, mắm, muối không còn, trong khi đó hằng ngày anh em phải làm việc quần quật, lại phải đối phó với bom pháo, càn quét của địch suốt ngày đêm. Nhưng nhờ bà con thương yêu, tranh thủ lúc chiều địch co cụm lại, đêm đến bà con lén lút cung cấp lương thực và thực phẩm cho các cơ quan.

Cuối năm 1969, Tỉnh ủy quyết định dời căn cứ và toàn bộ cơ quan từ Cái Bè về xã Long Trung, huyện Cai Lậy Nam. Ban Tuyên huấn cùng các bộ phận chuyển căn cứ về xã Long Trung. Tòa soạn Báo Ấp Bắc và nhà in cũng chuyển về xã Long Trung nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Việc chuyên chở hàng tấn chữ chì qua lộ 4, qua đồn bót địch trót lọt là sự dũng cảm, thông minh, sáng tạo của cán bộ, phóng viên, nhân viên trong sự đùm bọc, góp sức, chở che của nhân dân.

Ngày 20-1-1971, Tổ biên tập tin và Báo Ấp Bắc được UBND cách mạng tỉnh Mỹ Tho tặng Bằng khen về thành tích: “Vượt qua mọi khó khăn ác liệt, chấp hành tốt sự chỉ đạo của cấp trên. Viết 42 bài, in một tờ báo, 2 tập san, 59 tờ tin, 405 tin đưa về trên”. Cũng trong thời gian này, Tiểu ban Thông tấn - Báo chí tỉnh Mỹ Tho được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng Huy chương hạng Nhất về thành tích: “Cán bộ, nhân viên vững vàng, bám trụ, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Đã ra 1 tờ báo, viết 46 bài, 2 tập san, đưa 405 tin, in 59 tờ tin với 24.050 số và 139.000 trang”.

PHẢI RA CHO ĐƯỢC SỐ ĐẶC BIỆT KHI MỞ MÀN CHIẾN DỊCH MÙA KHÔ NĂM 1974

Năm 1973, trước tình hình địch trắng trợn vi phạm Hiệp định Paris, Khu ủy và Ban Tuyên huấn Khu 8 chủ trương: “Làm báo trong kháng chiến là để phát động toàn dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đối tượng phát động là cán bộ, chiến sĩ và quần chúng. Viết sao cho quần chúng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo và in dễ đọc. Dù trong kháng chiến nhưng hình thức tờ báo phải đẹp, hấp dẫn; kỹ thuật không được thua tờ báo ở thành”.

Thực hiện chủ trương của Khu ủy, Tỉnh ủy Mỹ Tho chỉ đạo tờ báo của Đảng bộ phải bám sát chủ trương của Tỉnh ủy và tình hình thực tế ở chiến trường. Lúc này, trụ sở Tiểu ban Thông tấn - Báo chí đóng ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy Nam.

Với những thành tích trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Báo Ấp Bắc đã được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng Huy chương Giải phóng hạng Nhất và được các cấp, các ngành tặng nhiều Bằng khen. Với thành tích trong kháng chiến chống Mỹ, Báo Ấp Bắc được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huy chương Giải phóng hạng Nhì và Huy chương Giải phóng hạng Nhất.

Trong chiến dịch mùa khô năm 1974, đồng chí Hồ Văn Thạnh, Phó Trưởng Ban thứ nhất, Ban Tuyên huấn tỉnh Mỹ Tho nói với những người làm báo: “Vào chiến dịch này, phải ra cho được Báo Ấp Bắc số đặc biệt khi mở màn chiến dịch để vừa phát huy khí thế của cuộc tấn công nổi dậy, vừa gây hoang mang, dao động trong hàng ngũ địch”. Từ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Thạnh, bên cạnh lực lượng của Báo Ấp Bắc còn có sự cộng tác của các anh em làm báo, văn nghệ, nhiếp ảnh, quay phim của Khu 8.

Trong chiến dịch mùa khô năm 1974, giới làm báo rất băn khoăn làm sao khi kết thúc trận tấn công phải chuyển cho được những tin, bài, hình ảnh về Báo Ấp Bắc để được duyệt, lên khuôn in và phát hành đúng theo yêu cầu. Chiến thắng Vĩnh Kim (huyện Châu Thành) là trận mở màn của chiến dịch vừa giành được, các phóng viên trở về căn cứ Báo Ấp Bắc giữa lúc chiến trường Mỹ Tho đi vào cao điểm của những trận đánh công đồn, đả viện của quân và dân ta.

Ban Biên tập Báo Ấp Bắc nhận được bài ký “Từ mặt trận Vĩnh Kim” của tác giả Tiền Phong và một loạt tin chiến thắng của anh chị em phóng viên Báo Ấp Bắc từ chiến trường gửi về đã vội vã duyệt, lên khuôn, nhân viên nhà in cố gắng thức in trong đêm để sáng kịp phát hành đến trạm giao liên. Các trạm giao liên khi nhận Báo Ấp Bắc, dù khó khăn cách mấy cũng phải chuyển đi đến nơi cho kịp thời. Đồng bào ở vùng địch tạm chiếm chuyền tay nhau xem tờ Báo Ấp Bắc để biết tin chiến sự, biết tình hình khắp nơi và hỗ trợ cho cách mạng lúc khó khăn.

Trên các số Báo Ấp Bắc và các tờ tin của tỉnh trong những năm 1973 - 1975 luôn đảm bảo tính thời sự, tin, bài phong phú, tập trung tuyên truyền chống Mỹ - Thiệu vi phạm Hiệp định Paris; động viên, cổ vũ nhân dân xuống đường, nổi dậy chống địch lấn chiếm, cắm cờ ngụy ở vùng giải phóng, nêu cao ý chí quyết tâm và tinh thần tự lực tự cường “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”; tập trung mọi lực lượng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

HỒNG LÊ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202212/tien-toi-ky-niem-60-nam-bao-dang-bo-tinh-tien-giang-mang-ten-ap-bac-thang-1-1963-thang-1-2023-trang-su-bao-ap-bac-thoi-chong-my-967744/