Tranh cãi về việc ngày càng nhiều chính trị gia châu Âu sử dụng TikTok

Khi Simon Harris trở thành Thủ tướng đắc cử của Cộng hòa Ireland vào tháng 3 vừa rồi, ông đã chuyển sang một nền tảng được ưa chuộng để thể hiện bản thân: TikTok.

Từ Thủ tướng trẻ nhất CH Ireland...

Trong một video có dòng chữ màu vàng "CẢM ƠN" trên TikTok, Thủ tướng trẻ nhất Ireland đã nói với 95.000 người theo dõi về quá trình vươn lên của mình: Từ một "thiếu niên cố chấp, ủ rũ" đang phải vật lộn vì thiếu sự giúp đỡ cho anh trai mắc chứng tự kỷ của mình trở thành nhà lãnh đạo đất nước.

 Các chính trị gia châu Âu ngày càng sử dụng TikTok để tiếp cận các cử tri trẻ tuổi, bất chấp mối lo ngại về an ninh của nền tảng MXH này. Ảnh: Reuters

Các chính trị gia châu Âu ngày càng sử dụng TikTok để tiếp cận các cử tri trẻ tuổi, bất chấp mối lo ngại về an ninh của nền tảng MXH này. Ảnh: Reuters

Harris, đôi khi được mệnh danh là "TikTok Taoiseach", nằm trong số các chính trị gia châu Âu tiên phong ủng hộ nền tảng truyền thông xã hội do Trung Quốc sở hữu này, vì cho rằng nhu cầu tiếp cận cử tri trẻ quan trọng hơn những mối lo ngại về an ninh.

Khi các cuộc bầu cử ở châu Âu đang đến gần vào tháng 6, các chính trị gia cũng đang cố gắng tiếp cận các cử tri trẻ thông qua nền tảng video ngắn cuốn hút và thậm chí “gây nghiện” này.

Tuy nhiên, TikTok nói chung vẫn đang bị phương Tây giám sát vì lo ngại về vấn đề an ninh bảo mật. Ví dụ, các cơ quan an ninh của Đức đã cảnh báo không nên sử dụng ứng dụng này vì có thể bị lộ thông tin quan trọng.

Tại Mỹ, các nhà lập pháp cũng đang muốn buộc chủ sở hữu Trung Quốc của TikTok phải bán nền tảng này hoặc cấm nó khỏi các cửa hàng ứng dụng. Tuy nhiên, TikTok cho biết các cảnh báo bảo mật là không chính đáng và họ không thu thập nhiều thông tin hơn các ứng dụng khác.

Trong nỗ lực xoa dịu những lo ngại, TikTok đã đưa ra một kho lưu trữ dữ liệu của người dùng châu Âu ở Dublin vào năm ngoái và đã thuê một công ty bảo mật bên thứ ba để giám sát luồng dữ liệu.

ByteDance đã phủ nhận việc sử dụng sản phẩm của mình để chuyển thông tin mật về Trung Quốc, trong khi chính quyền Trung Quốc cũng phủ nhận mọi ý định như vậy.

...đến Tổng thống Pháp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thể hiện sự tự hào khi có hơn 4 triệu người theo dõi kể từ khi gia nhập TikTok vào năm 2020. Các quan chức Pháp cũng cho biết ông Macron coi tính hữu ích của TikTok dù cần thiết phải có quy định. Một cố vấn của ông nói với Reuters: “Chúng ta không thể bỏ qua nhóm dân số này, đại đa số họ không xem tin tức truyền hình hoặc đọc báo chí”.

 Kênh TikTok của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có hơn 4,2 triệu người theo dõi. Ảnh: Chụp màn hình TikTok

Kênh TikTok của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có hơn 4,2 triệu người theo dõi. Ảnh: Chụp màn hình TikTok

Ở Đức, việc các chính trị gia cấp cao sử dụng TikTok đang là một xu hướng mới, với việc Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach vừa trở thành bộ trưởng đầu tiên của nước này mở tài khoản vào tháng 3. “Cuộc cách mạng tại TikTok: Nó bắt đầu từ hôm nay", ông nói. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đang có tài khoản TikTok của riêng mình.

Dẫu vậy, một số quốc gia châu Âu như Vương quốc Anh và Áo đã cấm TikTok sử dụng điện thoại làm việc của nhân viên chính phủ vào năm ngoái (nhưng có thể sử dụng trên các thiết bị cá nhân).

Song dù thế nào, thì thực tế là TikTok ngày càng khó bị bỏ qua. Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters năm ngoái cho thấy ngày càng có ít người đặt niềm tin vào các phương tiện truyền thông truyền thống và chuyển sang xem tin tức trên TikTok nhiều hơn.

TikTok là mạng xã hội phát triển nhanh nhất trong báo cáo, được 20% thanh niên từ 18 đến 24 tuổi sử dụng để xem tin tức. Ở Vương quốc Anh, bộ trưởng cao cấp nhất có sự hiện diện đáng kể trên TikTok là Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps.

Bỉ đã cấm các bộ trưởng và công chức cài đặt TikTok trên các thiết bị nhà nước, nhưng các chính trị gia đã lách luật bằng cách sử dụng ứng dụng này trên các thiết bị riêng biệt.

Các chính trị gia của Đảng Xanh cầm quyền ở Bỉ đăng video TikTok bằng các thiết bị chỉ kết nối 4G và không cài đặt ứng dụng nào khác, đồng thời điện thoại không phải do chính các chính trị gia giữ mà do nhân viên của họ giữ.

Một phát ngôn viên của Đảng Xanh nói: "Giới trẻ nhận được tin tức thông qua mạng xã hội và TikTok là một trong những nền tảng lớn nhất. Một số chính trị gia cảm thấy thoải mái với điều đó, dù những người khác thì không".

Hoàng Hải (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tranh-cai-ve-viec-ngay-cang-nhieu-chinh-tri-gia-chau-au-su-dung-tiktok-post291003.html