Tránh 'cào bằng', cơ học, dồn ép khi thực hiện các chỉ tiêu

UBND tỉnh Đắk Lắk rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ rõ những khó khăn đặc thù để có giải pháp, lộ trình thực hiện; tránh việc 'cào bằng', cơ học, dồn ép khi thực hiện các chỉ tiêu. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của từng cơ quan, đơn vị, từng ngành, lĩnh vực để xác định lại nhiệm vụ, kiến nghị các cấp có thẩm quyền cũng như đề xuất các mô hình, bước đi, lộ trình, giải pháp phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện…

Đó là những nội dung Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh tại cuộc làm việc với UBND tỉnh, các sở, ngành và các đơn vị liên quan về việc thực hiện chính sách, pháp luật đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh.

Khó trong công tác cán bộ

Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2015 đến nay đã giảm được 135 ĐVSNCL. Toàn tỉnh có 35 ĐVSNCL được giao tự chủ toàn bộ về tài chính, trong đó có 3 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư, 32 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên. Công tác quản lý biên chế bảo đảm theo quy định. Năm 2023, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 37.374 người. Thực hiện chính sách tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến nay đã tinh giản 2.332 người, hoàn thành kế hoạch tinh giản 10% biên chế so với năm 2015.

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk làm việc với UBND tỉnh, các sở, ngành và các đơn vị liên quan. Ảnh: N. VIỆN

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk làm việc với UBND tỉnh, các sở, ngành và các đơn vị liên quan. Ảnh: N. VIỆN

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng thẳng thắn nhìn nhận: việc sáp nhập và gom các điểm lẻ của các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo còn khó khăn do dân cư không tập trung, địa bàn rộng, ảnh hưởng không ít đến việc đi lại và học tập của học sinh, cơ sở vật chất tại điểm chính chưa đáp ứng được yêu cầu. Quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, các cơ quan, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác cán bộ, nhất là sắp xếp, giải quyết, thực hiện chế độ, chính sách đối với số lượng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý dôi dư, trong khi chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Việc xây dựng phương án tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập và phê duyệt còn chậm; số lượng đơn vị sự nghiệp công lập có điều kiện chuyển sang tự bảo đảm về chi thường xuyên và số đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên còn hạn chế. Việc xã hội hóa các lĩnh vực liên quan đến giáo dục và y tế còn nhiều khó khăn…

Nhiều nội dung đã được các thành viên Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh làm rõ tại buổi làm việc như: tác động sau khi sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập; vấn đề tinh giản biên chế, tăng tính tự chủ; kế hoạch thực hiện để đạt mục tiêu sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập; xem xét đến tính đặc thù, nhất là đối với lĩnh vực y tế, giáo dục để có phương án sắp xếp các đơn vị, tinh giản biên chế bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên bị tinh giản biên chế; đề nghị đánh giá cụ thể hơn về các vướng mắc, tồn tại, bất cập, nhất là trong các quy định pháp luật…

Quan tâm cơ chế tự chủ tài chính phù hợp

Ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cấp chính quyền trong công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL giai đoạn 2018 - 2023, Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, sâu rộng các văn bản, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về nội dung này đến cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức để tạo sự thông suốt, thống nhất, khắc phục các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Cùng với đó, trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng, cần rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động, chỉ rõ những khó khăn đặc thù để có giải pháp, lộ trình thực hiện; tránh việc “cào bằng”, cơ học, dồn ép khi thực hiện các chỉ tiêu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của từng cơ quan, đơn vị, từng ngành, lĩnh vực để xác định lại nhiệm vụ, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền cũng như đề xuất các mô hình, bước đi, lộ trình, giải pháp phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện.

Tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát, đại diện UBND tỉnh đề xuất với Đoàn ĐBQH tỉnh có kiến nghị với các bộ, ngành, cơ quan trung ương quan tâm có cơ chế riêng về biên chế viên chức (bổ sung 1.797 giáo viên); quan tâm cơ chế tự chủ tài chính phù hợp với tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

LÊ VIÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/tranh-cao-bang-co-hoc-don-ep-khi-thuc-hien-cac-chi-tieu-i361385/