Tránh chồng chéo giữa Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với các Luật khác

TS Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam đề nghị xem xét việc chồng lấn về quản lý giữa Luật Tài nguyên nước với Luật Thủy lợi, Luật Khí tượng thủy văn. Đặc biệt, 'nước mưa', 'nước mặt', cũng là đối tượng quản lý của các luật khác.

Sáng 27/9, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BL

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: BL

Phát biểu khai mạc hội thảo, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người hay bất kỳ sinh vật nào sống trên trái đất. Không có nước sẽ không có sự sống. Cũng chính vì thế mà ở Việt Nam đặc biệt quan tâm về vấn đề nước, không chỉ bằng chủ trương mà bằng hệ thống pháp luật và chính sách Nhà nước như: Luật Tài nguyên nước năm 1998, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có kết cấu 10 chương, 87 điều. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 19 điều; sửa đổi, bổ sung 55 điều; bổ sung mới 13 điều và bãi bỏ 5 điều). Đối chiếu với Dự thảo Luật tháng 3-2023, Dự thảo Luật tháng 9-2023 đã tiếp thu, bổ sung nhiều kiến góp ý của các cơ quan, hội ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân vào dự thảo Luật.

Cho ý kiến về những điểm mới trong dự thảo Luật, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Đến thời điểm này, dự thảo Luật đã bổ sung thêm các quy định về: điều hòa, phân phối tài nguyên nước; bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt; bổ sung quy định phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; về phòng chống sạt lở lòng bờ, bãi sông, hồ; quy định về khai thác sử dụng nước; quy định về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực tài nguyên nước…

Về điều hòa, phân phối tài nguyên nước, ông Châu Trần Vĩnh cho hay: dự thảo Luật quy định rõ về hoạt động điều hòa, phân phối tài nguyên nước thông qua việc điều tiết chế độ vận hành các hồ chưa, đập dâng, công trình khai thác sử dụng nước và điều phối hoạt động khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông, hướng tới việc điều hòa phân phối tài nguyên nước bằng hệ thống hỗ trợ ra quyết định và quy trình vận hành hồ chưa, liên hồ chứa theo thời gian.

Hằng năm Bộ TN&MT công bố lịch bàn nguồn nước trên lưu vực sông. Căn cứ vào kịch bản nguồn nước và yêu cầu về dòng chảy tối thiểu, ngưỡng khai thác, sử dụng nước, quy trình vận hành hồ chưa, quy định cấp giấy phép và các yêu cầu quản lý khai thác sử dụng tài nguyên nước…

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm cho các bộ, ngành địa phương thực hiện phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông và các biện pháp ứng phó, khắc phục khi tình trạng thiêu nước xảy ra.

Góp ý Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), TS Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam cho rằng, về phạm vi điều chỉnh tại điều 1, dự thảo Luật đã đề xuất không đưa “nước dưới đất” không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước. Tuy nhiên, theo khái niệm “nước dưới đất” vẫn là tài nguyên nước, do đó cần xem xét giữ lại ở Luật này.

TS Hoàng Văn Khoa đề nghị xem xét việc chồng lấn về quản lý giữa Luật Tài nguyên nước với Luật Thủy lợi, Luật Khí tượng thủy văn. Đặc biệt “nước mưa”, “nước mặt”, cũng là đối tượng quản lý của các luật khác.

Về các loại quy hoạch tài nguyên nước, cần sắp xếp các quy định về quy hoạch theo thứ tự quy hoạch tài nguyên nước và sau đó là các quy hoạch có tính kỹ thuật, chuyên ngành. Trong mỗi loại quy hoạch cần thể hiện các nội dung: Nguyên tắc, căn cứ, nội dung quy hoạch, thời hạn, thẩm quyền phê duyệt.

Theo PGS.TS Hà Lương Thuần, Viện hợp tác và phát triển tài nguyên nước: Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được góp ý nhiều lần, đặc biệt là những ý kiến của đại biểu Quốc hội, được trình bày tại báo cáo số 2656/BC-TTKQH, ngày 26/7/2023 “Tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và Hội trường về Dự án Luật Tài nguyên nước”.

Qua bản dự thảo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu đã có những ý kiến bổ sung, góp ý gần như đầy đủ, bao quát, cập nhật được tất cả các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước và được giải trình chi tiết khoa học.

Góp ý về quy định phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ, PGS.TS Hà lương Thuần cho hay: Đã từ lâu việc khai thác cát sỏi và các khoáng sản khác trong lòng sông đã được chỉ ra là nguyên nhân chính hạ thấp lòng dẫn ở các sông miền Bắc và gây sạt lở bờ sông vùng đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL).

Hiện nay, nhu cầu về cát cho các công trình giao thông, xây dựng ngày càng tăng, đặc biệt là ĐBSCL, dẫn đến gia tăng khai thác cát sói trong lòng sông, suối. “Vì vậy, cần bỏ đoạn “có nguy cơ gây tác động xấu đến sự ổn định lòng, bờ, bãi sông” mà bất cứ hoạt động nào có liên quan đến khai thác cát sỏi cũng phải đánh giá tác động môi trường và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Có như vậy, chúng ta mới quản lý tốt và giảm tình trạng khai thác cát , sỏi ở lòng sông, lòng suối hiện nay”, PGS.TS Hà lương Thuần đề xuất./.

BL

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phap-luat/tranh-chong-cheo-giua-luat-tai-nguyen-nuoc-sua-doi-voi-cac-luat-khac-647982.html