Tránh trùng lặp, thiếu thống nhất giữa các luật

Tham gia thảo luận tại tổ 3 về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) chiều nay, 10.11, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ mối quan hệ giữa dự thảo Luật với các luật có liên quan. Trong trường hợp nào áp dụng pháp luật lưu trữ, trường hợp nào áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành để tránh trùng lặp, thiếu thống nhất giữa các luật.

Quang cảnh thảo luận tại tổ. Ảnh: H. Ngọc

Quang cảnh thảo luận tại tổ. Ảnh: H. Ngọc

Trường hợp nào áp dụng pháp luật lưu trữ, trường hợp nào áp dụng luật chuyên ngành?

Theo ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi), ngoài Luật Lưu trữ quy định các vấn đề chung về lưu trữ, còn có một số luật khác có quy định đặc thù về lưu trữ liên quan đến bảo quản, thời hạn lưu trữ, cấp bản sao. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ mối quan hệ giữa dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) với các luật có liên quan. Trong trường hợp nào áp dụng pháp luật lưu trữ, trường hợp nào áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành để tránh trùng lặp, thiếu thống nhất giữa các luật.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương dẫn chứng, điểm c, khoản 7, Điều 15 dự thảo luật quy định: “Việc hủy tài liệu lưu trữ chứa bí mật nhà nước phải bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước”. Tuy nhiên, tại Khoản 5, Điều 23, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định: “Việc tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước do lưu trữ lịch sử lưu trữ được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ”. Như vậy là chưa rõ ràng và không thể thực hiện.

Về giải mật tài liệu lưu trữ, Điều 22, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước đã quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ tục các trường hợp giải mật, hiện quy định này đang có trùng lắp với dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: H.Ngọc

ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: H.Ngọc

Tại Khoản 5, Điều 47, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ thông báo đến Bộ Nội vụ khi mang tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt ra nước ngoài. Đại biểu Vũ Thị Liên Hương cho biết, hiện nay một số tài liệu lưu trữ được công nhận là bảo vật quốc gia và đang lưu giữ tại cộng đồng. Theo quy định tại Điều 44, Luật Di sản văn hóa, việc đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản phải bảo đảm 2 điều kiện: Có sự bảo hiểm từ phía tiếp nhận bảo vật quốc gia và có quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa bảo vật quốc gia ra nước ngoài. Như vậy, quy định dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Luật Di sản văn hóa là chưa thống nhất.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cho biết thêm, Điều 23, dự thảo Luật có quy định các bản sao tài liệu lưu trữ, bản chứng thực tài liệu lưu trữ là một trong các hình thức sử dụng tài liệu lưu trữ. Và người được cấp bản sao, bản chứng thực tài liệu lưu trữ phải nộp lệ phí. Tại Điều 26, dự thảo Luật quy định: cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng tài liệu lưu trữ có nghĩa vụ nộp phí sử dụng tài liệu lưu trữ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, Luật Phí, lệ phí năm 2015 chưa quy định về lệ phí cấp bản sao và bản chứng thực tài liệu lưu trữ, do đó, đại biểu đề nghị, cần rà soát quy định bảo đảm tính thống nhất giữa dự thảo Luật với Luật phí, lệ phí năm 2015. Trường hợp cần thiết, quy định về phí, lệ phí cấp bản sao chứng thực tài liệu lưu trữ có thể bổ sung tại Danh mục lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Tương tự, với khoa lưu trữ số tư quy định tại Điều 34 dự thảo Luật cũng cần rà soát với quy định cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số quy định tại Điều 18, Luật Công nghệ thông tin, để bảo đảm quy định thống nhất, đại biểu Nguyễn Thị Huế nhấn mạnh.

Nghiêm cấm hành vi cố ý chây ì, không giao nộp hồ sơ tài liệu

Quan tâm đến các hành vi bị nghiêm cấm, ĐBQH Thái Thị An Chung (Nghệ An) nêu rõ, dự thảo Luật đã có quy định cấm các hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung lưu trữ, tài liệu lưu trữ, dữ liệu chủ tài liệu lưu trữ, truy cập sao chép, chia sẻ trái phép cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cấm cung cấp tài liệu lưu trữ trái phép. Bởi thực tế, có những tài liệu mật, có những tài liệu có giá trị lịch sử cần phải được bảo quản nghiêm ngặt và việc cung cấp phải bảo đảm theo đúng quy định.

Đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung 2 hành vi bị nghiêm cấm, đó là: hành vi truy cập, sao chép, chia sẻ trái phép cơ sở dữ liệu, tài liệu điện tử; Xây dựng, phát tán các phần mềm làm thay đổi hủy hoại hệ thống phương tiện tài liệu lưu trữ điện tử để chặt chẽ hơn.

Nêu thực tế vừa qua, thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, thì có trường hợp, nhiều cán bộ còn chây ì trong việc bàn giao tài liệu lưu trữ vào cơ quan đơn vị được sáp nhập, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đó là, cố ý chây ì và không giao nộp hồ sơ tài liệu khi cơ quan, đơn vị chia tách, sáp nhập, giải thể.

Hoàng Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tranh-trung-lap-thieu-thong-nhat-giua-cac-luat-i349553/