Trào lưu 'cô gái hoang dã' của TikTok bị phản đối

Những 'feral girl' mặc kệ đánh giá về ngoại hình hay lối sống. Họ để lông chân, không chải tóc, tham gia hẹn hò liều lĩnh và cho rằng đó là vượt khỏi khuôn mẫu xã hội.

"Tôi không bao giờ thức dậy lúc 5h để uống sinh tố. Thay vào đó, tôi đi ngủ lúc 4h và chào ngày mới bằng Cocacola", một cô gái tự nhận là "feral girl" chia sẻ trên TikTok.

Một người khác cũng bình luận: "Tôi vừa bước vào một mùa hè 'bung lụa'. Tôi không cần chải tóc, mặc những gì mình thích, thoải mái ngồi uống bia hơi và ăn đậu phộng luộc. Tôi chơi trên bãi biển và bỏ qua kem chống nắng, mặc kệ việc hôm sau mình đi làm với làn da đỏ ửng".

Hoang dã, tự do và sẵn sàng cho những cuộc vui, đó là mô tả của tờ Today về những "feral girl" (tạm dịch: cô nàng hoang dã), một trào lưu sống đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội như Instagram và TikTok.

Những "feral girl" đi ngược lại lối sống kỷ luật và quá trau chuốt về ngoại hình. Họ tuyên bố sẵn sàng làm những điều mà đàn ông có thể, cho đây là cách thể hiện nữ quyền và vượt khỏi khuôn mẫu xã hội.

 "Feral girl" có lối sống hoang dã, tự do và sẵn sàng tham dự mọi cuộc vui. Ảnh: Getty.

"Feral girl" có lối sống hoang dã, tự do và sẵn sàng tham dự mọi cuộc vui. Ảnh: Getty.

Mùa hè càng được cho là thời điểm lý tưởng để "feral girl" bùng nổ khi trào lưu này gắn liền với hình ảnh các cô gái mặc bikini phóng khoáng trên bãi biển hoặc tham gia trải nghiệm tình dục liều lĩnh.

Trên TikTok, hashtag #feralgirl thu hút hơn 4 triệu lượt xem. Rất nhiều cô gái đăng video khoe thành quả nổi loạn của mình như không cạo lông chân hoặc không chải tóc.

Còn trên ứng dụng hẹn hò Badoo, 63% người dùng nữ độc thân cho biết muốn thử kiểu tình yêu "feral girl", tức là từ bỏ chuẩn mực hoàn hảo của xã hội để yêu đương vui vẻ, không áp lực, không cần quan tâm mình trông như thế nào hoặc bất kỳ ai nghĩ gì về mình.

Tuy nhiên, "feral girl" được cho là xu hướng sống và yêu độc hại. Thống kê từ ứng dụng Badoo cho thấy 87% người dùng nữ cảm thấy áp lực khi theo đuổi trào lưu này vào năm 2021, với 71% bị gây ảnh hưởng đến việc hẹn hò.

Trang Independent nhận định "feral girl" nhân danh nữ quyền, nhưng vẫn áp đặt phụ nữ vào góc nhìn nam giới. Tại sao các cô gái phải để lông chân, ăn mặc xuề xòa như đàn ông để cảm thấy mạnh mẽ? Nếu vẫn muốn làm đẹp, tuân theo nguyên tắc xã hội, liệu phụ nữ có bất hạnh và thất bại hay không?

"Feral girl" chính xác bắt nguồn từ những hình mẫu gia trường mà nữ giới tìm cách phá bỏ. Không ai nói đến "Feral boy" - những anh chàng hoang dã, liều lĩnh - bởi đàn ông vẫn đang sống tốt theo cách của mình. Chính các cô gái mới đang phải thay đổi lối sống của mình để tỏ ra mạnh mẽ hơn, phù hợp với khuôn mẫu phái mạnh.

Các cô gái chia sẻ về việc làm "feral girl" trên mạng xã hội. Ảnh: TikTok.

Các cô gái chia sẻ về việc làm "feral girl" trên mạng xã hội. Ảnh: TikTok.

"Feral girl" tương tự một trào lưu khác thịnh hành trên mạng xã hội, đó là "Goblin Mode" (tạm dịch: Chế độ Yêu tinh). Xu hướng này kêu gọi các cô gái từ bỏ việc làm đẹp theo quy trình và không cần chải chuốt.

2 trào lưu đều được nhiều cô gái coi như "liều thuốc" giúp họ giải thoát khỏi khuôn mẫu ngoại hình và lối sống số đông. Nhưng thực hiện điều này một cách thái quá, họ sẽ tự gây áp lực để trở thành một người không phải là chính mình.

Cũng theo Independent, "feral girl" không phải lối sống tự do thực thụ. Các cô gái luôn tự do ngay cả khi họ nữ tính, cạo sạch lông chân và làm đẹp, nếu đó là điều họ muốn. "Feral girl" chỉ đang làm sự phân biệt giới tính diễn ra thêm sâu và dai dẳng. Không cần cư xử như đàn ông, một cô gái chỉ cần là chính mình là đã đủ mạnh mẽ và có những mùa hè đẹp nhất trong đời.

Thục Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trao-luu-co-gai-hoang-da-cua-tiktok-bi-phan-doi-post1322957.html