Trào lưu nghỉ hưu 'non'

Trào lưu mới FIRE (độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm) đang khiến giới trẻ 'phát sốt'.

Trào lưu độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm (FIRE) đang “nở rộ” không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Trào lưu độc lập tài chính và nghỉ hưu sớm (FIRE) đang “nở rộ” không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Những cá nhân theo đuổi trào lưu nghỉ hưu sớm này sẽ cố gắng kiếm nhiều tiền nhất, tiêu xài ít nhất có thể để hướng tới mục tiêu nghỉ hưu “non” ở độ tuổi 30 - 40 tuổi.

Cống hiến để hưởng thụ

Theo quy định hiện hành, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Theo đó, vào năm 2024 độ tuổi nghỉ hưu của người lao động nam sẽ là 61 tuổi, lao động nữ sẽ là 56 tuổi 4 tháng. Độ tuổi này áp dụng đối với người lao động trong điều kiện lao động bình thường. Đồng thời, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu mỗi năm như trên chỉ áp dụng cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Tuy nhiên, hiện nay trào lưu mới FIRE đang nở rộ ở thế hệ trẻ. Theo đó, họ sẽ lên kế hoạch làm việc để có thể nghỉ hưu trước độ tuổi quy định. Phong trào này đã bắt đầu từ năm 1992 tại Mỹ, khi nhiều chuyên gia bắt đầu so sánh chi phí, thu nhập với thời gian sống của mỗi người. Bằng cách tiết kiệm 50 - 70% thu nhập cho các khoản đầu tư, những người sống theo FIRE có thể bỏ việc, “nghỉ hưu sớm” và sống bằng khoản tiền lãi. Thông thường, những người theo đuổi phong trào này sẽ nghỉ hưu ở độ tuổi khá trẻ, khoảng 30, 40 tuổi.

Là một trong những bạn trẻ đặt mục tiêu nghỉ hưu “non”, chị Trần Thị Quỳnh Mai (25 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) hiện đang đảm đương nhiều công việc để từng bước củng cố tài chính vững mạnh. Ngoài công việc chính là dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, Quỳnh Mai còn nhận thêm các dự án phiên dịch và dịch thuật để làm tại nhà. Bên cạnh đó, cô còn nhận làm gia sư dạy kèm môn Tiếng Anh để tăng thu nhập. Trung bình mỗi tháng, tổng số tiền Quỳnh Mai kiếm được từ những công việc này là khoảng 50 triệu đồng.

Tuy thu nhập khá cao so với bạn bè đồng trang lứa, song Quỳnh Mai lại chi tiêu tương đối tiết kiệm. Quỳnh Mai học cách quản lý và thắt chặt nguồn chi, chỉ chi tiền cho những nhu cầu thật sự cần thiết như: Sinh hoạt và y tế. Số tiền còn lại dùng cho việc đầu tư chứng khoán để “tiền đẻ ra tiền”, hướng đến có thêm nguồn thu nhập thụ động. Cô đặt mục tiêu có thể “để ra” tối thiểu 60% tổng thu nhập cho kế hoạch “nghỉ hưu sớm” vào năm 40 tuổi.

“Đôi khi, thấy bạn bè có nhiều thời gian và tiền bạc để nghỉ ngơi, đi du lịch còn mình thì làm việc bất chấp thời gian, không có ngày nghỉ, cắt giảm chi tiêu đến mức tối thiểu, tôi cũng khá chạnh lòng. Tuy nhiên, khi nghĩ về những dự định, định hướng dài hạn của bản thân, tôi lại thêm vững vàng, kiên định với sự lựa chọn của mình”, Quỳnh Mai tâm sự.

Quỳnh Mai tâm niệm rằng, việc tận dụng tuổi trẻ để làm việc gấp đôi, gấp ba lần bạn bè đồng trang lứa đồng nghĩa với việc sau này mọi người có thể lựa chọn sử dụng thời gian theo cách họ muốn. Dự định của bạn trẻ này là nghỉ hưu ở tuổi 40 sau khi đã có kinh tế ổn định. Khi đó sẽ dành thời gian cho người thân cũng như tận hưởng cuộc sống.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Nghỉ việc nhưng không nghỉ ngơi

Anh Trần Mạnh Tùng (42 tuổi, quê Hưng Yên) đã nghỉ hưu sớm ở tuổi 40, sau hơn 15 năm gắn bó với công việc tại ngân hàng. Khi quyết định xin nghỉ làm, anh Tùng đang là giám đốc một chi nhánh tại Hà Nội. Chia sẻ về lý do nghỉ việc, anh Tùng cho biết, bản thân đã làm việc “đủ” và bây giờ tài chính không còn là nỗi lo của cả gia đình. Bên cạnh đó, tính chất công việc và lịch làm việc dày đặc suốt nhiều năm khiến anh Tùng cảm thấy vô cùng mệt mỏi, áp lực, sức khỏe gặp nhiều vấn đề.

“Sau nhiều năm làm việc không ngừng nghỉ, hiện nay tôi đã có một căn nhà nhỏ, nguồn thu nhập thụ động từ việc cho thuê nhà, mua bảo hiểm, đủ để sống tương đối thoải mái. Hai con của tôi đã lớn, tôi hướng con tự lo cho bản thân. Ngoài ra, tôi cũng xây được nhà ở quê cho bố mẹ, biếu các cụ một khoản tiền để an dưỡng tuổi già. Giờ đây, tôi nghĩ nên dành thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân, làm những điều mình thích”, anh Mạnh Tùng chia sẻ.

Từ khi nghỉ việc tại ngân hàng, anh Tùng và vợ thường xuyên lên kế hoạch đi du lịch, học thêm các môn thể thao yêu thích mà trước đây vì quá bận không thể sắp xếp được thời gian. Dự định sắp tới, vợ chồng anh Tùng sẽ đi du lịch xuyên Việt bằng xe máy.

Tuy nghỉ việc, nhưng anh Tùng cho biết bản thân không muốn nghỉ ngơi hoàn toàn. Chia sẻ về ước mơ thuở nhỏ, anh cho biết bản thân luôn muốn trở thành một thầy giáo. Vì vậy, sau khi nghỉ việc, anh Tùng đã mở một lớp dạy thêm cho trẻ em trong xóm.

“Ngoài nguồn thu nhập chính từ đầu tư bất động sản và nhà cho thuê, tôi vẫn có thu nhập từ việc dạy học. Tôi nghỉ hưu sớm không phải vì tôi không thích làm việc, cống hiến mà bởi khi tài chính không còn là gánh nặng thì tôi muốn làm công việc mình yêu thích”, anh Mạnh Tùng cho biết.

Thực tế, việc nghỉ hưu sớm không phải lựa chọn dành cho tất cả mọi người. Không phải ai cũng có thể tích lũy tiết kiệm được 50 - 70% thu nhập, nhất là trong thời buổi vật giá leo thang, chi tiêu đắt đỏ như hiện nay. Việc chuyển đổi từ làm việc 8 tiếng mỗi ngày sang dư dả thời gian không hề đơn giản. Để về hưu “non” và tận hưởng được cuộc sống, cần phải đảm bảo được nguồn tài chính bền vững đủ để sống trong 30 - 40 năm mà không cần những công việc ổn định. Cho nên, để về hưu sớm, các bạn trẻ sẽ phải cống hiến, nỗ lực trong công việc gấp nhiều lần người bình thường.

Hà Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-luu-nghi-huu-non-post683471.html