Tri Tôn chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc
Là huyện miền núi, biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer sinh sống, Tri Tôn (tỉnh An Giang) nỗ lực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, các mô hình sinh kế hiệu quả. Khi giảm nghèo trong vùng DTTS thành công, sẽ là động lực để Tri Tôn thoát khỏi danh sách huyện nghèo cả nước.
Nỗ lực giảm nghèo
Tri Tôn là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh (tổng diện tích tự nhiên 60.072ha, chiếm gần 17% diện tích toàn tỉnh), nhưng dân số còn thưa. Thống kê năm 2022, dân số huyện Tri Tôn có khoảng 117.325 người, với 33.434 hộ dân, trong đó đồng bào DTTS Khmer 38.530 người, chiếm 32,84%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, bằng nhiều nỗ lực, năm 2023, huyện giảm được 736 hộ nghèo, tỷ lệ giảm chiếm 2,18% (số hộ nghèo DTTS giảm 500 hộ, tỷ lệ giảm 4,42%); giảm 971 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm 2,87% (hộ cận nghèo DTTS giảm 263 hộ, tỷ lệ giảm 2,32%). Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 2.164 hộ nghèo, chiếm 6,47% tổng số hộ (1.598 hộ nghèo DTTS, chiếm 14,35%); 2.809 hộ cận nghèo, chiếm 8,4% (1.224 hộ cận nghèo DTTS, chiếm 10,99%).
Dù tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhưng an sinh xã hội được thực hiện tốt. Đến nay, toàn huyện có 118.133 người tham gia bảo hiểm y tế, trong đó, DTTS 43.032 người (hộ nghèo 3.532 người, hộ cận nghèo 313 người, người DTTS vùng đặc biệt khó khăn 31.158 người). Ngày 27/3/2024, UBND tỉnh công nhận thêm xã Lạc Quới đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) và xã Lương An Trà đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 6/12 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã NTM nâng cao.
Nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội (KTXH) phát triển, huyện tập trung triển khai các dự án đầu tư công, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2024, huyện triển khai 150 danh mục dự án đầu tư công (bao gồm kế hoạch vốn năm 2022 và 2023 kéo dài sang năm 2024), tổng vốn gần 296,52 tỷ đồng. Tính đến ngày 28/3/2024, giải ngân được gần 58,56 tỷ đồng, đạt 19,75%, cao hơn tỷ lệ bình quân của tỉnh.
Đầu tư để phát triển
Một trong những chương trình có ý nghĩa, tác động lớn trong nỗ lực nâng cao đời sống đồng bào DTTS Khmer là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tổng vốn của chương trình được giao trong giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 138,47 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển gần 92,1 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương hơn 83,72 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương hơn 8,37 tỷ đồng); vốn sự nghiệp gần 46,38 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương hơn 42,16 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương hơn 4,24 tỷ đồng).
Đến năm 2024, lũy kế bố trí vốn của chương trình được gần 91,19 tỷ đồng, đạt 65,85% tổng vốn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2022 - 2024 gần 64,6 tỷ đồng; vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2024 gần 26,6 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân đến ngày 31/3/2024 được hơn 40,3 tỷ đồng, đạt 44,2% (vốn đầu tư phát triển đạt 50%; vốn sự nghiệp đạt 41,18%).
Cùng với hiệu quả mang lại, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện Tri Tôn còn gặp một số vướng mắc trên thực tế. Điển hình như định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở 44 triệu đồng/hộ, không đủ để mua đất, cất nhà cho hộ nghèo.
Do đa số hộ nghèo trên địa bàn huyện đều đã vay vốn, nên không đủ điều kiện vay vốn thêm để đối ứng mua đất ở, cất nhà. Một số nội dung dự án, tiểu dự án của chương trình chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, hoặc tạm ngưng thực hiện, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn của huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang đề nghị Ủy ban Dân tộc của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất tăng định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở để các hộ dân có thể mua được đất ở, cất được nhà ở và phù hợp giá cả thị trường (hiện nay, chương trình hỗ trợ nhà Đại đoàn kết của MTTQVN hỗ trợ trị giá 50 triệu đồng/căn).
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh An Giang sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung về “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị”, “Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế” (Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3); “Đầu tư phát triển KTXH các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù” (Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 9) và một số nội dung thuộc Dự án 10.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Bé Tám cho biết, cùng với đầu tư phát triển hạ tầng, các mô hình sinh kế giảm nghèo, huyện Tri Tôn còn làm tốt công tác chăm lo cho gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo trên địa bàn. Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, huyện tổ chức vận động hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn vui Xuân, đón Tết với 17.094 phần quà, số tiền hơn 6,67 tỷ đồng.
Nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2024 của đồng bào DTTS Khmer, cùng với các đoàn công tác của Trung ương, tỉnh, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Tri Tôn và các xã, thị trấn đã tổ chức đoàn đến thăm tại 37 chùa Phật giáo Nam Tông Khmer, 20 vị trong Ban Chứng minh, Ban Trị sự Phật giáo Nam Tông Khmer, 35 người có uy tín, 65 hộ gia đình chính sách DTTS Khmer; tổ chức họp mặt cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, lực lượng vũ trang người DTTS Khmer tiêu biểu, với 81 đại biểu tham dự. Huyện còn vận động, phối hợp các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tặng quà Tết cho bà con Khmer và học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao để bà con đón Tết cổ truyền vui tươi, rộn ràng, đầm ấm.