Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi cách quản lý tài sản như thế nào?

Trí tuệ nhân tạo (AI), một cuộc cách mạng tương tự như việc phát minh ra động cơ hơi nước và điện khí hóa, đang làm rung chuyển lĩnh vực ngân hàng tư nhân.

Biểu tượng công cụ ChatGPT do công ty OpenAI phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng công cụ ChatGPT do công ty OpenAI phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN

Có mặt khắp nơi kể từ thành công toàn cầu của ChatGPT, AI cũng đang ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng tư nhân. Lý do đầu tiên là tác động rõ ràng của nó đối với thị trường chứng khoán. Theo một nghiên cứu vào tháng trước của chiến lược gia SocGen Manish Kabra, tất cả lợi nhuận của Phố Wall vào năm 2023 có thể là nhờ các cổ phiếu liên quan đến AI.

Cách giải thích thứ hai là ảnh hưởng kinh tế của AI. Ngân hàng Quốc gia Bỉ (NBB) đã đề cập cụ thể đến chủ đề này trong “Đánh giá kinh tế” vào đầu tháng Sáu này. Theo NBB, AI đã chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đặc biệt là các trợ lý giọng nói, quảng cáo trực tuyến được nhắm mục tiêu, nền tảng, mạng xã hội…

NBB chỉ ra rằng AI là một phần của cái được gọi là “công nghệ mục đích chung” (hoặc GPT), giống như động cơ hơi nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, điện khí hóa trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai hoặc gần đây là Internet.

Do đó, nó có tiềm năng chuyển đổi toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế và góp phần tăng trưởng năng suất bằng cách tự động hóa các nhiệm vụ, phân tích dữ liệu lớn và giải phóng thời gian cho người lao động.

Lý do thứ ba, AI cũng có thể phá vỡ ngành quản lý tài sản và thậm chí đã bắt đầu làm như vậy. Matthieu Remy, Giám đốc điều hành của Easyvest (dịch vụ đặt lịch hẹn trực tuyến ở Bỉ), cho biết : “Kể từ khi ra mắt vào năm 2016, chúng tôi đã sử dụng thuật toán máy học để dự đoán hiệu suất trong tương lai của các danh mục đầu tư của chúng tôi. Gần đây hơn, chúng tôi đã áp dụng hoàn toàn các công cụ như ChatGPT, Midjourney hoặc Github Copilot trong quá trình phát triển công nghệ thông tin cũng như các hoạt động tiếp thị và quản trị".

Do đó, ChatGPT cho phép công ty quản lý đạt được năng suất. Ông Matthieu Remy giải thích: “Ví dụ, chúng tôi ước tính rằng các nhà phát triển CNTT đã phát triển nhanh hơn 30% trong sáu tháng. Như vậy, với một nhóm gồm ba nhà phát triển, thì chúng tôi đã có thêm một nhà phát triển. Và điều này, thực tế là miễn phí".

AI hỗ trợ quản lý

Xavier Falla, Giám đốc điều hành Ngân hàng CBC của Bỉ, giải thích rằng nhiều người chơi truyền thống hơn cũng không bị loại bỏ. Ông nói: “Các chủ ngân hàng tư nhân của chúng tôi được hưởng lợi từ sự trợ giúp của KATE, trợ lý cá nhân kỹ thuật số của khách hàng của chúng tôi. Do đó, họ được thông báo ngay khi danh mục đầu tư của các khách hàng đã ký hợp đồng để phân biệt với hồ sơ nhà đầu tư mục tiêu. Khi thích hợp, KATE cung cấp các lựa chọn thay thế, có tính đến sở thích đầu tư của khách hàng”. Hôm nay, các đề xuất và cơ hội cân bằng được gửi đến chủ ngân hàng tư nhân; ngày mai, chúng có thể được gửi trực tiếp đến khách hàng.

Theo ông Xavier Falla, CBC không sử dụng ChatGPT vì lý do riêng. Song CBC đang phân tích công nghệ trong Tập đoàn KBC, để có thể phát triển một hệ thống tương tự.

Về phần mình, Matthieu Remy dự đoán một "sự phát triển có khả năng diễn ra nhanh hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng". Ông nhấn mạnh: "Hãy nhớ rằng ChatGPT mới chỉ ra đời được sáu tháng và đã thay đổi hoàn toàn cách chúng tôi thực hiện các phát triển Công nghệ thông tin hoặc xây dựng các chiến dịch tiếp thị”.

Trong một nghiên cứu, Deloitte chỉ ra rằng AI có thể biến đổi hầu hết các hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, từ quản lý danh mục đầu tư đến các chức năng quản trị, bao gồm phân tích hồ sơ hoặc tuân thủ quy định.

Việc liên hệ với khách hàng cũng không ngoại lệ, Deloitte nêu trải nghiệm được HSBC thực hiện vào năm 2018 cho chương trình thẻ tín dụng của mình. Phân tích dữ liệu AI được sử dụng để dự đoán sở thích của khách hàng đối với các chương trình tặng quà như du lịch, mua sắm… Kết quả, việc sử dụng các chương trình này đã tăng 40% đối với những khách hàng mà AI đã đánh giá sở thích.

Tuy nhiên, Xavier Falla nhấn mạnh AI không thay thế tiếp xúc trực tiếp khi khẳng định khía cạnh con người vẫn là trọng tâm trong mối quan hệ của chủ ngân hàng tư nhân với khách hàng.

Cuộc đua trí tuệ nhân tạo

Chuyên gia Matthieu Remy cho rằng ngay cả khi tính đến hạn chế này, không khó để tưởng tượng trong mười năm nữa, một tổ chức tài chính sẽ có thể quản lý số lượng khách hàng như hiện nay với nguồn nhân lực ít hơn hai hoặc ba lần, điều này rõ ràng đặt ra những vấn đề cơ bản về bảo trợ xã hội và việc làm. Đây không phải là điều mới trong một lĩnh vực thay đổi liên tục, nhưng có thể ảnh hưởng không tương xứng đến một số loại nhân viên.

Ngoài ra, cuộc đua về AI còn kéo theo vấn đề cạnh tranh. Giám đốc điều hành (CEO) của Easyvest, Matthieu Remy giải thích: “Nếu một tổ chức tài chính đạt được điều này trước tất cả những tổ chức khác, thì lợi thế cạnh tranh mà tổ chức đó có được về mặt chi phí vốn sẽ đến mức họ sẽ có phương tiện tài chính cần thiết để áp đặt sự độc quyền của mình”. Do đó, rõ ràng là việc sử dụng AI cũng là một thách thức đối với các cơ quan quản lý và rộng hơn là đối với các cơ quan quản lý cạnh tranh. Matthieu Remy cũng nhấn mạnh lĩnh vực này phải đảm bảo không đánh mất hai mục tiêu chính của quy định tài chính: Bảo vệ các nhà đầu tư tiêu dùng và đảm bảo niềm tin vào sự ổn định của hệ thống tài chính.

Theo các quy định, nếu một người quản lý tài sản không cung cấp lời khuyên tài chính đầy đủ cho khách hàng, thì những người quản lý của họ có thể phải chịu các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả hình sự và án tù. Tuy nhiên, ngày nay, ChatGPT thường lơ mơ khi trả lời những câu hỏi về tài chính. Khi không biết, chatbot này bịa ra hoặc không bao giờ đưa ra cùng một câu trả lời hai lần. Do đó, các quy định phải bảo vệ nhà đầu tư và xử phạt các tổ chức không đi theo hướng này.

Ngoài quy định và cạnh tranh, tạp chí chuyên ngành Private Banker International đã xác định những thách thức khác đối với việc sử dụng AI. Một trong những vấn đề chính là nguy cơ sai lệch. Các phán đoán của thuật toán AI phụ thuộc trực tiếp vào dữ liệu mà chúng được đào tạo. Nếu dữ liệu được sử dụng để đào tạo một thuật toán bị sai lệch, thì thuật toán có thể duy trì sự sai lệch đó. Điều này có thể dẫn đến kết quả không công bằng hoặc phân biệt đối xử.

Thách thức thứ hai là các mối đe dọa mạng tiềm tàng. Các cuộc tấn công an ninh mạng như vi phạm dữ liệu, tấn công lừa đảo và mã độc tống tiền có thể xâm phạm dữ liệu của khách hàng và làm xói mòn niềm tin vào ngân hàng. Chính vì thế, khi AI càng hiện diện sâu rộng trong lĩnh vực ngân hàng thì càng đòi hỏi an ninh mạng được tăng cường để bảo vệ khách hàng và cũng chính là bảo vệ hệ thống ngân hàng./.

Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tri-tue-nhan-tao-dang-thay-doi-cach-quan-ly-tai-san-nhu-the-nao/295461.html