Trí tuệ nhân tạo - yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi y tế ở Indonesia

Chính phủ Indonesia dự định tận dụng hơn nữa công nghệ dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) để cải thiện kết quả chăm sóc sức khỏe bởi đây là những yếu tố rất quan trọng trong việc phát triển công nghệ y tế trong tương lai.

Chính phủ Indonesia vạch lộ trình tận dụng hơn nữa công nghệ dữ liệu và AI để cải thiện kết quả chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em

Chính phủ Indonesia vạch lộ trình tận dụng hơn nữa công nghệ dữ liệu và AI để cải thiện kết quả chăm sóc sức khỏe, chẳng hạn như giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em

Tận dụng sự trợ giúp của AI

Indonesia và thế giới đang đứng trước cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo nhằm định hình lại hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng, từ chẩn đoán bệnh đến cải thiện khả năng tiếp cận. Ông Agus Rachmanto, Phó Giám đốc Văn phòng Chuyển đổi Kỹ thuật số tại Bộ Y tế Indonesia cho biết, công nghệ AI và dữ liệu đám mây có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi chăm sóc sức khỏe ở Indonesia. Nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng AI là tận dụng công nghệ để giúp con người hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng và chính xác hơn. Ở Indonesia, AI có thể được sử dụng để giúp xử lý dữ liệu đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu của các ứng dụng và nền tảng của Bộ Y tế, của các phòng khám y tế cộng đồng (Puskesmas), bệnh viện và văn phòng y tế chính phủ.

Theo ông Agus, dữ liệu chính xác là nền tảng quan trọng trong việc xác định chính sách y tế công cộng. Tuy nhiên, Indonesia là quốc gia có dân số đông thứ tư thế giới trong khi số lượng nhân viên y tế hạn chế, cụ thể tỷ lệ bác sĩ trên dân số của Indonesia thấp hơn 3 lần so với Đông Á và Thái Bình Dương, một vấn đề được hơn 42% dân số sống ở nông thôn cảm nhận sâu sắc. Điều này khiến quá trình thu thập dữ liệu thông qua nghiên cứu và khảo sát thực địa vừa mất nhiều thời gian, vừa tốn kém. Ví dụ, để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng hoặc thấp còi ở Indonesia, chính phủ đã phải huy động nhiều nhân viên y tế và tình nguyện viên tiến hành khảo sát, thăm khám và lập bản đồ tất cả các địa điểm phát hiện ca bệnh. “Với AI, việc thu thập và xử lý dữ liệu có thể được xử lý hiệu quả hơn so với thực hiện theo cách thủ công dựa trên báo cáo hiện trường”, ông Agus nói. Việc kết hợp dữ liệu nhân khẩu học và sức khỏe của Indonesia với khả năng phân tích của AI có thể hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân chính xác hơn, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên toàn quần đảo.

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, nhất là khi cần giám sát dịch bệnh, tốc độ đưa ra quyết định và hành động là vô cùng cần thiết. Ở khía cạnh này, AI có thể giúp xác định đợt bùng phát sớm hơn để Chính phủ có hành động nhanh chóng. Thông thường, quy trình bắt buộc từ báo cáo đầu tiên đến phương án xử lý cuối cùng về y tế ở ở cấp trung ương có thể mất 1 tháng, do đó gây ra sự chậm trễ trong việc xử lý ổ dịch. “Khi đại dịch xảy ra, điều cần thiết là phải ứng phó nhanh chóng trước khi dịch bệnh lây lan khắp nơi. AI sẽ có thể giúp chúng tôi xác định thông tin này sớm hơn để việc dự đoán có thể nhanh hơn”, ông Agus tiếp tục.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi có dịch bệnh, nhiều người không báo cáo cho nhân viên y tế mà thông qua cập nhật trạng thái trên trang mạng xã hội của họ. “Trong thời đại mà mạng xã hội là một phần trong cuộc sống hàng ngày của mọi người, chúng ta có thể sử dụng AI phân tích mạng xã hội như một dấu hiệu sớm để theo dõi khả năng dịch bùng phát”. Sau khi thông tin được xác minh, cơ quan chức năng có thể đưa ra phản hồi thích hợp, từ việc quyết định quy mô nguồn lực chăm sóc sức khỏe sẽ được triển khai cho đến các loại biện pháp can thiệp.

Quá trình số hóa y tế ở Indonesia

Quá trình số hóa y tế ở Indonesia đang được lên kế hoạch thông qua Lộ trình chuyển đổi công nghệ y tế 2021-2024. Lộ trình có 3 hoạt động ưu tiên là tích hợp và phát triển hệ thống dữ liệu y tế; tích hợp và phát triển hệ thống ứng dụng dịch vụ y tế; và phát triển hệ sinh thái công nghệ y tế. Vào năm 2023, mục tiêu chuyển đổi công nghệ y tế ở Indonesia là triển khai trí tuệ nhân tạo cho hệ thống phân tích sức khỏe, vận hành nền tảng hệ thống cơ sở y tế tích hợp, đồng thời mở rộng cấp phép và triển khai đổi mới và công nghệ y tế, đặc biệt là đổi mới công nghệ sinh học.

Những nỗ lực này sẽ được hiện thực hóa thông qua một số bước chuyển đổi y tế kỹ thuật số đã được Bộ Y tế thực hiện, bao gồm cả việc tung ra một số sản phẩm y tế kỹ thuật số, chẳng hạn như trang web Farmaplus 2.0 để công chúng kiểm tra tính sẵn có và giá cả của các loại thuốc ở các cơ sở y tế khác nhau. Kể từ khi ra mắt vào năm 2022, ứng dụng SATUSEHAT của Bộ Y tế Indonesia đã sử dụng đám mây để lưu trữ dữ liệu hồ sơ y tế điện tử từ hàng nghìn cơ sở chăm sóc sức khỏe trên khắp Indonesia. Ứng dụng SATUSEHAT cho phép bệnh nhân kiểm tra lịch sử thăm khám, chẩn đoán của bác sĩ và thuốc được cung cấp tại các cơ sở dịch vụ y tế.

Vào năm 2024, mục tiêu chuyển đổi công nghệ y tế ở Indonesia sẽ mở rộng sang các hệ thống dữ liệu lớn. Việc mở rộng phạm vi bao phủ cũng nhằm vào các hệ thống thông tin y tế tích hợp tại các cơ sở y tế. Việc tích hợp các sản phẩm đổi mới công nghệ y tế của Indonesia với thị trường toàn cầu cũng được đặt mục tiêu để có thể đối mặt với giai đoạn tiếp theo.

Chuyển đổi công nghệ y tế là nền tảng quan trọng trong việc xây dựng quá trình chuyển đổi hệ thống y tế của Indonesia nhằm cải thiện hệ thống y tế trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn và độc lập hơn trong việc đối mặt với các mối đe dọa sức khỏe trong tương lai.

Theo Govinsider/Antara

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tri-tue-nhan-tao-yeu-to-thuc-day-qua-trinh-chuyen-doi-y-te-o-indonesia-post567369.antd