Triển khai 'Trường học hạnh phúc' cần tránh hình thức, thêm việc cho giáo viên

Triển khai các tiêu chí phải được lồng ghép khéo léo trong quá trình dạy học để tránh rườm rà, tăng thêm công việc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang lấy ý kiến xây dựng Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” dùng trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố.

Bộ tiêu chí gồm 3 tiêu chuẩn (về con người, về dạy học và hoạt động giáo dục, về môi trường) với tổng 15 tiêu chí.

Khác với Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo Bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” của Hà Nội đưa ra những tiêu chí chung, không xây dựng quá chi tiết vì mỗi đơn vị, địa phương có đặc điểm riêng và giao các đơn vị chủ động sao cho phù hợp. Bổ sung đặc trưng của Hà Nội thực hiện 02 bộ quy tắc ứng xử và bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh.

Trường chuyên biệt cần có tiêu chí riêng phù hợp

Góp ý cho dự thảo, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trịnh Thị Lệ Thu – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Bình Minh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Trường Tiểu học Bình Minh là trường chuyên biệt. Để thực sự xây dựng “Trường học hạnh phúc”, nếu dự thảo được thông qua, dựa vào các tiêu chí chung, nhà trường sẽ xây dựng các tiêu chí riêng (có thể linh hoạt thay đổi vào mỗi giai đoạn khác nhau), các thành viên trong trường cam kết thực hiện để phù hợp với trường chuyên biệt”.

Cô Trịnh Thị Lệ Thu – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Bình Minh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cô Trịnh Thị Lệ Thu – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Bình Minh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NVCC

Trường Tiểu học Bình Minh là một trong ba trường chuyên biệt trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Nhà trường có những học sinh bình thường và học sinh khuyết tật trí tuệ học hòa nhập. Vì vậy, để giúp nhà trường đạt kết quả triển khai bộ tiêu chí chung mà Sở đang xây dựng, cần có thêm những hướng dẫn, phụ lục của bộ tiêu chí. Ngoài ra, Hội đồng Sư phạm nhà trường, phụ huynh, học sinh cần xây dựng các tiêu chí cụ thể hơn để phù hợp với nhà trường.

Ví dụ, tiêu chí 8 yêu cầu “Nội dung học tập bổ ích, lôi cuốn, mang tính ứng dụng cao, gắn với thực tiễn, học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên được tự do phản hồi, sáng tạo, được thể hiện quan điểm, ý tưởng có thói quen làm việc nhóm và hợp tác”, nhà trường điều chỉnh thành “Nội dung học tập phù hợp với đặc điểm học sinh, gắn với thực tiễn giúp học sinh tăng kĩ năng tự lập, thích nghi cuộc sống, học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên chủ động chia sẻ ý kiến, thể hiện quan điểm, phản hồi thông tin thông qua các hoạt động”.

Hay, tiêu chí 13 của dự thảo yêu cầu: “Xây dựng tiết học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc lấy sự tiến bộ của học sinh làm thước đo của hạnh phúc”, nhà trường điều chỉnh thành “Xây dựng tiết học vui, hiệu quả, lớp học an toàn”.

Cô Thu cho rằng cần thiết phải bổ sung tiêu chí về sự hài lòng của học sinh, phụ huynh với nhà trường. Bởi, trường học là nơi diễn ra hoạt động giáo dục với sự tác động qua lại thường xuyên, liên tục của các thành viên tham gia. Việc nhà trường được nhận sự phản hồi từ học sinh, phụ huynh sẽ giúp ban lãnh đạo, giáo viên có góc nhìn đa chiều, đúc kết và cải thiện môi trường giáo dục hạnh phúc.

Học sinh Trường Tiểu học Bình Minh trong hoạt động tái chế rác thải. Ảnh: NVCC

Học sinh Trường Tiểu học Bình Minh trong hoạt động tái chế rác thải. Ảnh: NVCC

Cùng chia sẻ, thầy Phạm Đức Nam - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, bộ tiêu chí nếu được ban hành sẽ giúp các trường phổ thông đối chiếu, có chiến lược để phấn đấu xây dựng trường học hạnh phúc.

Qua nghiên cứu dự thảo, thầy Nam phấn khởi và mong muốn bộ tiêu chí sớm được ban hành. Trong 3 tiêu chuẩn, thầy Nam cho biết tâm đắc với tiêu chuẩn về con người.

“Tất cả các hoạt động trong trường học đều hướng đến đối tượng là học sinh. Với tiêu chuẩn Về con người, nhà trường mong muốn giáo dục, hướng đến chuẩn mực đạo đức, xây dựng giá trị, thái độ tích cực trong học trò”

_Thầy Phạm Đức Nam_

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố cũng cho rằng, các tiêu chí trong dự thảo không quá khó để áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, tiêu chuẩn Về dạy học và hoạt động giáo dục, việc áp dụng cũng nên có sự linh hoạt tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên ở nội, ngoại thành Hà Nội.

"Nếu bộ tiêu chí được ban hành, lãnh đạo trung tâm giáo dục thường xuyên có trách nhiệm rất cao để triển khai thực hiện, nhất là trong tập hợp ý kiến của giáo viên, phụ huynh, học sinh. Đặc biệt, trung tâm có những học sinh mồ côi cả bố và mẹ nên việc lắng nghe, chia sẻ cùng các em càng phải quan tâm nhiều hơn để xây dựng trường học hạnh phúc", thầy Nam chia sẻ.

Tránh rườm rà, thêm công việc cho cán bộ giáo viên, nhân viên

Được biết, năm học trước, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình đã tham mưu Ủy ban nhân dân quận ban hành Kế hoạch số 224/KH-UBND ngày 08/8/2022 về việc Thí điểm triển khai Dự án “Trường học hạnh phúc” tại quận Ba Đình giai đoạn 2022-2025. Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Đức Thuận – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội) cho rằng, Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" của Sở sẽ là kim chỉ nam, căn cứ để định hướng cơ sở. Tuy nhiên, từ thực tiễn quá trình triển khai thí điểm trường học hạnh phúc trước đó, Phòng nhận thấy một số hạn chế và đưa ra đề xuất.

Cụ thể, tiêu chí 1 ngoài các mối quan hệ trong nhà trường như học sinh, cán bộ giáo viên, nhân viên cần bổ sung thêm khuyến khích các mối quan hệ đối với phụ huynh học sinh và các trường học khác.

Bổ sung trong nhóm tiêu chuẩn Về con người 01 tiêu chí nhỏ là: “Nâng cao kỹ năng và năng lực của giáo viên thông qua mạng lưới trường học và hỗ trợ đồng đẳng”.

Tiêu chuẩn "Về dạy học và hoạt động giáo dục" nên đổi tên thành "Về hệ thống giáo dục", vì các tiêu chí nhỏ bao gồm công tác quản lý, cách thức tổ chức bộ máy, quá trình và yêu cầu hình thức dạy học.

Tiêu chí 7, 8, 9 nên viết lại để tránh trùng lặp và thay cụm “nội dung học tập” tại tiêu chí 8 thành một số cụm từ “có phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực”, “lấy học sinh là trung tâm”, “dạy học theo định hướng nghiên cứu bài học và tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học”. Bởi, nội dung học tập là mặc định không thể thay thế chỉ có hình thức và phương pháp dạy học được linh hoạt ứng dụng.

Tiêu chí 11 cần thay cụm từ "quan tâm đến sức khỏe tâm thần" thành "quan tâm đến sức khỏe tinh thần" hoặc "tâm sinh lý".

Bên cạnh đó, ông Thuận đề nghị bổ sung thêm tiêu chí trong nhóm tiêu chuẩn Về môi trường như: “trường học dân chủ, bình đẳng, hạnh phúc”; “không gian xanh và mở”;...

Chỉ ra một số hạn chế khi xây dựng trường học hạnh phúc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình chia sẻ, có thể một số giáo viên, phụ huynh chưa thật sự quan tâm nhiều đến việc tích hợp các nội dung triển khai trường học hạnh phúc vào hoạt động dạy học, giao tiếp.

Triển khai các tiêu chí phải được lồng ghép khéo léo trong quá trình dạy học để tránh rườm rà, tăng thêm công việc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Ngân sách được cấp cho các hoạt động thường xuyên của nhà trường không đủ để hỗ trợ các mô hình hoạt động khi triển khai trường học hạnh phúc nên hạn chế ít nhiều tới hiệu quả. Do đó, ông Thuận đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sớm ban hành kế hoạch hướng dẫn cụ thể và có quy định tiêu chí, nội dung, ngân sách. Đồng thời có sự vào cuộc của ủy ban nhân dân cấp cơ sở để định hướng cho các phòng giáo dục và đào tạo tổ chức triển khai có hiệu quả; hướng dẫn các trường bố trí kinh phí và xây dựng tổng thể về phát triển trường học hạnh phúc trong kế hoạch đầu năm học.

Dự thảo Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc" Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xây dựng như sau:

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/trien-khai-truong-hoc-hanh-phuc-can-tranh-hinh-thuc-them-viec-cho-giao-vien-post240333.gd