Triển vọng kinh tế toàn cầu chưa rõ ràng khi Mỹ tăng trưởng trong tình trạng lạm phát cao

Tăng trưởng kinh tế vượt kỳ vọng của Mỹ là động lực chính cho sự mở rộng kinh tế toàn cầu hiện nay. Nhưng tác động lan tỏa từ tình trạng lạm phát cao kéo dài và chính sách tiền tệ thắt chặt ở nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể gây ra những rủi ro mới cho kịch bản 'hạ cánh mềm' của thế giới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức khác của Fed vẫn đang thận trọng khi nói về thời điểm bắt đầu giảm lãi suất trong bối cảnh lạm phát của Mỹ có dấu hiệu mắc kẹt ở mức trên 3%. Ảnh: Fox Business

Chưa rõ động lực nào đóng góp phần lớn cho tăng trưởng của Mỹ

Trong tuần này, các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu tập trung tại Washington để dự hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Một vấn đề họ có thể tranh luận là yếu tố nào đang thúc đẩy sự thành công của nền kinh tế Mỹ? Nếu tăng trưởng hiện nay của Mỹ chủ yếu nhờ các động lực tích cực như nguồn cung lao động và năng suất tăng, kinh tế thế giới sẽ được hưởng lợi. Nhưng nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới mở rộng là do thâm hụt tài khóa quá lớn, tiếp tục thúc đẩy nhu cầu và có khả năng khiến lạm phát cao dai dẳng, điều này sẽ gây rủi ro cho thế giới.

Một kịch bản hoàn hảo là tăng trưởng mạnh mẽ và lạm phát giảm cùng tồn tại, không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước có nền kinh tế liên kết với Mỹ thông qua tỷ giá hối đoái và các kênh thương mại vốn đang giúp duy trì nhập khẩu của Mỹ ở mức gần kỷ lục.

Austan Goolsbee, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang khu vực Chicago, xem đây là “con đường vàng” đối với kinh tế Mỹ.

Nhưng kịch bản còn lại có thể chỉ ra một chặng đường gập ghềnh phía trước nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kết luận rằng lạm phát sẽ còn cao dai dẳng do nhu cầu của Mỹ quá mạnh, và quyết định hoãn việc cắt giảm lãi suất dự kiến hoặc, trong trường hợp cực đoan, sử dụng biện pháp tăng lãi suất mà cơ quan này gần như đã gạt bỏ hoàn toàn ra khỏi bàn thảo luận.

Dữ liệu gần đây chỉ ra các tín hiệu đáng ngại, với lạm phát của Mỹ vẫn đang cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed và GDP của Mỹ vẫn tăng trưởng trên mức tiềm năng, đạt 2,4% trong quí đầu tiên của năm. Vì vậy, các quan chức Fed tỏ ra thận trọng khi nói về thời điểm có thể bắt đầu giảm lãi suất.

“Chúng ta vẫn chưa đạt đến mức mong muốn về lạm phát”, Thomas Barkin, Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang khu vực Richmond, nói vào tuần trước đề cập đến dữ liệu việc làm và lạm phát tăng mạnh trong tháng 3, đảo ngược xu hướng mà các nhà hoạch định chính sách của Fed trông chờ để có thể cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Những dữ liệu đáng lo ngại này khiến các thị trường hạ thấp triển vọng nới lỏng tiền tệ của Fed. Vì vậy, vấn đề mà các quan chức tài chính toàn cầu thảo luận tại Washington trong tuần này có thể tập trung vào việc liệu có phải lạm phát ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 và chính sách tiền tệ thắt chặt trên thế giới đang đến lúc kết thúc, hay đơn giản là trong trạng thái tạm dừng cho đến khi các diễn biến vĩ mô ở Mỹ rõ ràng hơn.

Liệu có phải tác động thắt chắt tiền tệ đang diễn ra chậm?

Dữ liệu gần đây của kinh tế đã Mỹ thu hút sự chú ý của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Dù Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vẫn giữ nguyên triển vọng cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới, nhưng tại cuộc họp báo của Chủ tịch ECB Christine Lagarde tuần trước, các câu hỏi chủ yếu xoay quanh việc chính sách tiền tệ của khu vực sử dụng đồng euro có thể lệch với chính sách của Fed đến mức nào nếu lạm phát ở Mỹ vẫn tiếp diễn.

Các thống đốc ngân hàng trung ương khác nói rõ hơn rằng cuộc chiến lạm phát kéo dài ở Mỹ sẽ hạn chế những gì họ có thể làm trong thời gian tới.

Per Jansson, Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Thụy Điển (Riksbank), nói: “Vấn đề không chỉ là liệu Fed quyết định bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6 hay muộn hơn một chút, mà còn lại toàn bộ chính sách tiền tệ của Fed trong khoảng một năm tới đang bị đặt dấu hỏi”. Ông lưu ý, Fed vẫn có thể phải thảo luận xem liệu có cần tăng thêm chi phí đi vay hay không, dù điều này chỉ là xác suất rất nhỏ.

Các dự báo kinh tế gần đây nhất của Fed, công bố hồi tháng 3, cho thấy không có nhà hoạch định chính sách nào của Fed dự đoán cần phải tăng lãi suất trên 5,25-5,5% hiện tại.

Nhưng tâm lý lo lắng đang xuất hiện. Biên bản cuộc họp chính sách trong tháng 3 của Fed cho thấy, một số quan chức lưu ý nếu các điều kiện tài chính tổng thể không thắt chặt như dự kiến, điều này có thể tạo thêm động lực cho tổng cầu và gây áp lực tăng lạm phát. Nếu tình trạng này diễn ra, các quan chức Fed có thể tranh luận về khả năng tăng thêm lãi suất.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh lãi suất chính sách cao nhất trong 25 năm đã đặt ra một loạt câu hỏi cho Fed, và cho cả nền kinh tế toàn cầu rộng lớn hơn về việc liệu có phải tác động của chính sách thắt chắt tiền tệ có diễn ra chậm và sẽ đặt nước Mỹ trước cánh cửa suy thoái hay không. Hoặc liệu có phải các khía cạnh của nền kinh tế Mỹ sự tham gia thị trường việc làm của người lao động và năng suất đang tốt lên hay không.

Văn phòng ngân sách quốc hội Mỹ gần đây nâng cao triển vọng tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Mỹ trên cơ sở năng suất lao động và nhập cư tăng, những yếu tố cho phép nền kinh tế mở rộng mà không tạo ra lạm phát.

Trong khi các quan chức Fed thừa nhận cả hai động lực này đã giúp giảm tốc độ tăng giá vào năm ngoái với tốc độ nhanh đáng ngạc nhiên, vẫn chưa rõ tác động của chúng sâu đến mức nào.

Nếu Fed kết luận nền kinh tế Mỹ vẫn còn quá mạnh hoặc các điều kiện tài chính còn quá lỏng lẻo, cản trở lạm phát quay trở lại mức mục tiêu, thì mức tăng trưởng vượt trội hiện nay của Mỹ có thể khiến Fed kéo dài chính sách thắt chặt tiền tệ.

“Tôi nghĩ Fed đang ở chế độ theo dõi và chờ đợi”, Karen Dynan, giáo sư của Đại học Harvard và nhà nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson, bình luận.

Dù kỳ vọng chính sách thắt chặt hơn sẽ làm giảm nhu cầu và làm chậm nền kinh tế Mỹ, nhưng Dynan cho rằng không thể xem thường khả năng xảy ra những hậu quả tồi tệ hơn chừng nào lạm phát cao còn tiếp diễn.

“Dù bối cảnh hiện nay thực sự ủng hộ cho kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ, nhưng tôi cho rằng, nguy cơ suy thoái kinh tế đang tăng cao ở Mỹ và các nước khác”, bà nói

Theo Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trien-vong-kinh-te-toan-cau-chua-ro-rang-khi-my-tang-truong-trong-tinh-trang-lam-phat-cao/