Triển vọng từ mô hình trồng sâm ở Bản Tèn

Năm 2023, Công ty CP Vginseng đã triển khai mô hình liên kết trồng, tiêu thụ sâm Bố Chính tại Bản Tèn với diện tích 3ha, có 4 hộ dân tham gia. Các hộ được Công ty hỗ trợ 100% về giống, phân bón hữu cơ, tập huấn kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm.

Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ động viên người dân xóm Bản Tèn nỗ lực, phát huy hiệu quả mô hình trồng sâm.

Lãnh đạo huyện Đồng Hỷ động viên người dân xóm Bản Tèn nỗ lực, phát huy hiệu quả mô hình trồng sâm.

Năm 2023, Công ty CP Vginseng đã triển khai mô hình liên kết trồng, tiêu thụ sâm Bố Chính tại Bản Tèn với diện tích 3ha, có 4 hộ dân tham gia. Các hộ được Công ty hỗ trợ 100% về giống, phân bón hữu cơ, tập huấn kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm.

Chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty CP Vginseng, giới thiệu: Sâm Bố Chính là loại cây thảo dược có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Bình, cho thu hoạch hoa làm trà, củ ngâm mật ong, ngâm rượu, chế biến làm nước cốt lẩu, chiết xuất làm dược phẩm bồi dưỡng sức khỏe. Cây sâm Bố Chính đã được Công ty trồng tại một số địa phương trong tỉnh Thái Nguyên khoảng 10 năm nay. Qua khảo sát, chúng tôi thấy chất đất núi đá ở Bản Tèn có nhiều mùn hữu cơ tự nhiên phù hợp trồng sâm nên quyết định triển khai trồng thử nghiệm.

Là một trong 4 hộ trồng thử nghiệm sâm đầu tiên với diện tích hơn 3 sào, sau khi thu hoạch, gia đình chị Vương Thị Tung thu về trên 42 triệu đồng từ bán hoa và củ sâm. Chị Tung phấn khởi nói: Nhà tôi có 6 sào đất thì một nửa trồng ngô và một nửa trồng sâm. Nhờ trồng cây sâm Bố Chính gia đình có tiền mua gạch đá hoa lát nền căn nhà cấp 4. Tôi thấy trồng sâm cho thu nhập cao gấp đôi so với trồng ngô 2 vụ, nên năm nay sẽ tiếp tục trồng, mong thời tiết thuận lợi để thu hoạch được nhiều.

Người dân xóm Bản Tèn làm đất, chuẩn bị gieo hạt sâm giống.

Người dân xóm Bản Tèn làm đất, chuẩn bị gieo hạt sâm giống.

Gia đình ông Vương Văn Minh, Bí thư Chi bộ xóm Bản Tèn, cũng tham gia trồng thử nghiệm sâm. Ông cho biết: Sau khi bán hoa và củ sâm, gia đình thu về được trên 50 triệu đồng. Sâm là cây trồng mới, nên tôi vừa làm và vận động các hộ dân kiên trì thực hiện đúng theo hướng dẫn của Công ty. Trong suốt thời gian trồng đến khi thu hoạch, cán bộ của Công ty và địa phương luôn cầm tay chỉ việc, hướng dẫn, động viên bà con. Nhận thấy hiệu quả kinh tế nên năm nay ngoài 4 hộ tham gia từ trước có thêm 26 hộ dân đăng ký trồng sâm, với tổng diện tích 7ha.

Chị Nông Thị Sía cho biết: Nhìn thấy các hộ khác làm hiệu quả và được cán bộ chỉ bảo, năm nay gia đình tôi cũng đăng ký trồng sâm. Tôi biết trồng sâm không dễ như ngô, phải xới đất, đào luống, tạo rãnh sâu, nhổ cỏ bằng tay. Nhưng vì đây là cây dược liệu, có giá trị cao nên tôi sẽ cố gắng.

Ông Hoàng Xuân Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, thông tin: Địa phương mong muốn Công ty CP Vginseng không chỉ giúp đỡ, hỗ trợ các hộ dân tại Bản Tèn mà còn mở rộng ra các xóm khác. Qua đó góp phần giúp người dân khai thác tối đa hiệu quả tài nguyên đất, giải quyết việc làm và tăng thu nhập, tạo đà để xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong năm nay.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202403/trien-vong-tu-mo-hinh-trong-sam-o-ban-ten-6ec1be9/