Trở lại để hàn gắn vết thương chiến tranh

45 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, các cựu binh Mỹ đang quay trở lại mảnh đất hình chữ S với mong muốn được bù đắp phần nào, hàn gắn những 'vết thương', những nỗi đau chiến tranh mà họ đã từng gây ra trên mảnh đất này.

Việt Nam - ngôi nhà thứ hai

Từng tham gia cuộc chiến tại Việt Nam năm 1968, David Edward Clark hiểu rõ sự khốc liệt của chiến tranh. Sau khi trở về Mỹ, nỗi ám ảnh về cuộc chiến vẫn luôn giày vò ông. Clark thường xuyên gặp những cơn ác mộng hay ảo giác rằng mình vẫn đang trong cuộc chiến tại Việt Nam. Cách duy nhất giúp ông thoát khỏi nỗi ám ảnh về chiến tranh là vùi mình vào những cơn say.

Năm 2007, Clark cuối cùng đã quyết định đối mặt với nỗi sợ hãi. Vì điều này, ông quay trở lại dãy núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, nơi từng là ranh giới ngăn cách giữa trung đội của ông với quân đội Việt Nam. Lần đầu tiên trong đời, ông leo lên tất cả các con đường trên dãy Ngũ Hành Sơn. "Trên đỉnh cao, tôi có cảm giác bình yên chưa từng có. Không còn bom đạn, không còn đánh nhau, không còn những chiếc máy bay phản lực bay qua. Rồi tôi nhận ra chiến tranh đã kết thúc”, Clark kể lại.

Từ năm 2010, Clark quyết định ở lại Đà Nẵng. Kể từ đó, Việt Nam trở thành ngôi nhà thứ hai của ông, nơi ông tin rằng là “chốn yên bình, đẹp nhất trên thế giới”. Bất chấp những gì quân đội Mỹ đã gây ra ở Việt Nam, sự hiện diện của Clark tại Đà Nẵng vẫn nhận được sự chào đón nồng ấm từ người dân địa phương.

Vài năm sau, ông kết duyên với một phụ nữ Việt Nam. Thông qua vợ mình, Clark đã tham gia tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP). Đối với Clark, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi ông có thể chia sẻ phần nào khó khăn với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và hỗ trợ công tác rà phá bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

 Các thành viên của tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (Mỹ) đến thăm một cơ sở dành cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam tại Việt Nam.Ảnh: Huffpost.

Các thành viên của tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (Mỹ) đến thăm một cơ sở dành cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam tại Việt Nam.Ảnh: Huffpost.

Tìm thấy bình yên

Hàng thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày 30-4-1975 lịch sử, nhiều cựu binh Mỹ vẫn không thể lý giải nổi vì sao họ có mặt ở Việt Nam để tham gia vào một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Điều đó đã xảy ra với Richard Parker. Người cựu binh 70 tuổi này chia sẻ rằng cuộc sống của ông đã mất phương hướng sau khi tham chiến tại Việt Nam. 20 năm Parker đắm chìm trong rượu và ma túy. Ông trở thành kẻ lang thang từ nơi này qua nơi khác, làm việc trong các nhà hàng, không màng sống hay chết. Những ký ức về sự tàn phá và chết chóc ở Việt Nam liên tục ám ảnh ông. "Tôi bị tẩy não nặng nề đến nỗi trước khi tham chiến, tôi muốn giết những người cộng sản. Nhưng khi rời Việt Nam, tôi yêu người dân ở đó. Họ nguy hiểm ư? Điều duy nhất họ muốn làm là trồng trọt và sinh con”, Richard Parker nói.

Trong nhiều năm, Parker bị chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, căn bệnh đã khiến hàng chục nghìn người tự sát. Đối với Parker, cách duy nhất để ông chiến thắng “con quỷ” bên trong mình là trở về Việt Nam. "Ở đây, ít nhiều tôi đã tìm thấy sự bình yên cho chính mình. Đôi khi tôi đến một nơi mà chúng tôi từng chiến đấu. Nơi diễn ra sự hỗn loạn và tàn phá vào thời điểm đó nay biến thành nơi đầy hy vọng và tràn đầy sức sống”, Parker kể về ký ức tươi đẹp khi ông quay lại Việt Nam.

Sửa chữa sai lầm

Một cựu binh khác, Larry Vetter, làm việc cho Child of War Vietnam, một trang web mở ra với mục đích chia sẻ để mọi người hiểu về những hậu quả của chiến tranh Việt Nam. Trong ngôi nhà khang trang của ông, phía trên ghế sô pha có một bức chân dung trong đám cưới-mùa hè năm 2016, người đàn ông 73 tuổi kết hôn với bạn gái Việt Nam, Doãn Hà.

Ban đầu, khi Vetter đến Đà Nẵng vào tháng 11-2012, ông chỉ có ý định ở lại 3 tháng để giúp đỡ một gia đình Việt Nam chăm sóc hai cậu con trai bị bệnh do ảnh hưởng của chất độc da cam, một loại thuốc diệt cỏ được quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, vốn là căn nguyên gây ra những căn bệnh quái ác, như ung thư, dị tật... cho nhiều thế hệ người Việt Nam. Thế nhưng, một phần cảm giác tội lỗi trong ông khiến Vetter quyết định lưu lại Việt Nam sau khi thời hạn 3 tháng kết thúc. Ông cho rằng mình phải có trách nhiệm sửa chữa những sai lầm mà bản thân đã gây ra cho Việt Nam. “Chúng tôi đã làm quá nhiều điều ngu ngốc ở đây”, Vetter chia sẻ.

Theo BBC, ước tính có tới hàng chục nghìn cựu binh Mỹ đã trở lại Việt Nam kể từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhiều người trong số họ đã chọn ở lại và gắn bó với đất nước hình chữ S, nơi họ tìm thấy liều thuốc chữa lành vết thương in sâu trong tâm hồn bằng các nỗ lực hòa giải và khắc phục hậu quả nặng nề mà chiến tranh đã để lại tại đất nước này.

NGỌC THƯ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/tro-lai-de-han-gan-vet-thuong-chien-tranh-633653