Trở lại Điện Biên những ngày tháng 5 lịch sử (3): Hãy đến với Điện Biên lịch sử, thân thiện và mến khách
Năm 2024 là năm đặc biệt quan trọng với nhiều sự kiện đặc biệt ý nghĩa của tỉnh Điện Biên như: Kỷ niệm 115 năm thành lập tỉnh Điện Biên (10-10-1949/ 10-10-2024), 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024) và Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên 2024. Nhân dịp này, phóng viên An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên về các vấn đề phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch đầu tư, thu hút du lịch.
- PV: Tròn 20 năm thành lập tỉnh Điện Biên, hiện tại Điện Biên có những thuận lợi và khó khăn gì trong việc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo thưa ông?
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng: Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, có diện tích tự nhiên 9.541,25 km², có đường biên giới dài 455,572 km, là tỉnh duy nhất của Việt Nam có đường biên giới tiếp giáp với 2 quốc gia (nước CHND Trung Hoa và nước CHDCND Lào). Địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh. Tỉnh Điện Biên có dân số trên 640.000 người, với 19 dân tộc, sinh sống tại 10 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện). Hiện nay, Điện Biên là tỉnh duy nhất trong vùng Tây Bắc có cảng hàng không kết nối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và vừa được nâng cấp, mở rộng, đủ điều kiện cho máy bay A321 hoạt động.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Điện Biên luôn được xác định có vị trí quan trọng về an ninh chính trị, an ninh quốc phòng.
Trong suốt thời gian qua, đặc biệt là 20 năm (từ 2004 - phóng viên) sau khi chia tách, tái thành lập tỉnh Điện Biên và Lai Châu, đến nay với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự tạo điều kiện, hỗ trợ của ban, ngành các địa phương, có thể nói Điện Biên tự vươn lên trên tinh thần đoàn kết các dân tộc. Và trên cơ sở đó, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các nội dung trong phát triển kinh tế xã hội, vấn đề gìn giữ, phát huy cac giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, vấn đề dân tộc tôn giáo được giữ vững đảm bảo quốc phòng, an ninh tốt để kinh tế - xã hội phát triển.
Đến nay, Điện Biên đạt được kết quả đáng ghi nhận, điển hình trong các nỗ lực phát triển kinh tế có thể nói trong giai đoạn từ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng tương đối cao. Trên cơ sở nhiệm kỳ 2020-2025, chúng tôi đã đánh giá, xác định được tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Trên cơ sở đó, xác định một số nhiệm vụ tập trung chỉ đạo, lãnh đạo để không ngoài mục đích cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân trong đó đặc biệt là ban hành 2 nghị quyết. Thứ nhất là Nghị quyết phát triển nông lâm nghiệp và Nghị quyết xác định phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh Điện Biên trong giai đoạn tới và hướng tới từ năm 2030 trở đi phát triển du lịch trở thành điểm nhấn, chiếm và chuyển đổi dần tỷ trọng nền kinh tế của tỉnh.
- Thưa ông, theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì Điện Biên hiện tại đang có những lợi thế đặc biệt về phát triển du lịch ở cả hai yếu tố là du lịch lịch sử cũng như văn hóa, cảnh quan thiên nhiên. Trong thời gian tới, các tiềm năng này sẽ được quy hoạch, đầu tư và chuyển đổi thế nào để tăng sức cạnh tranh với một số tỉnh Tây Bắc?
- Nổi tiếng nhất ở Điện Biên đấy chính là hệ thống các di tích lịch sử gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 châu chấn động địa cầu”. Một trong những thế mạnh mà chúng tôi xác định đó là gắn du lịch lịch sử với giáo dục truyền thống, giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam, tri ân các thế hệ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc và giáo dục các thế hệ trẻ hôm nay về truyền thống của dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình.
Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên cũng xác định, phát triển du lịch trên cơ sở tiềm năng thế mạnh do thiên nhiên ban tặng. Ví dụ trên địa bàn tỉnh, hiện có có một hệ thống hang động như: động Hắt Chuông, Chua Ta, Thẳm Khến, Pa Thơm… các hang động này không chỉ ẩn chứa nét đẹp thiên nhiên ban tặng, còn gắn bó với nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Cao nguyên đá cổ ở Tả Phìn, huyện Tủa Chùa… được nhiều chuyên gia về địa chất học đánh giá không khác gì cao nguyên đá Đồng Văn hay Mèo Vạc của Hà Giang.
Các hoạt động du lịch trên sông nước cũng có thể phát triển ở khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La đoạn qua Mường Lay… Chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát du lịch đến các địa điểm này, họ đều nhận định, cảnh quan lòng hồ Thủy Điện ở Mường Lay như là một Hạ Long thu nhỏ trên cạn. Cùng với đó, Điện Biên cũng có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Dân gian có câu ví rất nổi tiếng về tứ đại cánh đồng ở miền núi phía Bắc là: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc (Mường Thanh- Điện Biên, Mường Lò - Nghĩa Lộ, Mường Than Than Uyên và Mường Tấc Phù Yên). Ở Mường Thanh nổi tiếng với đặc sản gạo Điện Biên, cánh đồng này xưa là nơi nuôi quân trong thời kỳ kháng chiến giờ đảm bảo an ninh lương thực của địa phương, phát triển nông nghiệp… Cùng với đó là các suối nước nóng, suối khoáng U Va, Hua Pe… Các địa điểm trên đang được UBND tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư… Đây là những điểm nhấn quan trọng trong vấn đề phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, du khách đến với Điện Biên còn được trải nghiệm nét đẹp văn hóa của 19 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có một tập quán văn hóa bản sắc khác nhau. Hiện chúng tôi cũng đã ban hành các nghị quyết, chính sách hỗ trợ bà con nhân dân trước tiên để giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống, sau đó mới phát huy giá trị và phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, homestay…
Tất nhiên, cũng có nhiều khó khăn đặt ra, xã hội phát triển nhanh tác động trực tiếp đến giới trẻ, nhiều giá trị truyền thống mai một, ít nhiều người trẻ không còn quan tâm đến bảo tồn truyền thống… Tỉnh Điên Biên hiện đang có giải pháp, chính sách cụ thể đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nghị quyết, hỗ trợ thành lập các đội văn nghệ quần chúng tại các bản làng, gắn với xây dựng nông thôn mới cùng chuỗi các hoạt động cho du khách trải nghiệm văn hóa, ẩm thực truyền thống… nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 27-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23-2-2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong tời gian tới…
Các nội dung này, chúng tôi đang cố gắng thực hiện, bên cạnh đó đặc biệt quan tâm giáo dục. Giáo dục phổ cập các bậc học, cải thiện cơ sở vật chất, cải thiện chế độ chính sách cho con em các dân tộc vùng cao, nâng cao nhận thức, kiến thức cơ bản cho bà con dân tộc, từ đó tạo nền tảng cơ bản đề đào tạo nghề, chuyển đổi mô hình nông thôn, cải thiện xóa đói giảm nghèo. Theo đúng lộ trình thì đến hết năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ được phủ 100% lưới điện quốc gia. Trên cơ sở đó bà con được tiếp cận thông tin và nâng cao chất lượng dịch vụ, đời sống tinh thần.
Như tôi đã nói ở trên, tháng 3-2024 vừa qua, Chính phủ cũng đã công bố Quy hoạch tỉnh Điện Biên. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để Điện Biên tiếp tục cụ thể hóa các vấn đề liên quan đến quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết từng nội dung trong quá trình phát triển knh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới.
- Trong khuôn khổ của các hoạt động Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên 2024, UBND tỉnh Điện Biên với vai trò chủ nhà đã công bố chuỗi hoạt động 169 sự kiện kéo dài trong suốt năm 2024, xin ông có thể cho biết thêm về chuỗi các hoạt động này?
- Trong năm 2024 này, tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đây là dịp để ôn lại lịch sử cách mạng, tôn vinh và tri ân những cống hiến, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã chủ động triển khai công tác phối hợp, tuyên tuyền về ý nghĩa giá trị lịch sử, xây dựng hình ảnh Điện Biên ngày càng đẹp hơn, để lại dấu ấn trong lòng du khách. Từ đó, hình ảnh nét đẹp văn hóa, con người Điện Biên thân thiện, mến khách sẽ được giới thiệu, quảng bá đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Dự kiến sẽ có 169 chương trình, sự kiện hưởng ứng; trong đó có 13 chương trình, sự kiện quốc gia do Bộ VH-TT&DL chủ trì tổ chức; tỉnh Điện Biên chủ trì tổ chức 28 chương trình, sự kiện, hoạt động; 128 sự kiện, hoạt động hưởng ứng do 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức.
Các sự kiện được tổ chức trong suốt năm 2024 có thể nói là dày đặc. Với vai trò chủ nhà, chủ trì Năm Du lịch Quốc gia… đây thực sự là cơ hội để Điện Biên quảng bá, thu hút đầu tư. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau các sự kiện này, đặc biệt là Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7-5, tỉnh Điện Biên sẽ có những bước chuyển biến tích cực…
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2024) nổi bật là lễ diễu binh, diễu hành tại Sân vận động tỉnh Điện Biên Phủ vào sáng 7-5. Đây được coi là nội dung cốt lõi, nhằm biểu dương lực lượng, khẳng định ý nghĩa, tầm vóc lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Buổi lễ diễu binh, diễu hành sẽ có sự tham gia của lực lượng pháo lễ, lực lượng không quân bay chào mừng, lực lượng diễu binh, diễu hành, lực lượng đứng trên sân, tới tổng cộng hơn 12.000 người. Điểm nhấn đặc sắc của Lễ diễu binh, diễu hành bắt đầu bằng 21 loạt pháo trên nền Quốc thiều nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chương trình còn tái hiện công phu một phần lịch sử qua hình ảnh những chiếc xe đạp thồ - “binh chủng” đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ...