Trợ lực từ Dự án 6 tại huyện biên giới Đắk Nông

Sau hơn 2 năm triển khai Dự án 6 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch (Dự án 6), huyện Tuy Đức đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thực tế ở bon Bu N’đơr B

Năm 2022, Đội văn nghệ truyền thống bon Bu N’đơr, xã Quảng Tâm, Tuy Đức được thành lập trên cơ sở tập hợp những người yêu thích văn hóa truyền thống của người M’nông gồm 20 thành viên.

Đầu năm 2023, từ nguồn kinh phí của Dự án 6, Phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) huyện Tuy Đức đã hỗ trợ Đội văn nghệ truyền thống bon Bu N'đơr B 1 loa di động, 1 bộ chiêng 6 chiếc và 22 bộ trang phục truyền thống M’nông (11 bộ nam và 11 bộ nữ).

Đội văn nghệ truyền thống bon Bu Kóh, xã Đắk R'tíh được hỗ trợ trang phục truyền thống

Đội văn nghệ truyền thống bon Bu Kóh, xã Đắk R'tíh được hỗ trợ trang phục truyền thống

Ngoài việc hỗ trợ trang thiết bị, Phòng VHTT huyện Tuy Đức còn hướng dẫn cách thức duy trì, tổ chức một buổi sinh hoạt định kỳ và nội dung cốt yếu của từng buổi sinh hoạt cho đội văn nghệ… Theo ông Điểu Dơi, Đội trưởng Đội văn nghệ truyền thống bon Bu N'đơr B, đội văn nghệ bon được thành lập từ nhiều năm nay nhưng do điều kiện kinh phí khó khăn nên mỗi khi có sự kiện gì đều sang các bon khác mượn cồng chiêng về luyện tập cũng như biểu diễn, rất bất tiện. Từ khi được chính quyền hỗ trợ các thiết bị, trang phục cần thiết, hoạt động của đội diễn ra sôi nổi. Đây là động lực để đội tiếp tục luyện tập, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của người M’nông, góp phần bảo tồn, phát huy và truyền dạy giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ...”.

Qua tìm hiểu được biết, đây là đội văn nghệ truyền thống thứ 3 trên địa bàn huyện Tuy Đức được hỗ trợ theo Dự án 6 thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025.

Năm 2022, Bộ VHTTDL ban hành Văn bản số 677/HD-BVHTTDL về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền
thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, đây là Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Những kết quả bước đầu

Theo UBND huyện Tuy Đức, để triển khai thực hiện Dự án 6, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Riêng Phòng VHTT huyện được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện. Đi đôi với đó, công tác tuyên truyền được huyện đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như qua hệ thống loa truyền thanh; lồng ghép qua các hội nghị, họp tại khu dân cư…

Từ nguồn lực Dự án 06, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào M'nông ở Tuy Đức được gìn giữ, phát huy

Từ nguồn lực Dự án 06, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào M'nông ở Tuy Đức được gìn giữ, phát huy

Phòng VHTT xây dựng kế hoạch hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống, trang thiết bị hoạt động văn hóa, thể thao các thôn, bon, bản vùng đồng bào DTTS; tập huấn cho đội ngũ nghệ nhân, già làng, người có uy tín về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Đặc biệt, với nguồn vốn được phân bổ hơn 3 tỷ đồng, Tuy Đức đã tiến hành sửa chữa 6 nhà văn hóa cộng đồng; hỗ trợ hoạt động cho 3 đội văn nghệ truyền thống tại các bon Bu N’Drung (xã Đắk Búk So), bon Bu N’Đơr B (xã Quảng Tâm), bon Bu Kóh (xã Đắk R’tíh); hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 3 nhà văn hóa cộng đồng bon Bu Dăr (xã Quảng Trực), bon Phi Lơ Te và bản Sín Chải (xã Đắk Ngo)…

Bon Bu N'Drung, xã Đắk Búk So được Phòng VHTT huyện Tuy Đức hỗ trợ cồng chiêng, trang phục và loa di động

Bon Bu N'Drung, xã Đắk Búk So được Phòng VHTT huyện Tuy Đức hỗ trợ cồng chiêng, trang phục và loa di động

Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phòng VHTT huyện Tuy Đức cho biết: “Việc tổ chức triển khai thực hiện tốt Dự án 6 hiệu quả đã góp phần khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn, bon, bản được đầu tư đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới”.

Khắc phục các khó khăn, vướng mắc

Theo UBND huyện Tuy Đức, bên cạnh kết quả bước đầu thì việc triển khai thực hiện Dự án 6 trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn. Cụ thể như, các quy định, văn bản hướng dẫn về mức chi cho từng nhiệm vụ trong dự án còn chung chung, chưa quy định mức chi cụ thể và còn viện dẫn đến nhiều văn bản khác nên rất khó trong việc xây dựng dự toán.

Dự án 6 thực hiện trên các nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

Số nghệ nhân, già làng, người uy tín am hiểu văn hóa truyền thống… phần lớn đã già, yếu. Để thành lâp đội văn nghệ thôn, bon phải huy động từ 2 thôn, bon trở lên mới đủ số lượng. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ người đồng bào DTTS không còn mặn mà với văn hóa truyền thống của dân tộc mình nên phần nào ảnh hưởng tới việc thực hiện dự án bảo tồn, khôi phục nét văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Chương trình thực hiện một số chính sách mới, liên quan đến nhiều văn bản hướng dẫn của nhiều bộ, ngành khác nhau; việc xây dựng hệ thống văn bản về cơ chế, chính sách, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh mất nhiều thời gian.

Đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ còn thiếu và hạn chế về chuyên môn nên rất khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện… Vì vậy, nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của Dự án 6, huyện Tuy Đức sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị được phân công nhiệm vụ sớm hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Huyện đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ đã, đang triển khai theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Đồng thời, địa phương chủ động trao đổi, nắm bắt thông tin, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, sai sót để kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục, tháo gỡ; tích cực chia sẻ kinh nghiệm nhân rộng những sáng kiến, mô hình, cơ chế, chính sách hiệu quả, có tính khả thi trong thực tiễn...

Mỹ Hằng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/tro-luc-tu-du-an-6-tai-huyen-bien-gioi-dak-nong-212392.html