Trong hương xuân thơm nồng

Trong ký ức của tôi về những thức quà đáng nhớ vào ngày tết của những năm tháng cũ luôn hiện lên hình ảnh của chiếc hộp mứt. Thời ấy hộp mứt dù được đóng theo hình vuông, hình tròn hay hình lục lăng thì bên ngoài vỏ bìa làm bằng caton không thể thiếu hình hoa đào vẽ cách điệu. Bây giờ ngắm nhìn lại hình cành đào trên hộp mứt ngày ấy khá đơn giản, thậm chí không đẹp nếu nhìn nhận ở góc độ mỹ thuật. Nhưng trong ký ức của tôi màu sắc của hộp mứt với nền giấy hồng và hoa đào đỏ để lại thật nhiều cảm xúc.

Minh họa của Hà Hiếu

Từ trước tết cả tháng, các cửa hàng bán bánh kẹo đã bày biện bắt mắt, thu hút khách ghé thăm. Chỉ cần đứng từ xa tôi đã nhận ra dãy hộp mứt tết được các cô bán hàng xếp hình tháp điệu nghệ nhìn nổi bật giữa quầy hàng. Đây cũng là món quà được nhiều người ưa chuộng có lẽ vì màu sắc ấm áp, mang đậm không khí tết và lại để được lâu hơn so với các đồ bánh kẹo khác. Giống như nhiều gia đình, mẹ tôi thường dựng hộp mứt trưng cạnh lọ hoa đào đặt trang trọng trên tủ buýt phê kê ngay chính giữa phòng khách. Trên bàn thờ gia tiên, ngoài mâm ngũ quả, cũng thường có sự hiện diện của hộp mứt cho thêm phần xôm tụ.

Bên trong chiếc hộp mứt thực sự là “thiên đường ngọt ngào” của tuổi thơ tôi. Theo đó các loại mứt được chia đều vào các ô nhỏ, thường là có bốn ô ở bốn góc, giữa là ô hình tròn, giống như cách trẻ con chúng tôi chơi đồ hàng. Trong từng ô nào là kẹo trứng chim vừa giòn vừa bùi, nào là mứt dừa dai dai dẻo dẻo, mứt gừng cay cay thơm thơm. Hay mứt bí ngọt sắc, mứt cà rốt cắt hình hoa ăn giòn sần sật, lại thêm vài viên táo tầu, hạt sen... Chỉ hình dung cảm giác được đưa miếng mứt vào miệng là nước miếng tôi đã tứa ra, đầy thèm thuồng. Nhưng thèm đến đâu thì cũng phải đợi đến sáng mùng một, khi có vị khách đầu tiên đến xông nhà, mẹ tôi mới trịnh trọng mở hộp mứt ra để mời khách và chia cho các con.

Ngày ấy, đón khách ngày tết các nhà đều chuộng hộp mứt bởi các thức quà được bày biện trong đó đa dạng và cũng dễ ăn. Kèm theo đó sẽ có thêm đĩa hạt dưa để mời khách. Trong không gian tinh khôi của đất trời những ngày năm mới thắm sắc đào mai và tiết xuân se se, còn gì thú hơn khi được ngồi bên nhau tâm tình trò chuyện, cùng nhau nhâm nhi chén trà nóng, nhẩn nha cắn một miếng mứt thơm ngọt quyến luyến, hay lách tách cắn hạt dưa nghe đến là vui tai. Tôi thì không ham hạt dưa vì vừa cứng, khó cắn và lại hay bị rát lưỡi. Tôi mê được ngậm miếng mứt trong miệng, cảm nhận vị ngọt ngào tan chảy nơi đầu lưỡi. Tôi thường ngậm miếng mứt đến khi vị ngọt nhạt dần mới bắt đầu nhẩn nha nhai thật kỹ thật lâu. Bởi với thức quà ngon như vậy tôi không cho phép mình được vội vàng, kẻo lại mang tiếng như Trư Bát Giới, ăn nhanh đến nỗi chẳng biết mình vừa ăn gì và đương nhiên cũng không thể cảm nhận được hết hương vị thơm ngon của món ăn.

Tôi nhớ có năm trời vào tết nắng nồm, hộp mứt mẹ tôi mua từ trước lễ ông công ông táo đến khi mở ra tiếp khách thì ôi thôi, đã bị chảy nước. Tôi tiếc của nằng nặc đòi mẹ để cho tôi ăn kẻo phí, vì chỉ là đường bị chảy do nóng thôi mà! Lý lẽ của tôi cứng rắn đến mức mẹ phải kiểm tra kỹ lưỡng, thấy không có dấu hiệu mứt bị mốc nên quyết định cho mứt lên chảo nóng, sên lại cho khô rồi mới dám đưa cho hai chị em tôi “mở tiệc”. Khỏi nói chị em tôi vui sướng đến mức nào vì thay phải ăn dè sau mỗi lần khách rời đi thì giờ đây chúng tôi đã có cho riêng mình một “gia tài ngọt ngào”.

Thế hệ gen Z ngày nay nghe chuyện hộp mứt tết thuở trước chắc không khỏi ngạc nhiên. Bởi lẽ giờ đây kinh tế thị trường phát triển, đời sống người dân ngày càng khấm khá, việc các bà, các mẹ mua sắm đồng quà tấm bánh cho con trẻ là hết sức bình thường và đơn giản. Không cần đợi đến tết, mà bất cứ lúc nào, ai thích ăn mứt, hạt dưa hay bất kể thức quà gì chỉ cần ghé qua siêu thị hay một quầy tạp hóa ven đường đều có thể mua được. Từ hàng sản xuất trong nước đến hàng ngoại nhập, bao bì mẫu mã được chăm chút đẹp đẽ, giá cả đáp ứng từ bình dân đến cao cấp. Nhiều hộp mứt, bánh kẹo bây giờ làm đẹp như một tác phẩm nghệ thuật, tiền bao bì khéo còn đắt hơn cả “ruột” bên trong, đáp ứng nhu cầu biếu tặng của người tiêu dùng.

Việc sắm sanh cho ngày tết bởi vậy cũng giản tiện hơn rất nhiều. Nếu thời xưa, mẹ tôi phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ trước cửa hàng bách hóa mới mua được hộp mứt tết thì giờ đây tôi chỉ cần lên mạng, đặt online là hàng sẽ có shipper chuyển đến tận nhà. Ai bận rộn đến tận chiều ba mươi tết mới sực nhớ trong nhà vẫn còn trống trải, chưa thấy tết đâu thì chạy ào đến siêu thị, chừng một giờ đồng hồ là mua đủ từ bánh chưng, cây giò, thịt đông, canh măng, xôi gấc, nem rán cho đến mứt, bánh kẹo, rượu bia đủ loại. Nhưng sự đủ đầy vô hình trung khiến cho sự háo hức ngóng chờ tết dường như có phần giảm sút. Trẻ con không còn tha thiết với bánh kẹo, hay những miếng mứt phủ đẫm đường. Người lớn thì nơp nớm lo mỡ máu, tiểu đường lại càng dè dặt hơn với những đồ ăn có vị ngọt. Bởi vậy mà đón tết nay, trong tôi vẫn luôn hoài niệm về những tết xưa.

Tôi nhớ khi mình còn nhỏ, trước tết cả tháng không khí tết đã râm ran khắp đầu làng cuối xóm. Buổi học những ngày cuối năm chờ nghỉ tết đám bạn học trong lớp tôi sểnh lúc nào rỗi rãi là thi nhau kể chuyện nhà mình. Nào khoe mẹ vừa sắm cho chiếc áo mới diện tết. Chỉ mong tết đừng trổ nắng nóng vừa thiu mất bánh chưng mà lại khó diện áo mới đi chơi. Nào là khoe vừa được bố cho đi chợ tết, được tự chọn cành đào cho gia đình mình. Nào khoe ông vừa gói xong 30 cái bánh chưng, lại còn làm thêm cho vài chiếc bánh chưng bé dành cho đứa cháu háu ăn được nếm náp trước cho đỡ thèm.

Tết chộn rộn trong mỗi nếp nhà, hân hoan trong từng ánh mắt, rộn ràng trong những buổi chợ. Tôi đã lớn lên từ những mùa tết đong đầy kỷ niệm. Để mỗi khi năm mới đến, trong hương xuân thơm nồng lại ngỡ như mình vừa được bước lên chuyến tàu để trở về tuổi thơ...

Tản văn của Phong Điệp

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/trong-huong-xuan-thom-nong/206519.htm