Trồng màu trên đất lúa tăng thu nhập

Nâng cao hiệu suất sử dụng đất, nhiều hộ nông dân ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) trồng thêm vụ màu trên nền đất lúa. Từ một vài hộ làm ăn hiệu quả, sau đó nhiều hộ tham gia và dần phát triển thành tổ hợp tác trồng màu ấp Vĩnh Trinh. Mô hình trồng màu đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân.

Thời điểm này, Tổ hợp tác trồng màu ấp Vĩnh Trinh vào mùa thu hoạch với đủ loại như mướp, đậu bắp, bầu, bí, dưa leo, cải… “Nhìn chung năm nay thành viên trong tổ hợp tác đều trúng mùa, được giá hơn năm trước. Nhờ trồng màu đời sống nông dân được cải thiện. Một số hộ ít đất sản xuất cũng có thu nhập khá, ổn định cuộc sống”, anh Lê Văn Tắt - tổ phó Tổ hợp tác trồng màu ấp Vĩnh Trinh cho biết.

Anh Lê Văn Tắt - tổ phó Tổ hợp tác trồng màu ấp Vĩnh Trinh chăm sóc giàn mướp hương.

Anh Lê Văn Tắt - tổ phó Tổ hợp tác trồng màu ấp Vĩnh Trinh chăm sóc giàn mướp hương.

Với 1 công đất, sau 2 vụ lúa, bà Lê Thị Hạnh - thành viên Tổ hợp tác trồng màu ấp Vĩnh Trinh trồng thêm đậu bắp, hiện đang thu hoạch và bán với giá 12.000 đồng/kg. Nếu giá giữ ở mức này đến cuối vụ, bà Hạnh ước lãi từ 25-30 triệu đồng.

Bà Hạnh chia sẻ: “Tôi sống một mình, canh tác 1 công đất ruộng mỗi năm chỉ đủ lúa ăn, cuộc sống nhiều khó khăn. Thấy một vài hộ gần nhà trồng màu hiệu quả, tôi tận dụng nền đất ruộng trồng đậu bắp. Thời gian gieo hạt đến thu hoạch hơn 2 tháng nhưng năm nào tôi cũng lãi từ 15-35 triệu đồng, tùy vào giá và năng suất. Nhờ vậy cuộc sống của tôi dần ổn định, tiết kiệm được số vốn để chăm lo cho sức khỏe sau này”.

Nhận thấy vùng đất nơi đây cao ráo, thổ nhưỡng phù hợp trồng màu, Hội Nông dân xã Vĩnh Thuận tạo điều kiện, liên kết các hộ dân thành lập tổ hợp tác với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn kiến thức, tiêu thụ sản phẩm… giúp nông dân ổn định sản xuất, tăng thu nhập.

Năm 2018, Tổ hợp tác trồng màu ấp Vĩnh Trinh được ra mắt, có 27 thành viên với diện tích 6ha. Đến nay, tổ hợp tác vẫn duy trì hoạt động tốt. “Đây là một trong những tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, ổn định. Hội Nông dân xã tạo điều kiện tập huấn kỹ thuật trồng màu an toàn, giới thiệu các loại cây giống mới, sử dụng thuốc sinh học… giúp thành viên tiết kiệm chi phí và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thuận Nguyễn Văn Ẩn cho biết.

Thời điểm bắt đầu vụ màu là tháng chạp và thu hoạch vào đầu tháng 2 âm lịch, tùy thuộc vào vụ lúa và thời tiết. Trung bình hàng năm trên diện tích 1ha, trừ chi phí nông dân lãi khoảng 140 triệu đồng, trong đó 2 vụ lúa lãi khoảng 40 triệu đồng, 1 vụ màu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Theo anh Lê Văn Tắt, hiện thành viên trong tổ hợp tác trồng đa dạng các loại hoa màu, các sản phẩm đều được thương lái thu mua tận nhà nhưng giá cả còn bấp bênh. Vụ màu này, ngoài trồng các nông sản thường dùng, anh Tắt trồng thí điểm dưa lê và liên kết bao tiêu sản phẩm. Nếu cách làm này hiệu quả, anh Tắt sẽ nhân rộng cho các thành viên còn lại để tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa.

"Thời gian tới, Hội Nông dân xã Vĩnh Thuận tìm loại cây trồng phù hợp, năng suất cao vận động thành viên tham gia với số lượng lớn và tìm đầu mối liên kết các doanh nghiệp với nông dân để bao tiêu sản phẩm. Như vậy, nông dân mới sản xuất bền vững, ổn định kinh tế”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thuận Nguyễn Văn Ẩn cho biết.

Bài và ảnh: MI NI

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/trong-mau-tren-dat-lua-tang-thu-nhap-12818.html