Trực thăng Bell 212 gặp nạn của Tổng thống Iran có gì đặc biệt

Dựa trên các thông tin và hình ảnh hiện trường, chiếc trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất được cho là chiếc đã gặp nạn khi chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cùng các quan chức ngày 19/5.

Hình ảnh hiện trường vụ tai nạn trực thăng của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: Red Crescent/FARS News Agency

Hình ảnh hiện trường vụ tai nạn trực thăng của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: Red Crescent/FARS News Agency

Ngày 20/5, hãng thông tấn nhà nước Iran IRIB ngày 20/5 đưa tin, không phát hiện dấu hiệu sự sống tại hiện trường vụ rơi trực thăng chở Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian và những người khác. Chiếc trực thăng đã rơi ở khu vực gần làng Tavil, tỉnh Đông Azerbaijan của Iran.

Chiếc trực thăng đã gặp nạn được cho là Bell 212 do Mỹ sản xuất, là một trong những máy bay trực thăng đa dụng hạng trung đáng tin cậy và nổi tiếng nhất thế giới với hơn 900 chiếc được sản xuất tính tới hiện tại. Bell 212 được sử dụng trong nhiều hoạt động khác nhau, từ quân sự đến các nhiệm vụ nhân đạo.

Được sản xuất bởi Bell Textron Inc., một nhà sản xuất hàng không vũ trụ của Mỹ có trụ sở tại Fort Worth, Texas, Bell 212 là một trong những mẫu mang tính biểu tượng và là một phần quan trọng trong dòng máy bay trực thăng của Bell Textron.

Được giới thiệu lần đầu tiên vào cuối những năm 1960 như một sự mở rộng của dòng Bell 205, Bell 212 nhanh chóng khẳng định mình là một ngôi sao trong ngành công nghiệp trực thăng. Với cấu hình động cơ đôi, chiếc trực thăng này mang lại sức mạnh và độ tin cậy cao hơn so với phiên bản tiền nhiệm, khiến nó rất phù hợp cho nhiều nhiệm vụ bao gồm vận tải tiện ích, tìm kiếm cứu nạn, chữa cháy và hoạt động quân sự.

Bell 212 được trang bị hai động cơ tua bin trục Pratt & Whitney Canada PT6T-3B Twin-Pac cung cấp đủ công suất cho nhiều nhiệm vụ. Trực thăng có chiều dài tổng thể 17,46m, đường kính cánh quạt chính 14,63m và chiều cao 4,62m. Bell 212 có khả năng đạt tốc độ tối đa 213 km/h và tốc độ hành trình 185 km/h. Với tầm hoạt động 438 km và chuyến bay dài khoảng 2,9 giờ, chiếc trực thăng này rất lý tưởng cho các hoạt động tầm trung.

Bell 212 có thể chở tối đa 14 hành khách hoặc hàng hóa với tổng trọng lượng lên tới 2.767 kg, bao gồm cả nhiên liệu đầy đủ. Riêng dung tích nhiên liệu đạt 1.220 lít. Cấu hình cabin linh hoạt, cho phép thay đổi nhanh chóng tùy theo nhu cầu nhiệm vụ, từ sơ tán y tế đến vận chuyển hàng hóa.

Tuy nhiên, bất chấp danh tiếng về độ chắc chắn và độ tin cậy, Bell 212 đã vướng vào một số vụ tai nạn lớn trong những năm qua. Một sự cố từng xảy ra vào năm 1997 khi một chiếc trực thăng Bell 212 do Petroleum Helicopters vận hành đã bị rơi ngoài khơi bờ biển Louisiana, khiến 8 người thiệt mạng. Chiếc trực thăng đó đang thực hiện nhiệm vụ vận chuyển ngoài khơi thường lệ thì gặp sự cố cơ học dẫn đến hậu quả thảm khốc.

Trong một sự cố khác vào năm 2009, một chiếc trực thăng Bell 212 do Cougar Helicopters vận hành đã bị rơi ngoài khơi bờ biển Newfoundland, Canada, cướp đi sinh mạng của 17 trong số 18 người trên máy bay. Chiếc trực thăng đang trên đường đến một giàn khoan dầu ngoài khơi thì bị mất áp suất dầu ở một trong các động cơ buộc phi hành đoàn phải cố gắng hạ cánh khẩn cấp xuống vùng nước lạnh giá của Bắc Đại Tây Dương.

Nhận định về hoạt động của Bell 212 tại Iran, hãng tin CNN dẫn lời nhà phân tích quân sự Cedric Leighton, một đại tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, cho biết Bell 212 được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1976 dưới dạng thương mại tại Iran.

Do những lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ từ năm 1979, ông Cedric Leighton nhận định việc tìm kiếm phụ tùng thay thế cho chiếc máy bay trực thăng này “chắc chắn sẽ là một vấn đề đối với Iran”.

Theo nhận định của ông, sự khó khăn trong tìm kiếm phụ tùng cùng với yếu tố thời tiết xấu ở phía tây bắc Iran “đã góp phần gây ra một loạt sự cố và một loạt quyết định mà phi công và thậm chí có thể cả chính tổng thống đã đưa ra khi điều khiển chiếc máy bay này… Và thật không may cho họ, kết quả là vụ tai nạn”.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/truc-thang-bell-212-gap-nan-cua-tong-thong-iran-co-gi-dac-biet-post34785.html