Trưng bày 'Khoảng trời mới': Tái hiện ký ức lịch sử hào hùng

Từ tháng 5 đến hết tháng 9/2024, Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề 'Khoảng trời mới'.

Đây là hoạt động nhằm thiết thực kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); 70 năm ngày ký Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (21/7/1954 - 21/7/2024); 70 năm trao trả tù binh của Việt Nam và Pháp theo nội dung Hiệp định Genevơ (8/1954 - 8/2024),

Một góc không gian trưng bày chuyên đề “Khoảng trời mới”.

Trưng bày Chuyên đề “Khoảng trời mới” giới thiệu trên 250 ảnh, tài liệu hiện vật tiêu biểu được chia làm 3 phần: “Chín năm làm một Điện Biên” ; “Những trang hồi ức” và “Trao trả”.

Ở nội dung “Chín năm làm một Điện Biên”, khẳng định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lực lượng vũ trang cùng Nhân dân cả nước đã đồng lòng, chung sức giành được nhiều thắng lợi quyết định trên chiến trường Việt Nam. Thắng lợi của các chiến dịch là tiền đề cho Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Tiêu biểu như Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông (1947), phá tan kế hoạch “tấn công chớp nhoáng” lên căn cứ địa Việt Bắc, đây là chiến dịch đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến dịch Biên giới (1950), đánh dấu thời kỳ mới trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - thời kỳ chủ động tiến công trên chiến trường. Chiến dịch Hòa Bình (12/1951-2/1952), là chiến dịch tiến công lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam tính từ khi bắt đầu toàn quốc kháng chiến. Chiến dịch Tây Bắc (10/1952-12/1952), làm thất bại ý đồ lập “Xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp.

Đặc biệt, tháng 12/1953, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954, quân ta giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 quân địch, trong đó có tướng De Castries. Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 21/7/1954, Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết tại Genève (Thụy Sĩ), công nhận nền độc lập của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ở nội dung “Những trang hồi ức” thể hiện trong gian khổ của chiến tranh, các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tận tình chăm sóc cho binh lính, sỹ quan Pháp bị bắt trên chiến trường. Tù binh không những được cứu chữa khi bị thương, chăm sóc khi ốm đau mà còn được đảm bảo chế độ sinh hoạt, được nhận thư nhà, có điều kiện giải trí cho đến ngày được trao trả về nước. Chính sách khoan hồng và đầy tính nhân đạo đã nói lên tính nhân văn sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như truyền thống nhân nghĩa cao đẹp của dân tộc ta, quân đội ta.

Trong khi đó, tại các nhà tù thực dân như: Hỏa Lò, Côn Đảo, Nhà lao Cây Dừa (Phú Quốc), Nhà Tiền, Trại an trí Thanh Liệt, Căng Hanh Thông Tây (Sài Gòn), Nhà tù Cam Ranh, các chiến sỹ cách mạng đã phải trải qua cuộc sống đọa đày. Những trận đòn tàn ác, các trại giam ngột ngạt, tối tăm với “cơm hẩm, rau già, cá thối” là cuộc sống mà những người tù chính trị phải đối mặt hàng ngày khi bị bắt giam trong các nhà tù thực dân.

Ở nội dung “Trao trả”, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết (21/7/1954), Chính phủ Việt Nam và Pháp tiến hành trao trả những người bị hai bên giam giữ. Chính phủ Việt Nam nghiêm túc thực hiện trao trả toàn bộ tù binh theo từng đợt, trước hết là những người bị thương nặng tiếp đến là những người bị thương nhẹ, bị ốm. Về phía Pháp cố ý trì hoãn, không trao trả đúng quy định, thậm chí trao trả người không có tên trong danh sách hoặc có tên mà không có người… Nhưng trước tinh thần đấu tranh của các tù binh, tù chính trị cùng sự ủng hộ của quân và dân địa phương đã buộc quân đội Pháp thực hiện việc trao trả theo thỏa thuận của Hội nghị Quân sự Trung Giã.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo thế và lực cho Chính phủ Việt Nam trên mặt trận ngoại giao. Tại Thụy Sỹ, Chính phủ Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Geneva, rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam. Cũng thời điểm này, tại Việt Nam, Hội nghị Quân sự Trung Giã được tổ chức và đạt được thỏa thuận về ngừng bắn và trao trả tù binh. Thỏa thuận được lan truyền nhanh chóng trong các nhà tù thực dân. Những người tù đã mưu trí, đoàn kết, bền bỉ tổ chức đấu tranh buộc địch phải trao trả.

Bên cạnh đó, thật xúc động khi xem những hình ảnh, hiện vật nói lên cuộc sống tù đày tại các nhà tù thực dân như: Hỏa Lò, Côn Đảo, Nhà lao Cây Dừa (Phú Quốc), Nhà Tiền, Trại an trí Thanh Liệt, Căng Hanh Thông Tây (Sài Gòn), Nhà tù Cam Ranh mà các chiến sỹ cách mạng đã phải trải qua cuộc sống đọa đày. Những trận đòn tàn ác, các trại giam ngột ngạt, tối tăm với “cơm hẩm, rau già, cá thối” là cuộc sống mà những người tù chính trị phải đối mặt hằng ngày khi bị bắt giam trong các nhà tù thực dân.

Các hình ảnh ấn tượng khi các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày được trả tự do sau khi Hiệp định Geneve được ký kết (21/7/1954); hình ảnh đấu tranh trên bàn đàm phán, buộc chính phủ Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Geneve, rút quân ra khỏi miền Bắc Việt Nam; hình ảnh chia tay các “sứ giả hòa bình” cùng những tâm sự, cảm nghĩ của các tù binh Pháp được trả tự do…

Khách quốc tế tham quan trưng bày.

Đại diện Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò Lã Thị Bích Thủy cho hay: Trưng bày Chuyên đề “Khoảng trời mới” nhằm giúp công chúng hiểu hơn về các chiến dịch lịch sử trên chiến trường Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954). Trưng bày góp phần kể lại câu chuyện về các binh lính, sỹ quan Pháp bị bắt, giam ở các chiến trường Việt Nam. Thời gian sống trong các trại tù binh ở núi rừng miền Bắc Việt Nam, được chứng kiến những khó khăn, gian khổ của các của các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam; được tìm hiểu về cuộc chiến tranh và tình người ấm áp của người dân địa phương đã để lại những kỷ niệm không quên đối với mỗi tù binh.

Trưng bày “Khoảng trời mới” còn là những câu chuyện kể về các chiến sỹ cách mạng đã trải qua những năm tháng bị địch bắt, giam cầm hà khắc trong các nhà tù thực dân. Nhưng, mọi khắc nghiệt của tù đày không dập tắt được ý chí kiên cường của các chiến sỹ, họ đã biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng. Kháng chiến thành công, họ lại cùng nhau đoàn kết, quyết liệt đấu tranh để được trao trả và trở về với cách mạng, với nhân dân.

N.H

Nguồn PetroTimes: https://dulich.petrotimes.vn/trung-bay-khoang-troi-moi-tai-hien-ky-uc-lich-su-hao-hung-710669.html