Trùng tu, bảo tồn là công việc thuần kỹ thuật hay cần sáng tạo?

Những công trình kiến trúc cũ có giá trị đang hiện diện tại Việt Nam có thể được xem như một tài sản quý giá của cộng đồng, địa phương, quốc gia. Những công trình ấy hiện vẫn tồn tại như những chứng tích lịch sử, nhưng cũng có thể sẽ biến mất vĩnh viễn hoặc suy giảm giá trị nếu chúng ta không kịp thời có những quyết sách đúng đắn trong công tác bảo tồn, trùng tu.

Nhân sự kiện cuốn sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội mới ra mắt, có thể thấy không ít bạn trẻ rất quan tâm đến di sản kiến trúc đô thị và việc bảo tồn chúng. Có lẽ là bởi mỗi một trong số chúng ta đều đã hình thành “ký ức đương đại” gắn bó với những công trình lịch sử này. Song việc bảo tồn, hay sự thay đổi những ký ức đó, chắc chắn sẽ có tác động tích cực hoặc tiêu cực tới quan niệm đã có của chúng ta.

Nhiều ý kiến cho rằng bảo tồn và trùng tu các di sản là một công việc thuần túy kỹ thuật, nhưng cũng có người cho rằng vẫn cần có sự sáng tạo. Để lý giải cho ý kiến này, phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với TS-KTS. Lê Phước Anh, Trưởng Bộ môn Đô thị và Kiến trúc bền vững, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội.

TS-KTS. Lê Phước Anh, Trưởng Bộ môn Đô thị và Kiến trúc bền vững, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội.

TS-KTS. Lê Phước Anh, Trưởng Bộ môn Đô thị và Kiến trúc bền vững, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thưa ông, với số lượng di sản rất lớn, bên cạnh một số công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương đã được bảo tồn đúng cách, chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là nhiều di tích đang bị xuống cấp hoặc trùng tu chưa thích đáng, gây nên phản ứng từ cộng đồng. Ông có nhận xét gì về thực trạng này?

Theo tôi, hiện nay di tích đang bị xuống cấp hoặc trùng tu chưa được thích đáng ngoài lý do kinh phí còn xuất phát từ hai nguyên nhân, đó là do kỹ thuật và vấn đề quan niệm hay cách tiếp cận. Như tôi phân tích trong bài báo đã đăng trên Người Đô Thị về ngôi nhà 49 Trần Hưng Đạo ở Hà Nội[1], một số chuyên gia quan niệm bảo tồn đúng cách là luôn phải quay về thời kỳ đầu tiên, tuy nhiên không có bất cứ công ước nào của UNESCO hay quy định quốc tế liên quan đến di sản nào yêu cầu chúng ta như vậy.

Hơn nữa, quá trình trùng tu tại ngôi nhà đó không phải là quay về mà là làm giả lại lớp vôi đầu tiên, vì nếu thực sự quay về thời kỳ đầu họ chỉ cần bóc hết lớp vôi đã được quét ở những thời kỳ sau để lộ ra lớp vôi nguyên bản.

Về mặt kỹ thuật, dù là bảo tồn để giữ nguyên các lớp thời gian hay muốn phục chế quay về thời kỳ nào thì một quy trình bài bản thận trọng và tỉ mỉ luôn khá tốn kém. Ở ngôi nhà 49 Trần Hưng Đạo, số tiền 14 tỷ báo chí nêu lên chưa hẳn đã lớn, vì nếu làm thật kỹ càng và chuẩn xác kinh phí thậm chí có thể còn lớn hơn rất nhiều.

Việc trung tu ngôi nhà 49 Trần Hưng Đạo đã gây nhiều tranh cãi vì không giống với bản thiết kế của chuyên gia đưa ra trước đó. Ảnh: TL

Việc trung tu ngôi nhà 49 Trần Hưng Đạo đã gây nhiều tranh cãi vì không giống với bản thiết kế của chuyên gia đưa ra trước đó. Ảnh: TL

Dư luận ý kiến đơn giản vì họ cho rằng số tiền đó chưa tương xứng với những gì họ thấy. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng bảo tồn rất khác với xây mới một ngôi nhà, và những giá trị ẩn chứa không phải bao giờ cũng hiện ra bên ngoài để nhìn thấy được ngay.

Nói chung khi trùng tu, bảo tồn các di sản không nhất thiết công trình nào chúng ta cũng phải quay về nguyên gốc. Mọi thời kỳ đều có giá trị riêng, nên việc quay về giai đoạn nào đòi hỏi phải có những nghiên cứu, phân tích cụ thể để tránh những đánh giá thiên vị chủ quan, cùng với đó là những giải thích công khai để thuyết phục cộng đồng và xã hội.

Trên thế giới, quan điểm bảo tồn đôi khi khác nhau sẽ dẫn tới các phương pháp tiếp cận khác nhau, như bảo tồn nguyên bản hoặc cải biến sáng tạo. Ở đây chúng ta đang vừa bàn một công trình kiến trúc Pháp. Vậy, ở Pháp, họ đang làm công việc này như thế nào, thưa ông?

Pháp là một đất nước có công tác bảo tồn hàng đầu thế giới, cả về khía cạnh kỹ thuật lẫn sự phát triển của các lý thuyết tiếp cận. Điều này thể hiện ở số lượng cũng như tình trạng chất lượng tuyệt vời của các di sản mà Pháp đang sở hữu. Họ có những ngôi trường rất nổi tiếng chuyên đào tạo các kiến trúc sư bảo tồn, chẳng hạn như Ecole de Chaillot ở quảng trường Trocadéro ngay dưới chân tháp Eiffel (Paris).

Chúng ta cần có những chuyên gia thật sự và một cơ chế, phương thức tiếp cận bảo tồn minh bạch, rõ ràng, giúp giải thích hoặc thống nhất hài hòa lợi ích các bên.

Quan điểm bảo tồn ở Pháp cũng tùy vào từng trường hợp cụ thể, không phải cái nào họ cũng quay về nguyên gốc. Họ chỉ làm thế khi chứng minh được những thứ nguyên gốc có giá trị vượt trội so với những thời kỳ sau.

Bên cạnh đó, để làm tăng sức sống cho di sản, trong nhiều trường hợp các yếu tố đương đại đã được đưa vào. Sự đối thoại giữa mới và cũ, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai đã làm cho di sản trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều. Ngoài ra ở Pháp, công tác truyền thông xã hội cũng được làm rất tốt, giúp cho ý kiến giữa các chuyên gia, nhà quản lý và người dân được xích lại gần nhau.

Tại Pháp, các kiến trúc sư bảo tồn luôn được hậu thuẫn bởi một đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp và hùng hậu, giúp họ trong mọi giai đoạn công việc như khảo sát, thu thập dữ liệu, phân tích, đánh giá các khía cạnh từ cấu trúc, vật liệu đến phương pháp thi công… Trong khi đó, Việt Nam còn thiếu rất nhiều thứ từ chuyên gia đến công nghệ. Các nguồn lực của chúng ta không chỉ hạn chế mà còn phân bổ bất cân xứng, lại chưa được trợ giúp đầy đủ về truyền thông.

Thời điểm trùng tu năm 2017 Văn Miếu - Quốc Tử Giám từng gây tranh cãi bởi di tích rêu phong được thay bằng màu xám trắng mới tinh. Ảnh tư liệu: Tiền Phong

Thời điểm trùng tu năm 2017 Văn Miếu - Quốc Tử Giám từng gây tranh cãi bởi di tích rêu phong được thay bằng màu xám trắng mới tinh. Ảnh tư liệu: Tiền Phong

Di tích Quốc gia cầu ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, Nam Trực, Nam Định) trước và sau khi được tu sửa. Ảnh tư liệu: Dân Trí

Di tích Quốc gia cầu ngói chợ Thượng (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, Nam Trực, Nam Định) trước và sau khi được tu sửa. Ảnh tư liệu: Dân Trí

Có thể nói, công tác bảo tồn di sản là một công việc hết sức đặc biệt và không hề dễ dàng. Theo ông, cần phải bảo tồn di sản như thế nào mới là hợp lý, nhất là trường hợp ở Việt Nam?

Bảo tồn di sản nói chung hiếm khi là con đường bằng phẳng dễ dàng, dù ở đâu. Bên cạnh các khó khăn về kỹ thuật, kinh phí hay vấn đề về sở hữu, xung đột quan điểm cũng là chuyện xảy ra thường xuyên và cần coi đó như bình thường. Có điều để thuyết phục công luận, chúng ta cần có những chuyên gia thật sự và một cơ chế, phương thức tiếp cận bảo tồn minh bạch, rõ ràng, giúp giải thích hoặc thống nhất hài hòa lợi ích các bên.

Lý tưởng nhất là nên bảo tồn cả một câu chuyện với nhiều dấu ấn hình thành theo thời gian, thay vì chỉ lựa chọn một thời điểm trong quá khứ để quay về. Nếu không thể như vậy, việc quyết định lấy thời kỳ nào để bảo tồn cần dựa trên những đánh giá chuyên sâu, đặc biệt khi di sản là những công trình công cộng thuộc về nhà nước hay cộng đồng thì quá trình này cần có sự tham gia của nhiều thành phần đại diện.

Bên cạnh năng lực các chuyên gia cùng đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ khảo sát và đánh giá, công tác thi công bảo tồn cũng cần được giao phó cho các đơn vị thật sự chuyên nghiệp có trình độ và tay nghề cao.

Tùy từng trường hợp, tất cả sẽ cùng bàn bạc để đưa ra cách tiếp cận tối ưu. Bên cạnh năng lực các chuyên gia cùng đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ khảo sát và đánh giá, công tác thi công bảo tồn cũng cần được giao phó cho các đơn vị thật sự chuyên nghiệp có trình độ và tay nghề cao, nếu không muốn di sản bị giảm giá trị bằng những thành phẩm không mong muốn.

Với một công trình lịch sử được bảo tồn, sẽ nảy ra vấn đề có những sự tiếp nhận thẩm mỹ khác nhau, giữa giới chuyên gia lẫn công chúng, trong đó không thể tránh khỏi tính chủ quan. Vậy việc quyết định bảo tồn di sản là của ai, hay nói khác, ai là người quyết định ký ức của những công trình lịch sử, thưa ông?

Trong bảo tồn di sản, ai là người quyết định hướng đi, khẩu vị thẩm mỹ hay những ký ức nào cần lưu giữ… phụ thuộc trước tiên vào việc ai là chủ sở hữu: tư nhân, nhà nước hay cộng đồng. Kể cả khi đó là một công trình tư nhân, người chủ sở hữu cũng nên lắng nghe dư luận. Thậm chí, Nhà nước đôi khi cũng có thể khuyến khích cách thức bảo tồn phù hợp bằng một số chính sách trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp (như ưu đãi thuế), bên cạnh các quy định chung để tránh những can thiệp cực đoan.

Trong trường hợp dự án công cộng, với những công trình nhạy cảm và có khả năng xảy ra xung đột quan điểm, quyết định bảo tồn cần là kết quả của một quá trình dân chủ mà bên cạnh chính quyền, chuyên gia, thì tiếng nói cộng đồng cũng cần được tham khảo. Các dữ liệu đưa ra cũng cần thống nhất, tránh tình trạng trên phối cảnh ban đầu dự tính một màu vôi nhưng thực tế thi công lại hoàn toàn khác như ở 49 Trần Hưng Đạo.

Bìa cuốn sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội.

Nhiều người cho rằng trong công việc bảo tồn di sản không chỉ đề cao tính kỹ thuật mà còn phải có sự sáng tạo để phù hợp với đương đại, quan điểm của ông như thế nào về ý kiến này?

Đó là điều tất yếu trong xu thế hiện nay. Bên cạnh biệc bảo tồn để giữ gìn tính lịch sử, chúng ta cần có sự sáng tạo, làm mới di sản bởi sáng tạo sẽ làm cho di sản trở nên hấp dẫn hơn, phù hợp với cuộc sống đương đại và nhờ thế tồn tại lâu dài hơn.

Tất nhiên, chúng ta không thể sáng tạo tùy tiện mà cần căn cứ vào từng bối cảnh, từng công trình cụ thể. Những công trình chứa đựng rất nhiều giá trị lịch sử cực kỳ quan trọng sẽ cần bảo tồn nghiêm ngặt hơn, còn ngược lại thì có thể có nhiều không gian hơn để sáng tạo. Khi đã xác định được giá trị di sản nằm ở đâu, việc biến đổi công trình bên cạnh đáp ứng những nhu cầu đương đại vẫn cần cho thấy sự tôn trọng đối với những giá trị đã xác lập.

Chắc chắn, để có được những sáng tạo thật hay mà ở đó quá khứ vẫn được tôn vinh là không hề dễ dàng và cần đến những con người tài năng. Đánh giá lao động của họ cũng không đơn giản và dễ gây xung đột, nhưng như đã nói, chìa khóa giải quyết chính là một cách tiếp cận hài hòa và minh bạch được hỗ trợ bởi truyền thông, ở đó mối quan tâm của mọi cộng đồng đều được tính đến.

Kết quả việc bảo tồn hay biến đổi trong trường hợp này sẽ là tấm gương phản chiếu trung thực tại một giai đoạn thái độ, tâm lý xã hội, cũng như những đặc trưng văn hóa một địa phương hay thậm chí một đất nước.

Mộc Trà thực hiện

[1] Công tác bảo tồn luôn cần nhiều hơn một ‘tư duy khảo cổ’: https://nguoidothi.net.vn/cong-tac-bao-ton-luon-can-nhieu-hon-mot-tu-duy-khao-co-39894.html

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/trung-tu-bao-ton-la-cong-viec-thuan-ky-thuat-hay-can-sang-tao-40625.html