Trước khi thanh tra thị trường vàng, những vụ buôn lậu vàng lớn nào đã được phát hiện?

Vào tháng 6/2023, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư vàng Phú Quý bị khởi tố về tội trốn thuế vì liên quan đường dây buôn lậu 3 tấn vàng từ Lào về Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Quyết định số 324 thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng...

Theo Ngân hàng Nhà nước, các nội dung thanh tra gồm: Chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2020 đến 15/5/2024. Khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ nêu trên. Thời gian thanh tra 45 ngày.

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu chậm nhất đến ngày 17/5, Ngân hàng Nhà nước phải công bố quyết định thanh tra thị trường vàng, "không để chậm trễ hơn nữa". Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý.

Đường dây buôn lậu 3 tấn vàng trị giá 5.000 tỷ đồng

Một trong những Công ty vàng khá lớn, được cho là một trong những doanh nghiệp top đầu của ngành vàng bạc Việt Nam là Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý. Năm ngoái doanh nghiệp này vướng lùm xùm về buôn lậu vàng và trốn thuế.

Cụ thể, vào tháng 6/2023, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về tội "buôn lậu" và "trốn thuế" xảy ra tại cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), Công ty Cổ phần Đầu tư vàng Phú Quý và các đơn vị liên quan.

Ông Lê Xuân Tùng - Chủ tịch Công ty Vàng Phú Quý bị khởi tố về tội "trốn thuế".

Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức chuyên án đấu tranh, làm rõ dấu hiệu của đường dây buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam và hành vi trốn thuế, xảy ra tại Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý (Công ty vàng Phú Quý), do Lê Xuân Tùng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Kết quả điều tra ban đầu xác định từ năm 2022 đến nay, Nguyễn Thị Hóa, trú thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và Nguyễn Thị Gái đã tổ chức đường dây buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng.

Số lượng vàng lậu được đưa từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị để bán cho các cửa hàng vàng tại Việt Nam thu lời bất chính.

Kết quả điều tra cũng xác định Công ty CP Đầu tư vàng Phú Quý đã kê khai và báo cáo quyết toán thuế năm 2021 không trung thực, có dấu hiệu trốn thuế, gây thiệt hại cho Nhà nước, bước đầu xác định là 6,145 tỉ đồng.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với hai người gồm: Lê Xuân Tùng - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư vàng Phú Quý và Lê Thúy Quỳnh về tội "trốn thuế".

Chân dung Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý

Dữ liệu cho thấy, Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý (Công ty Vàng Phú Quý) thành lập ngày 17/01/2008, trụ sở chính tại 30 Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, phường Quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.

Đại diện pháp luật là ông Lê Xuân Tùng (SN 1980) kiêm Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Công ty.

Về vốn điều lệ, tại tháng 8/2014, Công ty Vàng Phú Quý có vốn điều lệ đạt 250 tỷ đồng, trong đó ông Lê Xuân Tùng góp 200 tỷ đồng (tương đương 80% VĐL), Công ty TNHH Vàng Bạc - Đá Quý Phú Quý góp 30 tỷ đồng (12% VĐL) và Lê Thị Bích Diệp góp 20 tỷ đồng (8% VĐL).

Đến tháng 9/2017, cổ đông Lê Thị Bích Diệp chuyển nhượng vốn và tại bản đăng ký thay đổi vẫn ghi nhận ông Lê Xuân Tùng góp 200 tỷ đồng (80% VĐL) và Công ty TNHH Vàng Bạc - Đá Quý Phú Quý góp 30 tỷ đồng (12% VĐL).

Về cổ đông Công ty TNHH Vàng Bạc - Đá Quý Phú Quý thành lập ngày 27/01/2003, có trụ sở chính trùng với địa chỉ Công ty TNHH Vàng Bạc - Đá Quý Phú Quý. Đại diện pháp luật Công ty này là bà Phạm Thùy Anh (SN 1979) kiêm Tổng Giám đốc Công ty.

Vốn điều lệ Công ty TNHH Vàng Bạc - Đá Quý Phú Quý tại thời điểm tháng 9/2020 đạt 50 tỷ đồng, trong đó ông Lê Xuân Tùng và bà Phạm Thùy Anh (có cùng địa chỉ thường trú) mỗi người góp 50%.

Dữ liệu cho thấy, ông Lê Xuân Tùng còn là đại diện của Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đầu tư Bất động sản Đất Việt, Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Quý, Công ty cổ phần đầu tư Sông Hinh.

Về Tập đoàn Phú Quý, theo giới thiệu trên website, Công ty thành lập từ năm 2003. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính của tập đoàn là sản xuất và phân phối sản phẩm Vàng miếng, Vàng mỹ nghệ, Trang sức vàng ... Không những tập trung chủ đạo vào các lĩnh vực kinh doanh phân phối và bán lẻ vàng miếng SJC, nhẫn tròn trơn 999.9, Phú Quý còn chú trọng đầu tư và phát triển các sản phẩm vàng mỹ nghệ 24K, trang sức vàng, kim cương, nhẫn cưới.

Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Phú Quý khá hiếm khi được công khai và vẫn trong vòng bí mật với giới đầu tư quan tâm. Trên trang "toptenVietNam" của VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam hiện xuất hiện thông tin giới thiệu của Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý. Tuy nhiên, các thông tin chi tiết về doanh thu, lợi nhuận,… của doanh nghiệp không được công khai.

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/ngan-hang/truoc-khi-thanh-tra-thi-truong-vang-nhung-vu-buon-lau-vang-lon-nao-da-duoc-phat-hien-122787.html