Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024

Năm 2024, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tuyển sinh theo 09 phương thức.

Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã ký Quyết định số 333/QĐ-T2-ĐT ngày 11/4/2024 về việc ban hành Đề án tuyển sinh đại học năm 2024 của Trường.

Theo Đề án, sứ mạng của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là cơ sở đào tạo đại học, sau đại học về lĩnh vực pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức; nghiên cứu khoa học; cung cấp nguồn nhân lực, sản phẩm khoa học, dịch vụ pháp lý có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của ngành Kiểm sát nhân dân và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Về tuyển sinh ngành Luật - Chuyên ngành Kiểm sát, Đề án nêu rõ: Đối tượng tuyển sinh phải đáp ứng các điều kiện chung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các điều kiện đặc thù về sức khỏe, hạnh kiểm, học lực, lý lịch (đạt sơ tuyển theo quy định của ngành Kiểm sát).

Phạm vi tuyển sinh: Tuyển sinh trong phạm vi cả nước.

Sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

Sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

Phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

Phương thức 1: Kết hợp giữa sơ tuyển và xét tuyển kết quả học tập THPT của thí sinh học tại trường THPT chuyên hoặc có hệ thống lớp chuyên trực thuộc đại học, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…

Phương thức 2: Kết hợp giữa sơ tuyển và xét tuyển kết quả học tập THPT của thí sinh học trường THPT không thuộc danh mục quy định tại Đề án.

Phương thức 3: Kết hợp giữa sơ tuyển, xét tuyển kết quả học tập THPT và điểm chứng chỉ tiếng Anh IELTS học thuật (Academic): ≥ 6.5 hoặc chứng chỉ tiếng Nga TPKH-2 (có giá trị đến ngày 1/10/2024).

Phương thức 4: Kết hợp giữa sơ tuyển, xét tuyển kết quả học THPT và kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh.

Phương thức 5: Kết hợp giữa sơ tuyển và xét tuyển kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm học 2023 - 2024 của tổ hợp phân môn, môn đăng ký xét tuyển: A00, A01, C00, D01.

Chỉ tiêu tuyển sinh: Dự kiến là 350.

Đối với tuyển sinh ngành Luật, ngành Luật kinh tế, đối tượng tuyển sinh phải đáp ứng các yêu cầu chung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của từng phương thức tuyển sinh.

Phạm vi tuyển sinh: Tuyển sinh trong phạm vi cả nước.

Phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển.

Phương thức 6: Xét hạnh kiểm, kết quả học tập THPT.

Phương thức 7: Xét hạnh kiểm, kết quả học tập THPT và điểm chứng chỉ tiếng Anh IELTS học thuật (Academic): ≥ 6.0 (có giá trị đến ngày 1/10/2024).

Phương thức 8: Xét hạnh kiểm, kết quả học THPT và kết quả thi học sinh giỏi Quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh.

Phương thức 9: Xét tuyển kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm học 2023 - 2024.

Chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học ngành Luật: 120 chi tiêu; ngành Luật kinh tế: 150 chỉ tiêu.

Phương Anh

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/truong-dai-hoc-kiem-sat-ha-noi-cong-bo-phuong-an-tuyen-sinh-dai-hoc-chinh-quy-nam-2024-120130.htm