Trường thiếu nhân văn, chưa tế nhị khi công khai người nợ học phí

Nhiều chuyên gia nhận định việc nhà trường nhắc nhở sinh viên chậm hoàn thành nghĩa vụ học phí là cần thiết, nhưng đăng công khai thông tin lên mạng là thiếu nhân văn, chưa tế nhị.

 Nhiều sinh viên bức xúc, lo bị lộ thông tin qua các danh sách người học do trường đăng công khai trên mạng. Ảnh minh họa: Pexels.

Nhiều sinh viên bức xúc, lo bị lộ thông tin qua các danh sách người học do trường đăng công khai trên mạng. Ảnh minh họa: Pexels.

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước việc nhiều trường đại học trong nước vô tư đăng danh sách sinh viên nợ học phí lên mạng, công khai tên tuổi người học.

Ngoài danh sách sinh viên chưa nộp học phí, nhiều trường cũng không ngại đăng cả danh sách sinh viên bị kỷ luật, chưa đủ điều kiện tốt nghiệp, hay bảng điểm, danh sách sinh việc đạt học bổng...

Đáng chú ý, ngoài họ tên, mã sinh viên hay số tiền cần nộp, nhiều trường "đính kèm" cả thông tin cá nhân như ngày, tháng, năm sinh, lớp, khóa, số tín chỉ đã học, số môn học lại, học cải thiện...

Trường thiếu nhân văn

Trao đổi với Tri thức - Znews, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nhận định chưa xét đến nguy cơ lộ, lọt thông tin của sinh viên, riêng việc trường vô tư thông báo rộng rãi danh sách người nợ học phí là thiếu tính nhân văn.

Theo ông Khuyến, ở nhiều nước trên thế giới, việc này không tồn tại, mọi thông tin của sinh viên đều được bảo mật. Ngay cả những thông tin ít nhạy cảm hơn như bảng điểm, thông tin học bổng, họ đều thông báo đến từng sinh viên thay vì công khai danh sách.

Thực tế, sinh viên có nhiều lý do dẫn đến nợ học phí, nhất là trong thời điểm học phí tăng hàng năm như hiện tại, có thể sinh viên gặp khó khăn, không xoay xở kịp. Tuy nhiên, cũng có một số em chây ì, nhắc nhở là cần thiết.

"Dù vậy, nhắc nhở bằng cách đăng công khai danh sách như vậy là điều không hay, thiếu tôn trọng người học. Chưa kể, nhiều trường lại đăng kèm dữ liệu cá nhân không liên quan như số lớp, khoa, ngày tháng năm sinh... Thiết nghĩ, những danh sách như vậy chỉ cần mã số sinh viên là đủ vì mỗi em có một mã riêng biệt", ông Khuyến nhận định.

TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cũng cho rằng việc trường công khai danh sách sinh viên có chứa thông tin cá nhân là đi quá xa, không thuộc phạm vi trường được công bố.

Tuy nhiên, theo ông Phương, chuyện công khai danh sách sinh viên nợ học phí hay các danh sách khác chỉ là hình thức để nhắc nhở người học.

Thực tế, trong quy chế đào tạo của nhiều trường, việc công khai danh sách là bước cuối cùng. Trong quá trình thu học phí, các trường sẽ có giai đoạn thông báo, nhắc nhở qua nhiều phương thức để sinh viên chuẩn bị.

Tuy nhiên, lật ngược vấn đề, nhiều sinh viên cũng chưa nghiêm túc trong việc tiếp nhận thông báo và hoàn thành nghĩa vụ học phí. Thậm chí, có trường hợp trường phải nhắc 4-5 lần. Cuối cùng, trường không có cách nào khác, buộc phải đăng danh sách.

"Câu chuyện này sinh viên cũng có phần lỗi. Nếu khó khăn, các em phải chủ động thông báo tới nhà trường. Nhưng dù sao, nếu công khai, trường chỉ nên dừng ở mức công bố mã số sinh viên, họ tên, không đi kèm bất cứ dữ liệu cá nhân nào khác", ông Phương nhấn mạnh.

Những danh sách sinh viên nợ học phí tràn lan trên mạng. Ảnh: Ngọc Bích.

Những danh sách sinh viên nợ học phí tràn lan trên mạng. Ảnh: Ngọc Bích.

Nhiều cách để thông tin tới sinh viên

Lãnh đạo một trường đại học ở Hà Nội cho biết hiện tại, Chính phủ đã có Nghị định 13/2023 về Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Do đó, các trường đại học cũng cần ý thức được vấn đề bảo mật thông tin.

Theo đó, các trường nên có quy định về những thông tin không được phép công bố và có thể được công bố công khai dưới dạng danh sách. Điều này nhằm minh bạch thông tin, đồng thời có sự kiểm tra của xã hội.

Nhìn chung, rất nhiều thông tin cá nhân cần được bảo mật, do đó, các trường đại học cần phát triển phần mềm quản lý đào tạo, trong đó, mọi thông tin liên quan đến sinh viên (thông tin cá nhân, kết quả học tập, học phí...) thì chỉ cá nhân sinh viên biết.

Ngoài phần mềm này, vị lãnh đạo cho rằng nhà trường còn các kênh khác để thông tin cho từng sinh viên như email, số điện thoại cá nhân.

"Có thể mất thời gian nhưng đây là điều các trường cần làm. Sau khi có quy định, công tác bảo mật thông tin cần phải được phổ biến tới tất cả chuyên viên của các đơn vị bởi thông tin đưa lên mạng thường do chuyên viên làm", vị lãnh đạo nói.

Thông tin tới Tri thức - Znews, ông Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết hiện tại, không riêng trường hợp nợ học phí, bất kỳ thông tin gì liên quan đến cá nhân của sinh viên, trường đều có hình thức thông báo tới từng người học, không đăng công khai.

Trường có cổng thông tin dành riêng cho sinh viên của trường, sinh viên cần chủ động kiểm tra để cập nhật thông tin tại đó. Ngoài ra, trường có nhiều phương án nhắc nhở khác như như gửi email, gọi điện trực tiếp, thông báo qua phần mềm...

"Nhìn chung, các trường cần khéo léo, tinh tế hơn trong trường hợp này bởi sinh viên chậm học phí vì nhiều lý do khác nhau. Bên cạnh đó, đăng công khai như vậy cũng có nguy cơ lộ lọt thông tin, kẻ xấu có thể lợi dụng", ông Thắng đưa ý kiến.

 Các trường đại học cũng cần ý thức được vấn đề bảo mật thông tin của sinh viên. Ảnh minh họa: Pexels.

Các trường đại học cũng cần ý thức được vấn đề bảo mật thông tin của sinh viên. Ảnh minh họa: Pexels.

Đại học nhận lỗi

Trao đổi với Tri thức - Znews, đại diện một trường đại học cho biết ngay sau khi nhận thông tin phản ánh, nhà trường đã nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, nhận lỗi và rút kinh nghiệm khi đã đăng công khai danh sách sinh viên nợ học phí.

"Chúng tôi nghiêm túc thừa nhận lỗi sai, việc đăng cụ thể danh sách sinh viên thiếu học phí như vậy là chưa hợp lý, chưa tế nhị", vị đại diện nói.

Tuy nhiên, trước thông tin cho rằng nhà trường đăng danh sách để gây áp lực, đòi nợ sinh viên, vị đại diện khẳng định không có chuyện như vậy.

Theo đó, nguyên nhân nhà trường công bố danh sách thứ nhất bởi trong quá trình đóng học, nhiều trường hợp sinh viên, phụ huynh có sai sót như ghi sai thông tin, chuyển khoản nhầm... Phòng Tài chính - Kế toán công bố danh sách để sinh viên, phụ huynh kiểm tra lại và phản hồi tới nhà trường.

Thứ hai, nhiều sinh viên chậm đóng học phí vì nhiều lý do khác nhau. Một số em rất có ý thức, làm đơn xin gia hạn với nhà trường từ sớm. Nếu khó khăn hoặc có lý do chính đáng, nhà trường đều hỗ, tạo điều kiện, đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.

Song cũng có những em không chủ động báo lại nhà trường lý do nợ học phí, khiến trường bị động, không rõ sinh viên có tiếp tục học hay không. Phòng Tài chính - Kế toán thông báo danh sách để nhắc nhở các em.

"Nhà trường hoàn toàn không có ý đòi nợ hay làm mất danh dự sinh viên như những ý kiến trên mạng xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai có thể đã khiến sinh viên bị ảnh hưởng tinh thần", vị đại diện nói.

Vị đại diện cho biết trường cũng đã có phương án điều chỉnh để đảm bảo thông tin cũng như tránh ảnh hưởng tâm lý người học. Theo đó, thời gian tới, trường không công khai danh sách sinh viên nợ học phí.

Thay vào đó, Phòng Kế hoạch - Tài chính của trường sẽ thông báo tới từng sinh viên thông qua email hệ thống và liên lạc qua điện thoại để nhắc nhở. Qua đó, các em sẽ nắm bắt thông tin và chủ động xử lý.

"Hiện tại, Trung tâm Công nghệ thông tin cũng đang lên các phương án để vận hành cũng như cải tiến hệ thống. Tất cả thông tin sẽ được thông báo qua hệ thống này", vị đại diện cho biết.

Ngoài trường đại học trên, sau khi có phản ánh, một số trường khác cũng đã chủ động gỡ bỏ thông báo, danh sách chứa thông tin cá nhân của sinh viên khỏi website nhà trường.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/truong-thieu-nhan-van-chua-te-nhi-khi-cong-khai-nguoi-no-hoc-phi-post1469703.html