Truyện ngắn: Bánh đúc có xương

Nhìn gương mặt ai cũng rạng ngời hạnh phúc, tôi nhớ đến câu nói mẹ Lam hay dạy chị em tôi rằng đầu tư vào tình yêu thì sẽ không bao giờ sợ lỗ. Sau này, tôi sẽ học hỏi mẹ Lam chỉ đầu tư vào tình yêu mà thôi.

Xoay qua xoay lại mãi trên giường nhưng chẳng thể nào chợp nổi mắt, nghĩ đến chuyện ngày mai phải rời xa gia đình là lòng tôi lại thổn thức. Định bụng xuống bàn ngồi viết nhật ký cho nhẹ lòng thì tôi nghe tiếng cửa phòng khẽ mở. Nghĩ là bố vô điều chỉnh đèn ngủ cho hai chị em như mọi khi, tôi khép hờ mắt vờ ngủ, nghe tiếng bước chân có vẻ chậm nhịp, không giống như tiếng bước chân của bố.

Quả thực, người rón rén vào phòng tôi là dì Lam. Dì kéo chăn cho hai chị em rồi vòng qua tủ, treo bộ áo dài cưới mới ủi phẳng phiu lên cho tôi, vuốt ve bộ áo dài, thẫn thờ ngắm chiếc váy cưới trắng tinh nơi góc phòng. Trong màn đêm tĩnh lặng, tiếng tích tắc của đồng hồ ngân lên. Tôi cứ nằm im thưởng thức giai điệu ấy cho đến khi tiếng sụt sùi của dì Lam ngắt quãng.

- Dì sao thế ạ?

- Ôi, dì xin lỗi! Dì làm con tỉnh giấc hả?

- Dạ không, là con không thể ngủ được, con thấy lo lắng.

- Lúc dì kết hôn với bố con, dì cũng lo lắng thế nhưng chỉ cần nghĩ ngày mai mình có thể cùng nắm tay người mình yêu thương đi hết cuộc đời là con sẽ thấy ổn thôi.

- Cho con ôm dì một lát có được không?

Vòng tay dì dang rộng ôm tôi vào lòng. Nằm trong lòng dì, tôi cảm thấy ấm áp vô cùng. Đã bao lâu rồi tôi chưa cảm nhận được sự ấm áp như thế này nhỉ? Tôi luôn thèm được một cái ôm ấm áp, nhưng vì sự cố chấp và luôn tỏ ra mạnh mẽ nên chẳng thể tự nhiên sà vào lòng dì hay làm nũng bố.

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi lao vào vòng tay dì một cách vô định là hồi học lớp 6, tôi có gan trốn học đi chơi nhưng lại không có gan chịu đòn nên vòng tay dì chính là nơi trú ẩn tốt nhất mà những roi đòn của bố không thể chạm tới được.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hôm nay, lần nữa, tôi lao vào vòng tay dì khi những bộn bề lo lắng đang bủa vây. Được dì vỗ về, tôi thấy bình yên đến lạ. Nước mắt tôi cứ rơi xuống theo những lần vỗ về của dì. Nghe tôi sụt sùi, dì ôm tôi chặt hơn rồi nói:

- Dì và bố luôn mong con hạnh phúc, mai này nếu cuộc sống làm con mệt mỏi và nếu chồng con làm tổn thương con thì đừng chịu đựng một mình, con nhé! Cửa nhà này sẽ luôn mở để chào đón con và hãy nhớ con còn có chúng ta.

Những tiếng nức nở của tôi dần to hơn. Vùi sâu vào lòng dì, tôi tự hỏi chính mình rằng, sao tôi ích kỷ và luôn có thành kiến, ghét bỏ dì mà dì lại thương tôi như thể chưa có điều gì xảy ra vậy?

***

Mẹ mất khi tôi tròn 5 tuổi, bố đã ở vậy nuôi tôi cho tới khi tôi vào lớp 6. Cuộc sống của hai bố con tôi rất bình yên cho tới khi bố gặp dì Lam. Khi bố đưa dì về ra mắt gia đình, cả nhà ai cũng vui mừng, trừ tôi. Tôi tìm mọi cách để bố không thể tái hôn. Nhưng những thủ đoạn non nớt của một đứa con gái 12 tuổi năm ấy chẳng thể nào thắng được ý nghĩ kiên định của người lớn.

Căn nhà trống vắng, lạnh lẽo của hai bố con từ ngày có dì thì ấm áp hẳn lên, tôi cảm nhận được tất cả nhưng vẫn cố chấp, bướng bỉnh gây khó dễ với dì. Chẳng phải tôi ghét bỏ dì Lam, chỉ là tôi không chấp nhận được việc có một người phụ nữ khác thay thế mẹ tôi trong gia đình. Tôi sợ tình cảm của bố sẽ không dành cho tôi như trước, sợ rằng bố sẽ quên mẹ tôi.

Tôi trở nên bất cần và luôn mang trong mình chiếc áo giáp. Tôi bác bỏ và cự tuyệt tất cả những điều dì làm cho tôi, tôi luôn tìm cách để không chạm mặt dì. Ngược lại, dì luôn tỏ ra yêu thương, kiên nhẫn chăm sóc tôi từng chút một. Quần áo dù tôi có cố gắng làm bẩn cỡ nào thì ngày hôm sau cũng sẽ sạch sẽ, thơm tho.

Mỗi ngày đi học về tôi chẳng còn phải chịu cảnh ôm bụng đói bởi dì luôn chuẩn bị thức ăn để sẵn trong tủ lạnh. Dù cho tôi có nói những lời khó nghe, dì cũng chẳng mách lại với bố như bạn bè tôi thường kể về những bà mẹ kế. Còn nhớ năm lớp 7, tôi bị tai nạn rồi được đưa đến bệnh viện nơi dì làm việc. Trong cơn mê man, tôi vẫn nghe tiếng dì lo lắng hỏi bác sĩ: "Con gái tôi có sao không?". Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy dì khóc.

Đợt tai nạn năm ấy, tôi bị gãy chân, phải bó bột, tôi rất sợ mùi thuốc. Dì nắm chặt tay tôi khi bác sĩ bó bột. Cái nắm tay truyền cho tôi sự bình an. Cái nắm tay như muốn nói với tôi: "Có dì đây, con đừng sợ".

Gãy chân nằm một chỗ trên giường nên việc đi lại, sinh hoạt của tôi đều bất tiện. Tôi không có kinh nguyệt đều như những đứa con gái khác nên chẳng thể tính được chu kỳ hay có bất kỳ một sự chuẩn bị nào trước. Chân bó bột không thể tự mình vệ sinh được, nhưng cũng không thể gọi bố giúp chuyện con gái, tôi đành bất lực khóc và gọi:

- Dì Lam ơi!

- Dì đây, con đau ở đâu hả?

- Con tới tháng - Tôi bất lực, vừa khóc vừa nói rồi kéo tấm chăn lên. Dì vừa nhìn tôi vừa cười, dìu tôi vào nhà vệ sinh.

- Để dì giúp con nhé!

- Dì không ghét con vì con luôn khó dễ với dì sao?

- Không, ngược lại, dì rất thương con.

- Vì sao? Vì con là đứa mồ côi sao?

- Vì con là con gái của dì.

Con gái ư? Dì xem tôi là con gái của dì sao? Sau lần đó, tôi bắt đầu mở lòng với dì nhiều hơn. Có lẽ tôi cần nhiều thời gian hơn dì một chút để gọi dì là mẹ, nhưng trong lòng tôi, vị trí của dì đã thay đổi rất nhiều… Ngày mà tôi bật mí về cậu bạn tôi thích cũng là ngày tôi biết được mình sắp có em. Dì bảo, bí mật của dì, tôi là người biết đầu tiên, vì dì muốn tôi là người đầu tiên chúc phúc cho em bé trong bụng.

Mỗi ngày dì đều thắp hương, lau chùi bàn thờ cho mẹ tôi và mỗi năm, khi đến ngày giỗ hay thậm chí là ngày sinh nhật của mẹ, dì đều cắm cho mẹ tôi một bình hoa nhài, loài hoa mà mẹ tôi rất thích khi còn sống. Có lần, khi em gái tôi hỏi về người phụ nữ trên ban thờ, dì nói :

Bác ấy là chị gái của mẹ, là mẹ ruột của chị Hân và cũng là mẹ của con.

***

Suốt bao năm qua, tôi luôn có một câu hỏi muốn hỏi dì nhưng lại không biết mở lời thế nào. Hôm nay nằm trong lòng dì, được mang tâm trạng của dì mười mấy năm về trước, tôi ôm chặt dì:

- Dì ơi?

- Hồi đó dì xinh đẹp, giỏi giang nhưng sao dì lại chọn bố con, một người đàn ông góa vợ ạ?

- Vì thương. Dì thương bố con và thương cả con nữa.

- Sao dì có thể thương con khi mà ngày đó con luôn tỏ ra ghét bỏ dì?

- Vì con là con gái của dì.

Vẫn là câu trả lời năm đó, dù có bao năm trôi đi và dù tôi có hỏi vì sao dì thương tôi thì dì vẫn luôn trả lời rằng Vì tôi là con gái dì.

Ngày mai trở thành cô dâu, ngày mai tôi sẽ trở thành người phụ nữ có gia đình…

- Dì ơi. Từ nay dì cho con gọi dì là mẹ nhé!

- Con gái!

- Mẹ!

Chúng tôi cứ ôm nhau gọi mẹ ơi, con gái à cho đến khi em Như nhảy từ giường bên kia sang chui vào giữa hai mẹ con và phụng phịu:

- Hai người ôm nhau, bỏ quên mất con rồi, chị Hân đi lấy chồng chứ có phải ra chiến trường đâu mà mẹ ôm tiễn biệt thắm thiết thế không biết!

Cái giọng bà cụ non của nó khiến tôi và mẹ Lam không nhịn được cười, ba mẹ con cứ nhìn nhau cười. Tiếng cười vang khắp nhà giữa màn đêm tĩnh lặng khiến bố tỉnh giấc:

- Một người ngày mai làm cô dâu, một người làm mẹ vợ mà không lo ngủ sớm rồi ngày mai có khi tôi lại tốn thêm tiền.

- Ông tốn thêm tiền gì nói tôi nghe xem?

- Tiền mua phấn mắt cho hai mẹ con bà.

Hôm nay, tôi mới phát hiện thì ra ông bố ngày ngày đeo mặt nạ nghiêm khắc với chị em tôi thực ra là một người hài hước. Cái Như hết giảng thuyết bà cụ non với mẹ và tôi giờ thì quay qua vặn vẹo bố:

- Bố, vậy ngày mai con làm gì?

- Con à, con sẽ làm công chúa của bố.

Nhỏ Như, có lẽ nó hài lòng với câu trả lời của bố nên nó vùng khỏi vòng tay tôi và mẹ, lao ra ôm chầm lấy bố. Nhìn gương mặt ai cũng rạng ngời hạnh phúc, tôi nhớ đến câu nói mẹ Lam hay dạy chị em tôi rằng đầu tư vào tình yêu thì sẽ không bao giờ sợ lỗ. Sau này, tôi sẽ học hỏi mẹ Lam chỉ đầu tư vào tình yêu mà thôi.

Hạ Vân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/truyen-ngan-banh-duc-co-xuong-20240520154922341.htm