Truyền nhân làng rèn Tịnh Minh quanh năm đỏ lửa

Từ sáng sớm đến đêm khuya, những tiếng búa vẫn liên tục vang lên qua nhiều đời tại làng rèn Tịnh Minh, nơi sản xuất ra các sản phẩm nông cụ, dao, kéo phục vụ đời sống người dân nhiều tỉnh thành miền Trung- Tây nguyên.

Làng rèn Tịnh Minh (xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) nằm trọn trong vòng tay bao bọc của con sông Trà Khúc vẫn đang ngày đêm hơn 300 năm qua đỏ lửa làm nghề.

Nổi tiếng vì chất lượng

Trong cái se lạnh đặc trưng của vùng chân núi, từ sáng sớm, khi gà còn chưa gáy những người dân làng rèn nơi đây đã đập búa, thổi lò; than rực cháy phả hơi nóng vào người như tiếp thêm sức mạnh cho thợ rèn vung tay đập búa, tạo thành con dao, cái cuốc phục vụ đời sống người dân.

 Ông Tòng dồn sức đập mạnh nhát búa tạo hình sau khi thanh thép được nung nóng trong lửa. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Ông Tòng dồn sức đập mạnh nhát búa tạo hình sau khi thanh thép được nung nóng trong lửa. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Vừa nung thanh sắt trong lò than, vừa vung búa đập tạo hình, ông Nguyễn Tòng (65 tuổi), Trưởng Ban Quản lý làng nghề rèn Tịnh Minh nói lớn, làng nghề đã có truyền thống phát triển hơn 300 năm qua; sản xuất hàng hóa mang đi phục vụ nhiều tỉnh thành trên cả nước, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại đã làm cho các sản phẩm làng rèn yếu thế hơn với thị trường.

“Ở đây, yếu thế là vì giá cả chứ không phải vì chất lượng. Làng rèn Tịnh Minh làm thủ công, nguyên liệu đầu vào tốt nên giá thành không thể rẻ hơn các loại dao, công cụ bán đại trà trên thị trường”, ông Tòng cho hay.

 Các sản phẩm được tạo thành từ vật liệu thép chất lượng cao tôi luyện kỹ. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Các sản phẩm được tạo thành từ vật liệu thép chất lượng cao tôi luyện kỹ. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Để tạo ra được một sản phẩm từ sắt và thép thô đòi hỏi nhiều công đoạn, công sức. Từ việc nung sắt rồi dùng búa tạ đập cho nhẵn, mài, đóng cán…mỗi khâu đều yêu cầu sự khéo léo của người thợ.

Ông Tòng cho rằng, điều quan trọng nhất của việc sản xuất này là khi cho sản phẩm qua lửa lần cuối rồi nhúng vào nước lạnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến độ sắc của dụng cụ mà còn giúp chúng bền bỉ sau thời gian sử dụng.

 Người dân làng rèn mài cho nông cụ thêm sắc bén. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Người dân làng rèn mài cho nông cụ thêm sắc bén. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Mỗi ngày, một người thợ rèn lành nghề có thể rèn từ 20 đến 25 lưỡi liềm để bán cho thương lái, với giá từ 20 đến 22 nghìn đồng mỗi chiếc. Trung bình một người thợ rèn có doanh thu khoảng 400 đến 500 ngàn đồng/ngày.

Ông Nguyễn Hùng Châu (58 tuổi), trên chiếc xe máy chuẩn bị đi giao hàng cho thương lái chia sẻ, bạn hàng sẽ đặt hàng các gia đình trong làng rèn theo số lượng, chủng loại nhất định. Sau đó, khi các sản phẩm được rèn thành công thì ông sẽ tiến hành gia công, mài dũa lại rồi hoàn thiện đưa đi giao hàng.

 Sản phẩm làm ra đều được thương lái thu mua. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Sản phẩm làm ra đều được thương lái thu mua. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

“Mỗi người mỗi việc, người thì đập, người thì mài, người đóng cán…như vậy mới nhanh và đẹp được”, ông Châu nói.

Mạnh dạn đầu tư

Trước sự phát triển của công nghệ kỹ thuật hiện đại, sợ rằng làng nghề sẽ bị tụt hậu so với thị trường nên nhiều gia đình nơi đây đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để phục vụ công việc rèn.

Ông Phan Văn Kết, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Minh cho biết để nâng cao chất lượng cũng như số lượng sản phẩm tạo ra từ các hộ gia đình làm nghề rèn trên địa bàn xã, nhà nước, địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ vay vốn để phát triển chuyển đổi công nghệ trong sản xuất.

Chị Nhang Thị Mỹ Lệ cùng chồng làm nghề rèn là đời thứ 3 được bố mẹ, cha ông truyền nghề lại cho rằng làng rèn Tịnh Minh được sự tin tưởng và ủng hộ của người dân, bạn hàng từ trăm năm nay.

Đến nay, để phục vụ tốt hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như giảm sức lực lao động, tăng năng suất chị Lệ đã mạnh dạn cùng chồng đầu tư máy dập với số tiền gần 100 triệu đồng.

 Dưới mái nhà phủ đầy lá khô là nơi hai vợ chồng ngày đêm sản xuất nông cụ giữ gìn làng nghề. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Dưới mái nhà phủ đầy lá khô là nơi hai vợ chồng ngày đêm sản xuất nông cụ giữ gìn làng nghề. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

“Từ khi có máy dập, mình không cần dùng sức đập búa nữa. Vì thế, năng suất tăng gần gấp đôi thường ngày và mình cũng đỡ vất vả hơn trong công việc.

Trước kia chưa có máy thì lúc làm lúc nghỉ, nay có máy thì làm suốt ngày, suốt đêm”, chị Lệ nói.

Ngoài ra, gia đình chị Lệ còn mở rộng xưởng rèn lên quy mô 100m2 để đáp ứng được nhu cầu đặt hàng của bạn hàng.

 Chị Lệ là đời thứ 3 tiếp nối truyền thống nghề rèn từ cha ông. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Chị Lệ là đời thứ 3 tiếp nối truyền thống nghề rèn từ cha ông. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Một điều vợ chồng chị trăn trở và cũng như các người khác trong làng là sự tiếp nối của con em thế hệ trẻ.

“Bây giờ các cháu không muốn làm nghề truyền thống như cha mẹ mà sẽ đi các thành phố lớn làm trong văn phòng, công ty. Làm nghề rèn vất vả sớm hôm, tiếng búa đập chát chúa suốt ngày, tay chân bám đầy bụi sắt”, chị Lệ chia sẻ.

Nhưng dù có khó khăn thế nào thì mọi người cũng đều cố gắng giữ gìn làng nghề rèn Tịnh Minh. Vì chính nơi đây, công việc này đã nuôi lớn bao thế hệ ăn học thành người.

Làng rèn Tịnh Minh hiện có 55 hộ gia đình làm nghề với hơn 100 lao động, chuyên sản xuất các nông cụ cầm tay. Mỗi năm, làng rèn Tịnh Minh sản xuất ra hơn 200 ngàn sản phẩm các loại, doanh thu hơn 4 tỉ đồng/năm. Làng rèn Tịnh Minh được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam chứng nhận nhãn hiệu tập thể và UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận là làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP 3 sao.

MINH TRƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/truyen-nhan-lang-ren-tinh-minh-quanh-nam-do-lua-post774877.html