TS Trần Thái Phúc có hơn 20 năm gắn bó với công tác đào tạo bác sĩ, điều dưỡng

TS Trần Thái Phúc chia sẻ, công tác đào tạo ngành Điều dưỡng cần phát huy, đẩy mạnh kỹ năng thực hành, năng lực tự học, tự nghiên cứu của người học.

Năm 1965, Hội đồng Điều dưỡng Thế giới đã quyết định lấy ngày 12/5 hàng năm - ngày sinh của bà Florence Nightingale, là ngày Quốc tế Điều dưỡng, để tưởng nhớ những cống hiến to lớn của bà đối với việc hình thành và phát triển của ngành điều dưỡng hiện đại, và cũng là sự ghi nhận, tôn vinh của xã hội đối với người điều dưỡng trong chăm sóc sức khỏe con người, đặc biệt là chăm sóc người bệnh.

Tại Việt Nam, năm 2018, Bộ Y tế đã có hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12 tháng 5.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Thái Phúc, Trưởng Khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y Dược Thái Bình – người có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác đào tạo và giảng dạy ở lĩnh vực này trong suốt hơn 20 năm qua.

Tiến sĩ Trần Thái Phúc – Trưởng Khoa Điều dưỡng, Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Ảnh: NVCC.

Đào tạo nhân lực ngành Điều dưỡng là vấn đề cấp thiết hiện nay

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thái Phúc cho biết: Hoạt động đào tạo ngành Điều dưỡng ở nước ta cũng như trên thế giới luôn là vấn đề cấp thiết trong cuộc sống của con người.

Nhất là với bối cảnh hiện nay, khi xu hướng già hóa dân số và những biến đổi về bệnh tật đang gia tăng không ngừng, thì nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho lĩnh vực Điều dưỡng càng có vị trí quan trọng hơn bao giờ hết.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê dự báo dân số, đến năm 2038, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già hóa nhanh chóng, với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20,1%.

Tỷ lệ già hóa dân số gia tăng, kéo theo những lo ngại về các bệnh mãn tính không lây nhiễm có thể tạo “gánh nặng” lớn lên hệ thống y tế. Vì vậy, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Điều dưỡng để đáp ứng với nhu cầu xã hội là hết sức cần thiết.

Mặt khác, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa ra chiến lược trực tiếp cho ngành Điều dưỡng và Hộ sinh. Trong đó, chiến lược đầu tiên là trên hệ thống giáo dục cần đưa ra những chính sách tối ưu hóa việc đào tạo điều dưỡng và hộ sinh nhằm đáp ứng hoặc vượt quá nhu cầu của hệ thống y tế trong nước nói riêng và xu hướng di cư điều dưỡng quốc tế nói chung.

Năm 2024, Hội đồng Điều dưỡng Thế giới đã đưa ra thông điệp hành động nhân ngày Quốc tế Điều dưỡng là: “Điều dưỡng của chúng ta, tương lai của chúng ta. Hiệu quả của chăm sóc điều dưỡng”.

Hơn 20 năm cháy “ngọn lửa" nhiệt huyết đào tạo ngành Điều dưỡng

Bắt đầu tham gia công tác giảng dạy và đào tạo bác sĩ và điều dưỡng tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình từ năm 1997, Tiến sĩ Trần Thái Phúc luôn truyền “lửa” nhiệt huyết tới các sinh viên của mình về kiến thức chuyên môn, ý thức trách nhiệm, kỹ năng xử lý tình huống để khám chữa bệnh, chăm sóc, an ủi, động viên người bệnh và thân nhân người bệnh.

Qua mỗi bài giảng của Tiến sĩ Trần Thái Phúc, người học được nhận thức rõ ràng hơn về tiêu chí hàng đầu của ngành y là lấy “người bệnh làm trung tâm" để luôn tận tâm chăm sóc, chuyên tâm công việc, giữ vững tình yêu và lương tâm nghề nghiệp, luôn nhẫn nại, lắng nghe, thấu hiểu bệnh nhân.

Thầy Trần Thái Phúc luôn thể hiện sự hăng say, nhiệt huyết với việc ươm mầm tương lai, truyền thụ nền tảng kiến thức để sinh viên trau dồi phẩm chất, chuyên môn, rèn luyện kỹ năng và thực hiện công việc đó.

Tiến sĩ Trần Thái Phúc phát biểu tại buổi trao học bổng cho chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng tiếng Nhật Bản, Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình đào tạo và giảng dạy mà thầy Trần Thái Phúc cho hay: Vào năm học 2019-2020, trong một chuyến đi thực tế cùng đồng nghiệp và các sinh viên ngành Điều dưỡng năm thứ ba để thực hiện chương trình với chuyên đề “Tư vấn, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng cho người bệnh Tai biến mạch máu não tại cộng đồng”, Tiến sĩ Trần Thái Phúc đã cùng với một nhóm 6 em sinh viên đến thăm nhà của người bệnh theo danh sách của trạm y tế.

Hôm đó, người bệnh là một bệnh nhân nữ tầm 60 tuổi được chẩn đoán mắc tai biến mạch máu não, thể nhồi máu não, đã được phẫu thuật tại bệnh viện tuyến trung ương và về nhà tự theo dõi, điều trị.

“Khi đến thăm nhà của bệnh nhân, ấn tượng đầu tiên trong mắt tôi là sự chăm sóc rất ân cần, chu đáo của người con trai bệnh nhân. Mặc dù đang trong tình trạng rất nặng, mẹ của anh phải thở qua lỗ mở nội khí quản bằng máy hút đờm dãi ngay cạnh giường bệnh, đồng thời bắt buộc phải đi vệ sinh qua ống thông.

Tuy nhiên, khi bước vào căn nhà đó, tôi lại thấy không gian rất thoáng, có mùi hương dễ chịu, thoải mái. Điều này đã chứng tỏ phần nào rằng con trai của bệnh nhân rất có kiến thức và kỹ năng hiểu biết khi chăm sóc mẹ mình”, thầy Trần Thái Phúc chia sẻ.

Trường Đại học Y Dược Thái Bình triển khai Chương trình khám sức khỏe cho người cao tuổi thuộc đề tài cấp tỉnh tại cộng đồng. Ảnh: NVCC.

Khi nhóm thầy trò sinh viên đến, người con trai của bệnh nhân mừng rỡ và nói rằng may mắn vì ống thông tiểu của mẹ anh hôm nay không chảy, cần nhờ kiểm tra giúp. Tiến sĩ Trần Thái Phúc nhận thấy mọi quy trình chăm sóc đều được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, riêng việc kiểm tra hệ thống thông tiểu thì đường ống bị tắc dẫn mà nước không thể chảy được.

Anh con trai của bệnh nhân chia sẻ rằng khi ở bệnh viện về, các bác sĩ và điều dưỡng đã dặn dò chăm sóc ống nội khí quản và bơm ăn qua ống thông dạ dày cẩn thận; nhưng anh chưa được hướng dẫn về chăm sóc và thay ống thông nên không rõ về vấn đề này.

Qua tình huống thực tế đó, Tiến sĩ Trần Thái Phúc chia sẻ, bản thân càng nhận thức rõ hơn nhiệm vụ của mình cần giảng dạy cho các sinh viên vai trò, trách nhiệm của người điều dưỡng cộng đồng quan trọng như thế nào trong chăm sóc, tư vấn chăm sóc người bệnh trước khi xuất viện và tại sinh hoạt hằng ngày.

Có thể nói, đây là một nhiệm vụ mà hệ thống y tế của chúng ta chưa phát huy được tối đa mô hình điều dưỡng tại nhà hay viện dưỡng lão như các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, xét về những điểm thuận lợi, các cơ sở đào tạo, giáo dục đại học ngành Điều dưỡng đang ngày càng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ nhằm đáp ứng nhiệm vụ đào tạo trong thời đại mới. Chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng được xây dựng theo định hướng đổi mới và nghiên cứu cải thiện phù hợp với chuẩn năng lực đào tạo và năng lực đầu ra.

Chương trình hoạt động Kỷ niệm ngày Điều dưỡng Việt Nam của Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Ảnh: NVCC.

Đồng thời, hệ thống điều dưỡng tại các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe cũng đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các trường đại học nhằm tăng cường kỹ năng thực tiễn trong quá trình đào tạo chuyên môn cho người học.

Về một số thách thức chung của hệ thống đào tạo ngành Điều dưỡng ở nước ta, có thể thấy, lực lượng giảng viên chuyên ngành Điều dưỡng có trình độ cao, đặc biệt là các giảng viên lâm sàng còn thiếu hụt. Song, khó khăn này đang dần được khắc phục để đáp ứng với các tiêu chuẩn năng lực và nhu cầu xã hội.

Người học ngành Điều dưỡng cần phát huy năng lực tự học của mình

Theo Tiến sĩ Trần Thái Phúc, dựa theo định hướng phát triển của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hội đồng Điều dưỡng Thế giới (ICN), Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế Việt Nam, chương trình đào tạo hệ cử nhân ngành Điều dưỡng của Trường Đại học Y Dược Thái Bình đã và đang áp dụng chương trình đổi mới giáo dục định hướng năng lực thực hành để đáp ứng với chuẩn năng lực đầu ra, cũng như chuẩn năng lực Điều dưỡng được Bộ Y tế ban hành ngày 28/12/2022.

Theo đó, chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng trình độ đại học của Trường Đại học Y Dược Thái Bình đã được kiểm định và đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Đồng thời, nhà trường cũng liên kết hợp tác với nhiều trường đại học và các tổ chức quốc tế ở Nhật Bản, Đan Mạch,… trong lĩnh vực đào tạo, trao đổi sinh viên để học hỏi lẫn nhau, cũng như nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên trường. Từ đó, chương trình giáo dục được tiệm cận với những yêu cầu, trình độ tiêu chuẩn ở trong khu vực và trên trường quốc tế, nhằm đáp ứng với xu hướng phát triển ngành Điều dưỡng.

Bàn về những định hướng trong công tác đào tạo ngành Điều dưỡng, Tiến sĩ Trần Thái Phúc cho hay: Hiện nay, các trường đại học, các khoa đào tạo ngành Điều dưỡng đang áp dụng khung chương trình đào tạo chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế quy định.

Song, theo quan điểm của Tiến sĩ Trần Thái Phúc, chúng ta cần phát huy, đẩy mạnh kỹ năng thực hành cho người học, nâng cao trình độ ngoại ngữ, bước đầu đào tạo năng lực nghiên cứu khoa học áp dụng trong thực hành chăm sóc sức khỏe.

Đây đều là những nội dung quan trọng trong giáo dục đào tạo nhằm giúp người học hình thành năng lực tự học rất cần thiết cho công việc làm nghề của sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng như phục vụ cho mong muốn học thêm lên cao ở các bậc sau đại học.

Sinh viên ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Y Dược Thái Bình thực hành kỹ thuật. Ảnh: NVCC.

Trong khi đó, hiện nay, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, nếu không tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, đến năm 2030, ngành y tế Việt Nam có thể sẽ đối mặt với tình trạng thiếu khoảng 40-50 nghìn nhân lực điều dưỡng. Để tiến tới tỷ lệ điều dưỡng đạt chuẩn, đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc y tế của người dân, nước ta có thể cần thêm số điều dưỡng viên gấp 2-3 lần số lượng điều dưỡng viên hiện có.

Chia sẻ lời khuyên tới các em học sinh, sinh viên đang mong muốn theo đuổi ngành học Điều dưỡng, Tiến sĩ Trần Thái Phúc nhận định, đây là một nghề chuyên nghiệp, có nhiều vị trí phát triển, cơ hội việc làm rộng mở. Vì vậy, người học ngành Điều dưỡng nên không ngừng nuôi dưỡng đam mê và nhiệt huyết cống hiến cho lĩnh vực này vì một tương lai chăm sóc sức khỏe bền vững cho cộng đồng và xã hội.

Tại Việt Nam, ngày 05/2/2018, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn số 145/KCB-ĐD đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các ngành, Giám đốc các bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện nội dung nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó có nội dung “Tổ chức các hoạt động thiết thực chào mừng hoặc tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5”.

Hoạt động này nhằm tôn vinh giá trị nghề nghiệp, vinh danh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc người bệnh tại đơn vị; đồng thời cũng động viên người điều dưỡng yêu ngành nghề, yên tâm công tác, nâng cao năng lực cá nhân, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ và hiệu quả trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ts-tran-thai-phuc-co-hon-20-nam-gan-bo-voi-cong-tac-dao-tao-bac-si-dieu-duong-post242647.gd