TTC AgriS lãi 188 tỷ đồng, chi phí lãi vay lớn
TTC AgriS ghi nhận lãi sau thuế quý III niên độ 203-2024 đạt 188 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ niên độ trước.
CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC AgriS, mã SBT) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III niên độ 2023-2024 (từ 1/1/2024 đến 31/3/2024) với doanh thu thuần đạt 6.159 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ niên độ trước. Cơ cấu doanh thu gồm: Doanh thu bán đường chiếm phần lớn với 5.371,3 tỷ đòng, doanh thu bán mật đường 323,5 tỷ dồng, doanh thu bán điện 144 tỷ đồng, doanh thu bán phân bón 37 tỷ đồng và 293,5 tỷ đồng doanh thu khác.
BCTC hợp nhất của SBT
Giá vốn hàng bán ở mức 5.373,8 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 785 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận 12,3%, cải thiện so với mức 11,5% của cùng kỳ.
Doanh thu tài chính giảm nhẹ xuống 300 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng giảm nhẹ đạt 499 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm 417 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 22% lên mức 388 tỷ đồng.
Kết quả, SBT ghi nhận lãi sau thuế 188 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ niên độ trước.
SBT cho biết, tăng trưởng lợi nhuận đến từ sự cải thiện trong biên lợi nhuận gộp, do có sự chuyển dịch tích cực trong tỷ trọng cơ cấu sản phẩm - dần chuyển sang các sản phẩm có giá trị tăng cao.
Lũy kế 3 quý đầu niên độ 2023 - 2024, TTC AgriS đạt doanh thu thuần 19.545 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ niên độ trước; lợi nhuận sau thuế đạt 582 tỷ đồng, tăng 9%.
Trong 3 quý đầu niên độ 2023 - 2024, TTC AgriS phải chi hơn 1.600 tỷ đồng cho chi phí tài chính, trong khi doanh thu tài chính mang về 1.128 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay công ty phải trả là hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ niên độ trước; tương ứng mỗi ngày SBT phải trả 4,8 tỷ đồng tiền lãi.
Gánh nặng lãi vay đến từ số nợ hơn 15.000 tỷ đồng của doanh nghiệp, tăng hơn 3.300 tỷ đồng so với đầu niên độ. Trong cơ cấu nợ của SBT, nợ ngắn hạn chiếm hơn 13.400 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngân hàng. Công ty có dư nợ trái phiếu dài hạn gần 1.200 tỷ đồng.
Để bù đắp chi phí vay, SBT cũng đầu tư tài chính mạnh mẽ. Công ty có hơn 3.800 tỷ đồng tiền gửi tại các ngân hàng, hơn 800 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh, hơn 3.000 tỷ đồng các khoản tương đương tiền. Tổng cộng các khoản này là gần 7.700 tỷ đồng, chiếm 32% tổng tài sản và tăng hơn 2.000 tỷ đồng sau 9 tháng.
Các tài sản chiếm tỷ trọng lớn khác của SBT bao gồm các khoản phải thu ngắn hạn (hơn 12.000 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu niên độ), hàng tồn kho (4.496 tỷ đồng), đầu tư vào công ty liên kết (hơn 2.500 tỷ đồng)...