Từ khóa 'đầu tư' chiếm sóng doanh nghiệp

Cập nhật thông tin từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, việc đầu tư mới trong bối cảnh hiện nay tiếp tục là chiến lược ưu tiên để có thêm các động lực tăng trưởng.

TNH chuẩn bị đưa bệnh viện TNH Việt Yên vào hoạt động

TNH chuẩn bị đưa bệnh viện TNH Việt Yên vào hoạt động

TNH chuẩn bị đưa bệnh viện TNH Việt Yên vào hoạt động

Chuẩn bị nguồn lực dài hạn

Từ đầu tháng 5 đến nay, Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã TNH) liên tục thông báo tuyển dụng nhân sự quy mô lớn cho Bệnh viện Việt Yên Bắc Giang. Ông Hoàng Tuyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNH cho biết, tính đến ngày 15/5/2024, Công ty đã thông báo tuyển dụng 7 đợt, với trên 180 nhân sự nộp hồ sơ. Các đợt tuyển dụng có sự tham gia trực tiếp của Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo Công ty nên chất lượng nguồn nhân lực được đánh giá tương đối cao. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo TNH cũng có chính sách thu hút, đãi ngộ riêng đối với đội ngũ chuyên gia, bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm để mời về làm việc tại Bệnh viện. Công ty đã chuẩn bị trước một bộ phận nhân sự - hiện đang làm việc tại Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên và Bệnh viện Đa khoa Yên Bình Thái Nguyên - sẵn sàng điều động, luân chuyển sang làm việc tại Bệnh viện TNH Việt Yên.

Đến nay, dự án Bệnh viện TNH Việt Yên đang trong giai đoạn nghiệm thu công trình xây dựng, khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt máy móc thiết bị để sẵn sàng đi vào hoạt động. TNH đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ để Bệnh viện được cấp phép và đi vào hoạt động trong quý II/2024 như kế hoạch đã đề ra.

TNH dự kiến công suất khai thác tại Bệnh viện TNH Việt Yên là 150 giường ở giai đoạn 1. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, bệnh viện này sẽ giúp doanh thu của TNH tăng thêm khoảng 20% so với hiện nay.

Với dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn, tính đến ngày 15/5/2024, sau gần 3 tháng thi công, dự án đang tiến hành xây dựng tầng hầm và tiếp tục triển khai các hạng mục tiếp theo. Dự kiến, Bệnh viện TNH Lạng Sơn sẽ đi vào hoạt động từ quý IV/2025. Công ty cổ phần Bệnh viện TNH Lạng Sơn (công ty con của TNH) đã ký kết hợp đồng tín dụng với MBBank Chi nhánh Thái Nguyên nhằm đảm bảo nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2024 của Công ty cổ phần One Capital Hospitality (mã OCH), diễn ra tuần qua, lãnh đạo Công ty đánh giá, thách thức lớn đến từ xu hướng thắt chặt chi tiêu và sự chuyển dịch tiêu dùng giữa các thế hệ khác nhau đòi hỏi Công ty phải lựa chọn đầu tư chính xác vào các sản phẩm chất lượng nhưng giá cả phải chăng, phục vụ nhu cầu thực tế của khách hàng.

OCH đang đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Đội ngũ cán bộ R&D thường xuyên được tiếp cận những sản phẩm, nguyên liệu và xu hướng mới của các nước phát triển và có nền ẩm thực tương đồng với Việt Nam. Từ đó, Kem Tràng Tiền đã ra mắt các dòng sản phẩm mới, mang đến nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng…

Đối với lĩnh vực kinh doanh khách sạn, trong quý I/2024, tỷ lệ lấp đầy phòng của Sunrise Nha Trang và StarCity Nha Trang lần lượt đạt 80% và xấp xỉ 60%. Trong 5 năm tới, OCH có kế hoạch xây dựng và M&A để tăng danh mục khách sạn lên 10 khách sạn tại các thành phố lớn của Việt Nam. Công ty đặt mục tiêu tăng gấp ba đến bốn lần về quy mô nguồn vốn, tổng tài sản. Theo đó, quy mô lợi nhuận tăng từ mức 200 tỷ đồng hiện nay lên mức 1.000 tỷ đồng.

Ngay những doanh nghiệp có thế mạnh lâu năm trong ngành cũng phải mạnh tay đầu tư và thích nghi với sự thay đổi của chính sách, của thị trường. Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải (Tedi) cho biết, trước đây, doanh thu ngành giao thông vận tải chiếm 60% tổng doanh thu của Tổng công ty thì nay giảm xuống còn 30%. Trước xu hướng Chính phủ giao các dự án đầu tư hạ tầng về các địa phương, Tedi đã nhanh chóng xoay trục thích nghi với sự thay đổi này bằng cách theo sát và tham gia các gói thầu tư vấn thiết kế với các địa phương. Sự linh hoạt này đã giúp Tedi duy trì được kết quả kinh doanh tốt trong năm 2023, dù vào thời điểm đầu năm, ban lãnh đạo Công ty đánh giá khó có thể vượt được kết quả năm 2022. Cụ thể, năm 2023, Tổng công ty đạt doanh thu 1.423 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 122 tỷ đồng, tăng so với con số 1.468 tỷ đồng doanh thu và 114 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đạt được trong năm 2022.

Định hướng chiến lược của Tedi là tiếp tục tập trung vào các ngành đường bộ, hàng không, đầu tư nhân lực am hiểu ngành đường sắt, cảng đường thủy. Hiện Tổng công ty cử nhiều nhân sự tìm hiểu lĩnh vực đường sắt, đào tạo trong và ngoài nước để gia tăng năng lực trong mảng hạ tầng quan trọng này, đón đầu cơ hội đầu tư mới của đất nước.

Doanh nghiệp có lõi được săn đón

Quý đầu năm nay, TNH báo lãi hợp nhất sau thuế giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của nhóm công ty giảm 13%, trong khi giá vốn bán hàng tăng nhẹ 5%, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 39%.

Trong quý I/2024, mặc dù số lượt khám không biến động nhiều nhưng do khó khăn chung của nền kinh tế, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nên việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cao, chuyên sâu, các xét nghiệm tầm soát, sàng lọc… giảm đi, dẫn đến doanh thu giảm nhiều so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, thời điểm này, Công ty tập trung nguồn lực đầu tư vào dự án Bệnh viện TNH Việt Yên để kịp tiến độ đi vào hoạt động trong quý II/2024. Đồng thời, công ty con TNH Lạng Sơn tiếp tục trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản nên chưa đóng góp lợi nhuận.

Ban lãnh đạo TNH nhận định, ngay khi dự án TNH Việt Yên đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng nguồn thu cho Công ty, từ đó góp phần cải thiện kết quả kinh doanh trong hai quý cuối năm 2024.

Dưới con mắt của các nhà đầu tư chiến lược, sự phát triển dài hạn mới là vấn đề quan trọng. Đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài đánh giá, việc mở rộng đầu tư theo chuỗi, có thêm dòng tiền đều đặn và bảo đảm hiệu quả hoạt động liên tục tăng trưởng là những lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt khi chăm sóc sức khỏe là ngành không mang tính chu kỳ, không chịu các tác động lớn từ biến động tăng giảm bất thường. Bởi vậy, trong quý I vừa qua, các quỹ như Endurance Capital Việt Nam I và II, ACCESS S.A. SICAV-SIF-ASIA TOP PICKS đến từ châu Âu đã đồng loạt mua vào, gia tăng sở hữu cổ phiếu TNH. Hiện khối ngoại sở hữu trên 40% vốn điều lệ TNH.

Mua số lượng lớn cổ phần bệnh viện là đơn hàng được nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc đặt ra với các công ty tư vấn M&A hiện nay. Tuy nhiên, bên trung gian cho biết, gần như không tìm kiếm được bên bán.

Theo bà Hương Trịnh, Giám đốc điều hành BDA Partners, các nhà đầu tư tài chính và chiến lược đang rất mong muốn được tham gia lĩnh vực hấp dẫn này. Dân số già hóa, cùng với nhận thức về sức khỏe được nâng cao và mức thu nhập ngày càng tăng tạo ra nhu cầu cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao mà hiện tại vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ.

Lãnh đạo TNH cũng đánh giá ngành dịch vụ khám chữa bệnh rất giàu tiềm năng phát triển. Trong chiến lược dài hạn, TNH ưu tiên nâng cao năng lực quản trị, coi đây là chìa khóa duy trì hoạt động hiệu quả và đà tăng trưởng của các bệnh viện.

Doanh nghiệp có hoạt động lõi, tập trung chuyên sâu vào một lĩnh vực có thế mạnh thường là những khoản đầu tư hấp dẫn. Đơn cử, Tedi hiện có vốn điều lệ 125 tỷ đồng, tương ứng 12,5 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch. Năm 2014, Công ty tiến hành cổ phần hóa theo chủ trương của Nhà nước. Đến tháng 4/2016, Nhà nước đã thoái hết toàn bộ vốn, cơ cấu cổ đông chủ yếu do nhà đầu tư chiến lược, đối tác lớn và người lao động nắm giữ. Trong đó, cổ đông nước ngoài - Oriental Consultants Global Co.,Ltd - là cổ đông lớn nhất nắm giữ 34,14% vốn điều lệ của Công ty. Cổ đông lớn trong nước có Quỹ đầu tư Đỏ (sở hữu 30,11%) và ông Phạm Hữu Sơn (sở hữu 8,5%), người lao động sở hữu hơn 5% vốn. Năm 2023, Công ty chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 25%, thị giá cổ phiếu hiện xoay quanh 45.000 đồng/cổ phiếu và nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu hầu như không muốn bán ra.

Thủy Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tu-khoa-dau-tu-chiem-song-doanh-nghiep-post345521.html