Từ kỹ sư cầu đường đến giấc mơ chinh phục đỉnh cao Toán học
Là một cán bộ địa chính, tốt nghiệp ngành kỹ sư xây dựng Cầu đường, với niềm đam mê Toán học từ nhỏ, ông Trần Ninh (1958, trú phường An Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã nghiên cứu, chứng minh thành công không gian 4 chiều trong Toán học cùng công thức chia ba một góc và phát triển thành công thức tổng quát chia (2n+1) một góc bất kỳ. Nghiên cứu này có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với Toán học mà còn góp phần trong nghiên cứu toán học để ứng dụng trên lĩnh vực kỹ thuật.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở nông thôn, từ khi còn là cậu bé ngồi trên ghế nhà trường, ông Ninh đã say mê với các con số, các phép tính, hình học. Các thầy cô giáo trường Trung học Hòa Vang đã phát hiện tài năng Toán học từ cậu học trò thông minh, chăm học này. Tuy nhiên, lúc bấy giờ còn quá nhiều khó khăn để có thể theo đuổi ước mơ. Để đến được con đường học tập, nghiên cứu khoa học trọn vẹn đối với Toán học, ông Ninh đã gặp không ít khó khăn, cản trở.
Năm 1976, vừa học xong lớp 11 tại trường Trung học Thái Phiên, ông Ninh theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, ông xin đi học bổ túc lớp 12 tại địa phương để tiếp tục thực hiện đam mê của mình. Nhưng rồi học xong 12, vì không có điều kiện học lên Đại học nên ông Ninh lập gia đình. 22 năm sau, khi đã ổn định, chăm lo gia đình đến nơi đến chốn, con cái đã học hành nên người, ông mới bắt đầu theo đuổi đam mê của mình. Ông thi đỗ vào trường Đại học Xây dựng và tốt nghiệp Đại học hệ tại chức năm 2008 với bằng Kỹ sư xây dựng chuyên ngành Cầu đường ở tuổi 50. Việc một người lớn tuổi quyết tâm thi đỗ, đi học Đại học và theo đuổi đam mê nghiên cứu Toán học thật không hề dễ dàng nếu nghị lực và tình yêu dành cho Toán học không đủ lớn.
Năm 2009, một năm sau khi tốt nghiệp Đại học, ông Trần Ninh mới có đủ điều kiện, “nền móng” kiến thức để tiếp tục hành trình chinh phục Toán học. Bản thân ông Ninh đã tự nghiên cứu, tìm tòi, mày mò giải những bài toán cổ đại Hy Lạp từ trước đến nay chưa có lời giải và đã chứng minh thành công những công thức toán học mà qua nhiều thế kỷ chưa có nhà Toán học nào làm được. “Học toán rất khó, vì mọi điều trong toán học đều liên quan với nhau, với một quá trình suy luận logic từ những điều đã có để tìm ra những điều chưa có. Cho nên, các chứng minh của toán học sau này đều dựa trên các định lý đã được chứng minh trước đó. Do vậy, kiến thức toán học phải đủ đầy. Chính điều đó đã giúp tôi có được niềm đam mê và dám mạnh dạn đương đầu với những thách thức - là những thuật toán, công thức còn dang dở của những nhà nghiên cứu đi trước để lại”- ông Trần Ninh chia sẻ.
Theo ông Ninh, việc nghiên cứu không gian 4D (4 chiều) giúp cho chúng ta nhận biết sự logic liền mạch của không gian n chiều, nếu không xác định được không gian 4 chiều, mà xác định được không gian 5 chiều thì sẽ để lại nhiều nghi vấn và đặt ra những giả thuyết không thống nhất. Trong phạm vi nghiên cứu bằng không gian vectơ và các giá trị không gian con, trị riêng, các miền trong hệ thống toán học nói chung sẽ góp phần đi đến xác định không gian vũ trụ gồm 11chiều mà Stephen Hawking đã nêu trong cuốn sách “Lược sử thời gian” của mình.
Trên thực tế, Toán học đã tạo ra các thuật toán giúp cho nhân loại sáng chế ra những loại máy móc diệu kỳ, thay con người giải các phép tính hại não, đó cũng chính là phương tiện cứu cánh cho các nhà nghiên cứu ngày nay sử dụng để kiểm chứng, để chứng minh những điều không thể của quá khứ thành những điều có thể. “Chính những điều đó là động lực thôi thúc tôi mày mò nghiên cứu mà không có người hướng dẫn, chỉ dùng toán học để chứng minh và nhờ vào các công cụ máy tính để kiểm chứng”- ông Trần Ninh cho biết.
Tháng 1-2024, tác giả Trần Ninh đã xuất bản cuốn sách toán học tự nghiên cứu “Bay cùng Toán học - Không gian 4 chiều”. Cuốn sách dày hơn 200 trang, là kết quả của những nghiên cứu Toán học từ năm 2009 đến 2013 của ông. Trong đó, có những phần đã được phản biện và đăng trên các tạp chí, đã được báo cáo trước hội nghị nghiên cứu và giảng dạy Toán học phổ thông lần thứ nhất của trường Đại học khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh.
“Các phần nghiên cứu được viết trong cuốn sách có ý nghĩa toán học và khoa học, khi ứng dụng sẽ góp phần trong nghiên cứu toán học kể cả lĩnh vực kỹ thuật. Phần chứng minh bằng toán học cho không gian 4 chiều rất hữu ích, hoàn toàn mới mẻ, giúp chúng ta có thể xác định được không gian 4D đang tồn tại hiển nhiên trong cuộc sống chúng ta, không còn mơ hồ với những giả thuyết mang tính tâm linh chủ quan, bởi toán học đã chứng minh sự tồn tại không gian n chiều”- ông Ninh chia sẻ thêm. Ông hy vọng, những kiến thức này sẽ giúp ích cho các em học sinh, sinh viên trong việc học Toán. “Nếu áp dụng trực quan, Toán học sẽ dễ tiếp thu và gần gũi với các em học sinh hơn. Các em sẽ hình thành tư duy logic từ nhỏ. Bản thân tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu những bài Toán học đang dở dang của thế giới để tìm ra những chân trời mới của Toán học”- ông Ninh cho biết thêm.
Với những kết quả đạt được, công trình nghiên cứu của ông Trần Ninh được phản biện lần đầu tại Đại học Đà Nẵng năm 2013. Sau đó, những nội dung nghiên cứu của ông tiếp tục được phản biện và báo cáo trước hội nghị nghiên cứu và giảng dạy Toán học phổ thông lần thứ nhất của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, được đăng tải trên các tạp chí nghiên cứu chuyên sâu trong và ngoài nước.