Từ Mường Phăng đến trận địa pháo binh

Có một địa danh, nếu như vì một lý do khách quan hoặc chủ quan mà không đến thăm được, thì có lẽ ta sẽ phải trăn trở suốt đời. Với tôi, Điện Biên Phủ là một địa danh như vậy! Vậy mà mãi gần đây, tôi mới có dịp lên thăm chiến trường Điện Biên năm xưa, với tư cách là một cựu chiến binh, một thương binh, đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng vị Tổng tư lệnh huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Làm sao mà không cảm xúc dâng trào, mà không nghẹn ngào xao xuyến!

“Quân đi điệp điệp trùng trùng”

Xe đi từ Hà Nội, qua ngả Hòa Bình, rồi tạm nghỉ ở ngã ba Cò Nòi của tỉnh Sơn La. Ở đây mà quan sát, mà ngẫm nghĩ về một địa danh lịch sử vô cùng nổi tiếng, trong kết cấu tổng thể của chiến dịch Điên Biên năm xưa. Hình dung như thấy đang rầm rập những đoàn quân đi suốt đêm ngày, miên man như nước chảy vô tận, từ Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa, Hòa Bình tới đây. Lại hình dung như thấy rầm rập những đoàn quân trai trẻ, đang hăm hở từ đồng bằng sông Hồng, mải miết vượt qua bến Âu Lâu của tỉnh Yên Bái mà hành quân lên Tây Bắc tới ngã ba này, rồi nhắm tới đèo Pha Đin hiểm trở mà tiến lên, tiến thẳng vào Tây Bắc.

Bộ đội kéo pháo vào trận địa - Ảnh tư liệu

Tiến thẳng vào lòng chảo rực lửa Điện Biên Phủ, để trực tiếp đối đầu với đội quân chủ lực thiện chiến bậc nhất của thực dân Pháp, thực hiện một trận quyết chiến chiến lược, và tất nhiên, phải quyết thắng! Lại hình dung như thấy từng đoàn, từng đoàn dân công hỏa tuyến gái trai rầm rập, nô nức xe thồ gồng gánh vượt qua ngã ba Cò Nòi suốt ngày đêm, bất chấp máy bay giặc Pháp ném bom dữ dội, bất chấp hy sinh gian khổ.

Ôi chao! Cả một dân tộc chân lấm tay bùn đang dũng mãnh vùng lên, tự giải phóng chính mình, giải phóng dân tộc mình thoát kiếp nô lệ đớn đau.

Quân đi điệp điệp trùng trùng,
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan,
Dân công đỏ đuốc từng đoàn,
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày,
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên…

Rồi thì:

Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ,
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…

Những câu thơ hào sảng của nhà thơ Tố Hữu đã tái hiện sinh động hào khí của một thời Điện Biên thấm máu, mồ hôi và nước mắt, biết bao kiêu hãnh tự hào… Cũng không thể không nhớ hình ảnh dằng dặc những xe, những pháo lớn pháo nhỏ, mà bộ đội ta hò dô kiên nhẫn, chung vai đẩy pháo lên, nhích lên từng ly, từng bước, từng đoạn, kéo lên dốc cao đèo hiểm. Những Tô Vĩnh Diện, những Phùng Văn Khầu nông dân hiền lành chân chất, mà ngoan cường, mà kiên gan bền chí, anh dũng vô cùng.

Bảo tàng lịch sử ngoài trời

Chúng tôi dừng lại ở Mường Phăng, nơi đóng đại bản doanh của Bộ tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ. Nơi đây, bây giờ đã trở thành một điểm du lịch quan trọng, trong chuỗi liên kết các điểm du lịch của toàn cảnh chiến trường Điện Biên Phủ. Cách đây bảy mươi năm, rừng Mường Phăng chắc còn hoang sơ lắm. Cây cối ngút ngàn xanh che phủ một khoảng trời mênh mông, đồi núi nhấp nhô trùng điệp. Mường Phăng được chọn làm đại bản doanh của Bộ chỉ huy chiến dịch, đương nhiên địa bàn phải hội đủ các tiêu chí cần thiết, vừa đảm bảo bí mật tuyệt đối, vừa đủ cự ly và độ cao để quan sát, theo dõi diễn biến của cuộc chiến và để người chỉ huy chiến dịch ra lệnh cho các đơn vị bộ đội tham gia tác chiến.

Mường Phăng giờ được bàn tay con người biến thành một bảo tàng lịch sử rất lớn ngoài trời. Vẫn còn lại những di tích được duy tu bảo dưỡng cho khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm. Nhiều, rất nhiều nữa các thế hệ người Việt, người nước ngoài, đặc biệt là những người Pháp từ người dân đến các vị chính khách đã đến đây để ngắm nhìn và suy ngẫm về cuộc chiến đẫm máu mà hào hùng của Quân đội và nhân dân Việt Nam. Và đặc biệt, từ đây, từ địa danh lịch sử này, người đời sau phải rút ra những bài học cần thiết cho tương lai.

Hầm trú ẩn và nơi làm việc của các cơ quan Tham mưu, Hậu cần, Thông tin liên lạc… quây quần xung quanh căn hầm trú ẩn và nhà làm việc của vị Tổng Tư lệnh, kiêm Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ. Cũng không thể không nói đến căn hầm và nhà làm việc của các vị cố vấn. Tất cả đều làm bằng gỗ rừng và tranh tre nứa lá. Tôi đặc biệt chú ý quan sát căn hầm và nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Căn nhà lá được phục dựng như nguyên bản bên căn hầm kiên cố từng là nơi làm việc của vị Tư lệnh chiến dịch. Tại đây, hơn nửa thế kỷ trước, từng diễn ra những cuộc tranh luận quyết liệt của các sĩ quan tham mưu và thêm những ý kiến quan trọng của các vị cố vấn Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Bộ đội ta đã cơ bản hoàn thành những cuộc hành quân bao vây cụm cứ điểm Điện Biên Phủ. Pháo lớn đã được kéo lên đồi cao, sẵn sàng nhả đạn. Giờ nổ súng tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng đã được bàn thảo và quyết định. Các vị cố vấn Trung Quốc thì bảo ta nên thực hiện phương án đánh nhanh thắng nhanh. Thời điểm nổ súng mở màn chiến dịch cũng đã được minh định. Tuy nhiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lòng vẫn chưa yên. Đánh nhanh, thắng nhanh, nếu như phương án chiến thuật này diễn ra một cách suôn sẻ, thì đó là thượng sách. Nhưng các yếu tố đảm bảo cho thắng lợi tuyệt đối thì sao? Ai dám chắc thắng trong tình hình địch lại vừa mới tăng thêm quân, đã củng cố vững chắc thêm các hệ thống phòng thủ trong các cứ điểm, sẵn sàng chờ đối phương tới để tiêu diệt? Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương tuyên bố: “Điện Biên Phủ là một căn cứ quân sự bất khả xâm phạm”.

Khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng. Ảnh Bích Nguyên.

Trong khi đó, các đơn vị pháo binh của chúng ta đã kéo pháo vào trận địa, đã đặt vị trí các khẩu pháo ở sườn núi trống trải, cũng chưa hẳn đã được an toàn? Nếu trận địa pháo bị lộ, bị đối phương phản kích nhanh bằng bom pháo và cả bộ binh nữa, tình hình chiến sự sẽ ra sao? Trong hoàn cảnh bất lợi với so sánh lực lượng đôi bên như thế, đánh nhanh thắng nhanh, có thể sẽ biến thành hạ sách!

Phương án tác chiến đã được vị Tư lệnh chiến dịch và Ban tham mưu, do vị Tổng Tham mưu trưởng, kiêm Tham mưu trưởng chiến dịch Hoàng Văn Thái tính toán kỹ lưỡng. Công việc còn lại là thời điểm vị Tổng chỉ huy ra lệnh tiến công. Đánh nhanh, thắng nhanh, nghĩa là toàn bộ binh lực của chúng ta từ các hướng tiến công sẽ đồng loạt đổ ào xuống lòng chảo Điện Biên. Người người lớp lớp xông lên, bất chấp mưa bom bão đạn. Số lượng binh sĩ của ta có thể nhiều gấp ba bốn lần, thậm chí gấp năm sáu lần đối phương. Nhưng đối phương cũng đã sẵn sàng ứng chiến, bằng tất cả sức mạnh vũ khí và niềm tin “bất khả xâm phạm” của họ.

Lòng chảo Điện Biên chắc chắn sẽ là nơi núi xương sông máu. Có thể ra lệnh liên tục tăng cường thêm quân, thêm nữa. Các đơn vị chủ lực của ta cũng có thể sẽ bị nghiền nát trước họng súng và bom đạn dữ dội quân thù. Phải thắng, nhưng không phải là thắng bằng bất cứ giá nào. Mỗi chiến sĩ của chúng ta ngã xuống, nghĩa là thêm một người mẹ mất con, một người vợ mất chồng, con mất cha, gia đình tan nát… Tiến hành một cuộc chiến đấu tốn quá nhiều máu xương chiến sĩ, mà phần thắng cũng chưa dám chắc là đảm bảo, phải cân nhắc thế nào? Đó chính là thời điểm cam go nhất, căng thẳng nhất trước trận đánh của vị tướng Tư lệnh chiến trường.

Một đêm thức trắng, cuối cùng, sau khi đã tham khảo một vài cán bộ tham mưu thân cận và tài năng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi phương án tác chiến. Phải chắc thắng. Phải tiết kiệm tối đa máu xương chiến sĩ. Phương án bao vây địch, tiến chậm, đánh lấn, đánh chắc đã được quyết định. Và thế là các đơn vị pháo binh lại được lệnh kéo pháo ra. Các đơn vị bộ binh được lệnh rút ra. Có đơn vị được điều động quay sang Thượng Lào, thực hiện chiến dịch nghi binh… Trận đánh công kiên vĩ đại chưa từng có trong lịch sử chiến tranh cách mạng ở nước ta được chuẩn bị lại, kỹ lưỡng hơn, khoa học hơn, chu đáo hơn. Các khẩu pháo lớn đã được cất giấu vào các căn hầm trên triền núi, đảm bảo bí mật và an toàn, có thể làm đối phương bất ngờ khi chúng ta đánh đòn phủ đầu, uy hiếp đối phương, mở màn chiến dịch...

Cuộc chiến mở màn đã thành công rất lớn. Đồi Him Lam không chịu nổi sức công phá dữ dội của pháo binh ta. Và cứ thế, ta lấn dần, bao vây xiết chặt cổ họng quân địch. Ngày 7/5/1954, sở chỉ huy và toàn bộ quân Pháp còn lại ở Điện Biên Phủ phải kéo cờ trắng đầu hàng. Vậy là: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn”…

Và:

Chín năm làm một Điện Biên,
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/tu-muong-phang-den-tran-dia-phao-binh-i729979/