Tuần Giáo đẩy mạnh phát triển cây mắc ca
Đến năm 2022, huyện Tuần Giáo đã trồng và phát triển được trên 1.566ha cây mắc ca theo hình thức trồng thuần. Nhờ khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, cây mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt, một số diện tích trồng cho thu hoạch quả, mở ra tiềm năng phát triển kinh tế giúp người dân giảm nghèo bền vững.
Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển cây mắc ca và tranh thủ tận dụng nguồn lực rất lớn hiện nay từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh, huyện tập Tuần Giáo trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của huyện, xã, bản để phát triển diện tích trồng mắc ca cho người dân theo hình thức hợp tác, liên kết với nhà đầu tư lớn (có tiềm lực kinh tế, có kỹ thuật, có nhà máy chế biến…) trên địa bàn huyện phấn đấu phát triển thành vùng nguyên liệu mắc ca quy mô lớn phục vụ công nghiệp chế biến.
Ông Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: “Hiện nay, ngoài hình thức trồng mắc ca theo dự án đầu tư của doanh nghiệp; thực hiện chủ trương của BTV Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Tuần Giáo đã và đang chỉ đạo phát triển diện tích trồng cây mắc ca theo hình thức liên kết giữa người dân và Nhà đầu tư thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển diện tích mắc ca riêng của người dân. Năm 2022, toàn huyện trồng được 149,52ha theo hình thức này tại các xã Quài Nưa 68,19ha, Tỏa Tình 39,51ha, Pú Nhung 11,31ha, Quài Cang 30,51ha. Đánh giá cho thấy, cây mắc ca trồng tại Tuần Giáo khá phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai; tốc độ và khả năng sinh trưởng tốt; tỷ lệ cây sống đạt trên 98%”.
Quài Nưa là một trong những xã triển khai trồng cây mắc ca sớm nhất của huyện Tuần Giáo năm 2013 - 2014. Nhiều vườn mắc ca ở xã Quài Nưa cho thu hoạch quả tươi từ 80 - 100kg quả/cây. Gia đình ông Quàng Văn My ở bản Giáng, xã Quài Nưa, là một trong những hộ được hỗ trợ giống cây mắc ca trồng khảo nghiệm từ năm 2013. Sau khi được hỗ trợ giống, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca, gia đình ông đã trồng 40 gốc cây mắc ca. Vườn mắc ca của gia đình ông đã cho thu hoạch 4 năm nay. Năm 2022 thu được 1 tấn mắc ca với giá 40.000đồng/kg quả tươi. Thấy được giá trị kinh tế từ trồng mắc ca, năm 2023 gia đình ông My dự định sẽ trồng thêm 100 gốc mắc ca. Ông My chia sẻ: “So với các loại nông sản khác, trồng mắc ca có lợi thế là nếu tháng này không bán được thì tháng sau vẫn bán được vì hạt mắc ca sấy để được hàng năm nên không sợ ế so với hoa quả khác. Cây mắc ca mỗi một năm năng suất cao hơn, như năm nay được 1 tấn chắc chắn sang năm sẽ được tấn rưỡi với điều kiện làm đúng theo khoa học kỹ thuật chứ trồng nếu không để ý về khoa học kỹ thuật sẽ không đạt được hiệu quả kinh tế cao”.
Từ hiệu quả đem lại, thời gian tới xã Quài Nưa sẽ tiếp tục tuyên truyền cho bà con nông dân trong xã nhân rộng diện tích trồng cây mắc ca, giúp bà con nơi đây xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Để phát triển một cách bền vững, huyện Tuần Giáo đã rà soát, xác định diện tích đất bạc màu, đất kém hiệu quả để tuyên truyền vận động người dân trồng cây mắc ca là cây đa mục tiêu vừa phát triển rừng và vừa phát triển kinh tế. Ông Trần Khoa Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuần Giáo cho biết: Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện phối hợp với các xã rà soát, xác định các địa bàn trọng tâm triển khai thực hiện, trong đó tập trung ở những xã có nhiều diện tích đất bạc màu, bỏ hoang; tổ chức tuyên truyền vận động hướng dẫn người dân về hiệu quả kinh tế từ đó tạo ra sự đồng thuận của người dân trong quá trình triển khai; thực hiện các chính sách của nhà nước hỗ trợ đối với phát triển cây mắc ca, trong đó có chính sách về phát triển cây lâm nghiệp; phối hợp với doanh nghiệp với các đơn vị kỹ thuật hỗ trợ kịp thời về giống cũng như kỹ thuật trồng chăm sóc để người dân đảm bảo cây mắc ca sinh trưởng và phát triển tốt trên địa bàn huyện”.