Tuyên Quang: Phê duyệt Đề án du lịch sinh thái rừng phòng hộ Na Hang
Vừa qua, UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí rừng phòng hộ giai đoạn 2021-2030 của Ban quản lý rừng phòng hộ Na Hang, với mục tiêu phát triển rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Đề án được thực hiện trong giai đoạn 2024-2030, trên toàn bộ diện tích rừng và đất rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Na Hang đang quản lý, tại địa bàn các xã: Sinh Long, Năng Khả và thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, với tổng kinh phí thực hiện trên 47,7 tỷ đồng. Đề án hướng đến mục tiêu phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, gắn với bảo tồn, phát huy bền vững các hệ sinh thái rừng, cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng thời thu hút, kêu gọi đầu tư để thực hiện công tác phát triển rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Chỉ tiêu cụ thể đến năm 2027, thu hút được từ 2 nhà đầu tư trở lên để liên doanh, liên kết và thuê môi trường rừng để phát triển du lịch trong rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Na Hang quản lý. Thu hút được khoảng 10.000 lượt khách du lịch/năm, trong đó số lượng khách quốc tế chiếm khoảng 5%, tỷ lệ du khách lưu trú qua đêm chiếm 20% tổng số du khách. Tổng thu từ hoạt động du lịch khoảng 12 tỷ đồng/năm.
Đến năm 2030, tiếp tục mở rộng, nâng cấp các hạng mục, công trình phục vụ khai thác du lịch tại các điểm, tuyến du lịch; thu hút được 15.000 lượt khách du lịch/năm; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 15 tỷ đồng.
Theo kế hoạch của Đề án, sẽ có 7 điểm với 3 tuyến du lịch được ưu tiên phát triển gồm các tuyến: Cạm Bẻ – Thủy điện Tuyên Quang - Nà Mỏ; hang Nà Chao - Nà Noong - Pù Nà Làng – Thủy điện Tuyên Quang; đảo Con Thỏ – Thủy điện Tuyên Quang - Nậm Đường. Các loại hình du lịch được phát triển gồm: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; du lịch khám phá mạo hiểm; du lịch lưu trú, ẩm thực.
Công trình xây dựng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bảo đảm không làm ảnh hưởng đến chức năng phòng hộ và cảnh quan tự nhiên của khu rừng; không phá vỡ cảnh quan môi trường, không chặt phá cây rừng. Các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan môi trường.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Ban Quản lý rừng phòng hộ Na Hang trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các nội dung, kế hoạch của Đề án theo đúng quy định của pháp luật. Phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý, trình, thẩm định các dự án đầu tư phát triển du lịch, liên doanh, liên kết theo quy định; hỗ trợ Ban Quản lý rừng phòng hộ Na Hang trong việc thu hút, kêu gọi các nguồn vốn đầu tư thực hiện hiệu quả các các nội dung, hoạt động của Đề án.
Năm 2023, huyện Na Hang đón gần 250 nghìn lượt du khách, đạt 137% kế hoạch năm. Huyện có nhiều tiềm năng du lịch sinh thái vùng hồ, rừng nguyên sinh; du lịch lễ hội, du lịch cộng đồng. Huyện đang xây dựng 3 làng văn hóa du lịch: Khâu Tràng (Hồng Thái), Nà Khá (Năng Khả), Bản Bung (Thanh Tương); phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch sinh thái thuộc danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình; du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; du lịch lễ hội Lồng Tông, lễ hội Giã cốm, lễ hội hoa lê, chợ đêm.
Thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, huyện Na Nang đã nghiêm túc chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện trên địa bàn, tạo ra sự chuyển biến tích cực. Năm 2023, huyện đã hỗ trợ gần 850 triệu đồng cho một số homestay, đội văn nghệ, thu gom rác thải, xây dựng nhà vệ sinh công cộng.