Tuyển tư vấn xây dựng dự thảo Báo cáo rà soát đánh giá tác động quyền trẻ em

Muc tiêu của Báo cáo là nâng cao năng lực tham vấn chính sách, pháp luật về trẻ em thông qua Bộ tiêu chí đánh giá tác động quyền trẻ em trong quá trình góp ý văn bản, chính sách của Hội theo từng giai đoạn.

I. Giới thiệu

Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á, nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quyền trẻ em của Liên Hợp quốc. Công ước Quyền trẻ em đã quy định trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong việc lồng ghép quyền trẻ em vào quá trình xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách liên quan nhằm đảm bảo các lợi ích tốt nhất của trẻ em (Điều 3, 4). Ủy ban Quyền trẻ em của Liên Hợp quốc cũng đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam về việc Xây dựng các chu trình đánh giá tác động đối với quyền trẻ em trong các luật pháp và chính sách quốc gia và địa phương cũng như những chính sách có liên quan đến trẻ em” (Mục 6, Khuyến nghị cuối cùng của Ủy ban Quyền trẻ em đối với Báo cáo quốc gia lần 5 và 6 Việt Nam thực hiện Công ước Quyền trẻ em, ngày 21/10/2022).

Trẻ em chiếm gần 1/3 dân số Việt Nam, là những người chưa trưởng thành, còn non nớt về thể chất và trí tuệ, chưa thể tự bảo vệ mình. Luật Trẻ em năm 2016 quy định tại Khoản 5, Điều 5 về Nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em: “Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, ngành và địa phương”. Khoản 2, Điều 79 cũng quy định: Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội để xem xét, đánh giá những vấn đề liên quan đến trẻ em trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và việc lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện quyền trẻ em khi thẩm tra quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em và việc thực hiện quyền trẻ em. Khoản 3 Điều 79 quy định: Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm ban hành nghị quyết để thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em trên địa bàn theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Mới đây nhất,Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc cũng quy định tại Mục 6: Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo… đánh giá tác động đến trẻ em trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật.

Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam là một tổ chức xã hội được thành lập theo Quyết định số 464/QĐ-BNV ngày 08 tháng 04 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, là tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 2020, thành viên của Ủy ban Quốc gia vì trẻ em do Thủ tướng Chính phủ thành lập và đã có hệ thống cơ sở Hội các cấp tại 38 tỉnh/thành phố trong cả nước.

Những năm qua, với nhiệm vụ của Hội quy định tại khoản 4 Điều 92, Luật Trẻ em năm 2016: “Hội có trách nhiệm tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em”, Hội đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến cho quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung hàng chục dự thảo luật, chính sách, chương trình quốc gia… Qua đó, Hội nhận thấy việc xây dựng các tiêu chí, quy trình đánh giá tác động đối với quyền trẻ em trong xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách liên quan là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình bảo vệ các lợi ích tốt nhất của trẻ em. Mặc dù đã có các chủ trương của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước về việc đánh giá tác động đến quyền trẻ em trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật ở cấp Trung ương và địa phương, tuy nhiên, thực tế cho thấy công việc này còn gặp rất nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập, chưa hiệu quả, các bên liên qua chưa tiến hành hoặc tiến hành chưa đầy đủ, chưa đảm bảo hài hòa với các quy định pháp luật quốc gia và quốc tế về quyền trẻ em, chưa đánh giá được đầy đủ các tác động tiêu cực tiềm ẩn về quyền trẻ em, chưa đảm bảo nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em và giảm thiểu mọi tác động tiêu cực mà bất kỳ quyết định nào có thể đem lại đối với trẻ em trong quá trình xây dựng, theo dõi, giám sát và thực thi chính sách, pháp luật ở các cấp Trung ương và cấp địa phương… Nguyên nhân chủ yếu là do hiện chưa có các tiêu chí, hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, quy trình cũng như giám sát, đánh giá kết quả quá trình triển khai đánh giá tác động quyền trẻ em ở các cấp.

Dựa trên Kế hoạch hợp tác chiến lược giữa Hội và ChildFund Việt Nam giai đoạn 2023 -2028, trong khuôn khổDự án “Nâng cao năng lực cho Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam về bảo vệ trẻ em” do ChildFund Việt Nam tài trợ từ năm 2022-2024, Hội mong muốn tiếp tục được tăng cường năng lực tham vấn chính sách, pháp luật về trẻ em thông qua việc hỗ trợ rà soát đánh giá tác động quyền trẻ em.

Trên cơ sở đó, Hội cũng mong muốn trong những năm tiếp theo, tiếp tục hợp tác với ChildFund và các tổ chức nhằm mục tiêu xây dựng và thử nhiệm các tiêu chí và quy trình đánh giá tác động quyền trẻ em, để góp phần thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ Hội được giao tại Điều 92 Luật Trẻ em năm 2016 cũng như Kế hoạch hoạt động của Hội giai đoạn 2023 -2028.

II. Mục tiêu

Nâng cao năng lực tham vấn chính sách, pháp luật về trẻ em thông qua Bộ tiêu chí đánh giá tác động quyền trẻ em trong quá trình góp ý văn bản, chính sách của Hội theo từng giai đoạn (1) nghiên cứu, rà soát; (2) xây dựng dự thảo và tham vấn hoàn thiện; (3) thí điểm sử dụng và đánh giá.

III. Trách nhiệm của chuyên gia (cho giai đoạn 1)

1. Nghiên cứu, rà soát sơ bộ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về đánh giá tác động quyền trẻ em;

2. Đưa ra các hàm ý, khuyến nghị cho việc xây dựng cơ sở bằng chứng và khung khổ về đánh giá tác động quyền trẻ em.

IV. Sản phẩm đầu ra:

Đề cương chi tiết báo cáo rà soát
Danh sách các tài liệu rà soát
01 báo cáo rà soát tóm tắt, 01 báo cáo rà soát chi tiết đánh giá tác động quyền trẻ em hoàn chỉnh sau góp ý

V. Khung thời gian

Từ 03-10/5/2024: Chuyên gia gửi thư quan tâm và đề xuất kỹ thuật
Từ 10-15/5/2024: Lựa chọn chuyên gia và thảo luận, thống nhất cụ thể về đề cương, nội dung, phương pháp tiến hành với chuyên gia được chọn
Từ 15/5/2024: Chuyên gia tiến hành công việc
Hạn hoàn thành công việc: Ngày 15/6/2024

VI. Yêu cầu đối với chuyên gia

Có ít nhất 25 năm kinh nghiệm trở lên trong lĩnh vực xã hội, trẻ em;
Ưu tiên các ứng viên đã tham gia xây dựng Luật Trẻ em, các chương trình hành động vì trẻ em, các báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước Quyền trẻ em; có kinh nghiệm xây dựng các báo cáo nghiên cứu khoa học, các đánh giá tác động xã hội, lồng ghép tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; có kinh nghiệm làm việc với các tổ chức quốc tế;
Có trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực xã hội hoặc được đào tạo, có chuyên môn phù hợp;
Có kỹ năng báo cáo, có tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành công việc đúng yêu cầu và thời hạn.

VII. Phí tư vấn và hình thức thanh toán

Việc thanh toán sẽ được thực hiện bằng Việt Nam Đồng và hình thức thanh toán theo thỏa thuận hợp đồng.
Phí tư vấn sẽ dựa trên định mức chi phí của nhà tài trợ và sự thỏa thuận giữa các bên.
Tổng kinh phí đã bao gồm thuế TNCN sẽ được Ban Quản lý dự án khấu trừ tại nguồn khi thanh toán.

VIII. Liên hệ

Ứng viên quan tâm xin gửi hồ sơ về địa chỉ email: hoibvqtevn@vacr.vn trước 17h00 ngày 20/5/2024 hoặc gửi hồ sơ về Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Tầng 5, Cung trí thức thành phố, số 1 Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội.

Hồ sơ gồm: CV của tư vấn, đề xuất kĩ thuật; đề xuất tài chính, sản phẩm (nếu có)

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/tuyen-tu-van-xay-dung-du-thao-bao-cao-ra-soat-danh-gia-tac-dong-quyen-tre-em-d4444.html