UBTƯ MTTQ Việt Nam góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X
Sáng 15/5, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị xin ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029. Chủ trì Hội nghị có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Tham dự Hội nghị có Ban Chủ nhiệm, các chuyên gia, nhà khoa học trong các Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam; thành viên Tiểu ban, Tổ giúp việc Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban nghiên cứu sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, đây là một Hội nghị đặc biệt bởi có sự tham gia của các đại biểu có kinh nghiệm trong công tác Mặt trận, những ý kiến góp ý của đại biểu tham dự Hội nghị sẽ góp phần quan trọng vào dự thảo Báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 (Báo cáo chính trị) và nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam.
Từ nội dung đề ra tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, đại biểu tham dự tập trung thảo luận vào nội dung Báo cáo chính trị, trong đó tập trung vào một số điểm mới về mục tiêu, chương trình hành động mà Báo cáo nêu dựa trên cơ sở văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết tại Hội nghị Ban Chấp hành trung ương khóa XIII đối với những vấn đề liên quan đến MTTQ Việt Nam; góp ý vào hệ thống chỉ tiêu liên quan đến phong trào thi đua, công tác an sinh - xã hội, công tác cán bộ; đặc biệt là nội dung 6 chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ 2024-2029.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị các đại biểu tham dự cũng tập trung thảo luận vào nội dung sửa đổi Điều lệ MTTQ Việt Nam như: các tiêu chí, cách thức đối với việc kết nạp các tổ chức thành viên; việc phân cấp, phân quyền và văn bản mới liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan MTTQ Việt Nam; những vấn đề mới liên quan tới chế độ chuyên gia, biệt phái, đội ngũ cố vấn đối với công tác Mặt trận; chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Tư vấn …
Nêu ý kiến, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trường (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, dự thảo báo cáo chính trị cần phải được diễn đạt theo hướng thời sự hơn và mạnh mẽ hơn nữa, phải thể hiện được vai trò của MTTQ Việt Nam khi cùng với nhân dân chung tay xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, ngoài việc đưa ra những cụm từ “đẩy mạnh …”, dự thảo Báo cáo cần tạo được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, điển hình là các hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cần phải tạo cơ hội để chấn chỉnh, sàng lọc, đánh giá chất lượng cán bộ, xây dựng được bộ máy trong sạch, có chất lượng cao, có đầy đủ năng lực, đạo đức, là đầu tàu để xây dựng đất nước phát triển tiến bộ và hòa nhập với xu thế của khu vực và thế giới.
Ông Minh cũng nhấn mạnh đến việc phải phát huy những thế mạnh của Việt Nam đối với việc tăng tốc chiếm lĩnh những đỉnh cao trong phát triển kinh tế - xã hội, xuất khẩu nông nghiệp, chế biến hải sản; Hay trong thời kỳ công nghiệp số, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, sản xuất chíp bán dẫn… cũng đang là những vấn đề thời sự mà Việt Nam có cơ hội để bứt phá.
Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Thám, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Báo cáo chính trị trình Đại hội phải khẳng định được khối đại đoàn kết toàn dân tộc của đất nước ngày càng được tăng cường và củng cố vững chắc hơn; đồng thời phải nhận định được kết quả này là nhờ vào đường lối của Đảng và đoàn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở đường lối, mục tiêu mà Đảng đề ra để xây dựng một đất nước công bằng, dân chủ, văn minh trong điều kiện kinh tế thị trường mới.
“Việc quy tụ khối đại đoàn kết này là nhờ vào sự đồng lòng của các tầng lớp người Việt Nam ở trong và ngoài nước; nhờ vào truyền thống lá lành đùm lá rách và sự nỗ lực của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài đối với việc triển khai chương trình hành động trong nhiệm kỳ 2019-2024”, ông Trần Hoàng Thám nêu ý kiến.
Nêu quan điểm, ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng, trong báo cáo chính trị cần có những đánh giá khái quát đậm nét lại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nước ta hiện nay để làm rõ dưới sự lãnh đạo của Đảng trong 5 năm qua khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã có sự phát triển như thế nào cả chất và về lượng.
Đối với kết quả thực hiện chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024, ông Đường kiến nghị cần dành những đánh giá, nhận xét xứng đáng cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội; Cần làm rõ những kết quả đạt được và ý nghĩa vai trò của của giám sát, phản biện xã hội nhằm nâng cao nhận thức một bước nữa về chức năng này của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ tới. Cùng với đó cần đánh giá sâu sát hơn nữa đối với hoạt động và đóng góp của các Hội đồng Tư vấn, nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế để các Hội đồng tiếp tục phát huy vai trò của mình và thực sự được ghi nhận như một cơ cấu trong tổ chức của Mặt trận.
“Trong nhiệm kỳ mới, báo cáo chính trị cần nêu ra phương hướng để phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của tổ chức thành viên và Hội đồng tư vấn. Đặc biệt cần thống nhất đầy đủ về nhận thức, cách thức tổ chức và cơ sở pháp lý cho hoạt động của Hội đồng tư vấn trong giai đoạn tới”, ông Đường kiến nghị.