Ứng xử với di sản

Mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã công bố giải thưởng và trao giải cuộc thi 'Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành hào nối Thượng thành'. Tuy nhiên, việc này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Giải nhất ý tưởng thiết kế cầu đi bộ Hộ Thành hào nối Thượng thành (Đại nội Huế).

Giải nhất ý tưởng thiết kế cầu đi bộ Hộ Thành hào nối Thượng thành (Đại nội Huế).

Theo ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cuộc thi nhằm tìm kiếm những ý tưởng độc đáo, sáng tạo từ các nhà thiết kế, kiến trúc sư, tạo dựng một kiến trúc phù hợp với không gian di sản, và giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông đô thị tại Cửa Ngăn, đảm bảo an toàn và thuận lợi cho du khách, đồng thời tạo nên một kiến trúc độc đáo hấp dẫn khách du lịch.

Cuộc thi đã nhận được 64 phương án từ 59 tác giả/nhóm tác giả. Ý kiến ủng hộ cho rằng việc xây dựng cầu đi bộ kể trên vẫn bảo tồn di tích, tuân thủ Luật Di sản, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển di sản văn hóa.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại hơn khi một quần thể kiến trúc được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (ngày 11/12/1993) có thể bị biến dạng.

Theo TS Phan Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế, cần hết sức cẩn trọng và phải có chiến lược lâu dài đối với việc xây dựng cầu vượt Hộ Thành hào nối Thượng thành. Vì rằng, đối với cổng thành đi vào Đại nội, kết hợp giữa các yếu tố: tường thành, hệ thống lan can, các vọng lâu và hệ thống cầu đá bắc qua Hộ Thành hào là sự hội tụ của nghệ thuật quần thể kiến trúc với quy mô đồ sộ, đã đứng vững theo thời gian. Theo ông Dũng, ý tưởng xây cầu mới ở khu vực này cần có ý kiến của một hội đồng chuyên môn, bao gồm Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hội Xây dựng, Hội Kiến trúc sư… để trình Chính phủ, kể cả UNESCO.

Tương tự, một số ý kiến khác cho rằng việc xây dựng cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành hào, rồi băng qua tường thành của Kinh thành Huế sẽ vi phạm Luật Di sản, đặc biệt là đối với UNESCO khi về nguyên tắc cấp nào công nhận thì cần có sự đồng ý của cấp đó. Vì thế, yếu tố quan trọng hàng đầu phải cân nhắc là có vi phạm pháp luật về bảo vệ di sản hay không, bởi Kinh thành Huế là Di tích quốc gia đặc biệt, là Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO vinh danh. Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc thì Huế nhất thiết phải xin ý kiến UNESCO và các cơ quan quản lý nhà nước, hội chuyên ngành về di sản, xây dựng, quy hoạch kiến trúc... và đặc biệt không thể bỏ qua việc tham khảo ý kiến, đóng góp trí tuệ của người dân. Kinh thành Huế là tài sản đặc biệt, vì vậy cần đặc biệt thận trọng trong cách đặt vấn đề, cách ứng xử đối với di sản.

Nói về việc cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành hào nối Thượng thành Huế mới dừng lại ở ý tưởng, ông Quốc cho rằng trong tất cả các cuộc thi, mọi ý tưởng đưa ra đều cần phải được đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng. Một trong những yếu tố phải tính đến là ý tưởng đó có tính khả thi hay không. Cách đặt vấn đề sai sẽ dẫn đến hệ lụy là sự tốn kém, đồng thời gây xáo động trong nhận thức xã hội. Nếu chỉ là ý tưởng mà không khả thi thì chỉ là vẽ tranh trừu tượng chứ đừng nói là giải pháp” - ông Quốc nói.

Tới nay, quần thể kiến trúc Kinh thành Huế được bảo tồn cực tốt. Nhiều năm qua, việc nghiên cứu, khai quật, tìm kiếm nhằm phục dựng một góc rất nhỏ Hoàng thành Thăng Long thôi cũng đã vô cùng khó khăn. Một mảnh sành, một mảnh sứ cũng được nâng niu, trân trọng. Vậy, với Huế, có nên xây cầu đi bộ vượt qua Hộ Thành hào nối Thượng thành hay không?

Lâm Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ung-xu-voi-di-san-5719473.html