Ước mơ của Lò Thảo Vi

Nhờ bài luận được truyền cảm hứng từ chiếc khăn Piêu, Lò Thảo Vi trở thành nữ sinh dân tộc Thái đầu tiên ở Sơn La (sinh năm 2002) giành học bổng du học Mỹ. Hoàn thành khóa học trở về nước, cô tiếp tục hành trình thực hiện ước mơ mang tri thức đến với các em nhỏ vùng cao.

Ấp ủ ước mơ đi du học, Lò Thảo Vi luôn nỗ lực trong học tập và gặt hái được nhiều thành tích cao, như: Giải Nhì môn Tiếng Anh kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh 2 năm học liên tiếp 2017-2018 và 2018-2019; giải Nhất môn Tiếng Anh kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2019-2020. Suốt 3 năm học tại Trường THPT chuyên Sơn La, thành tích môn Tiếng Anh của Thảo Vi luôn đứng đầu của lớp.

Nữ sinh Lò Thảo Vi.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lò Thảo Vi phải tạm gác suy nghĩ đi du học và lựa chọn học đại học trong nước. Cô thi đỗ vào chuyên ngành Quan hệ Quốc tế của Học viện Ngoại giao với số điểm 27,5. Nhưng mong muốn được tiếp thu nền tri thức ở một đất nước mới đã thôi thúc Thảo Vi tiếp tục chinh phục giấc mơ du học ngay khi mới học năm nhất đại học.

Nữ sinh Lò Thảo Vi xác định mục tiêu mình hướng tới là giành được học bổng Global UGRAD kỳ mùa Xuân năm 2022. Global UGRAD là một chương trình của Vụ Giáo dục và Văn hóa thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cung cấp cho sinh viên học bổng một học kỳ không cấp bằng tại một trường cao đẳng hoặc đại học của Mỹ. Thảo Vi lập tức chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển trong đó gồm hai bài luận với chủ đề khả năng lãnh đạo và những đóng góp cho cộng đồng. “Do chưa có kinh nghiệm nên mình mất khá nhiều thời gian, công sức trong khâu chuẩn bị giấy tờ. Mình chưa biết cách chọn lọc những thành tích, hoạt động tiêu biểu để thể hiện trong hồ sơ. May mắn mình luôn có thầy cô, bạn bè ở bên đồng hành, giúp đỡ và đưa ra những lời khuyên hữu ích”, Thảo Vi tâm sự.

Về phần bài luận, Thảo Vi gặp khó khăn trong việc lựa chọn đề tài. “Mình muốn viết một bài luận thật ấn tượng để có thể cạnh tranh với các ứng viên khác. Lúc ấy cô giáo hướng dẫn đã gợi ý mình hãy viết về bản sắc riêng của Sơn La và của dân tộc Thái mình. Chính điều ấy đã thôi thúc mình viết về cội nguồn, về chiếc khăn Piêu - biểu tượng văn hóa của dân tộc Thái”, Vi chia sẻ.

Thảo Vi tích cực trong các hoạt động phong trào xã hội.

Sau quá trình cố gắng, Thảo Vi đã giành được học bổng Global UGRAD, chuyên ngành Khoa học Xã hội tại Đại học North Carolina Wilmington. Tới nước Mỹ, hành trang mà Thảo Vi mang theo không thể thiếu bộ trang phục truyền thống của dân tộc Thái. Thảo Vi luôn tự hào giới thiệu với các bạn bè quốc tế rằng, Việt Nam không chỉ có áo dài mà còn có áo váy Cóm và chiếc khăn Piêu của người Thái. Ngoài ra, ẩm thực cũng điểm nhấn để Lò Thảo Vi có thể lan tỏa, giới thiệu văn hóa của đồng bào Thái. Khi được ăn những món ăn Việt do Thảo Vi nấu, bạn bè quốc tế đều tỏ ra thích thú và muốn tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa Việt Nam.

Hiện tại, Lò Thảo Vi đã về Việt Nam để tiếp tục hoàn thành chương trình học đại học. Bên cạnh đó, cô quyết định thành lập dự án “Ấp Bầu”, được lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích “Quả Bầu” kể về nguồn gốc của 54 dân tộc Việt Nam. Dự án được ra đời nhằm cung cấp những hoạt động giáo dục dưới hình thức trải nghiệm, nâng cao kỹ năng mềm, phát triển nhận thức về xã hội cho các em nhỏ trong độ tuổi bắt đầu đến trường. Những trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tiếp cận với một môi trường giáo dục tiên tiến, giúp ích cho cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

“Trại đông: Bừng sắc xuân” mang những món quà ý nghĩa tặng các em nhỏ vùng cao.

Với vai trò Trưởng ban tổ chức và Trưởng ban Đối ngoại, Vi chủ động kết nối với những người có chuyên môn, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ dự án. Ban đầu, Thảo Vi gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm đối tác vì đây là dự án mới và nhân sự còn non trẻ. Tuy nhiên, sau trạm đầu tiên được tổ chức thành công ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Sơn La, dự án ngày càng lan tỏa và nhận được sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức và nhà tài trợ lớn. Đây là bước đệm đầu tiên cho sự phát triển của dự án.

Trạm đầu tiên của dự án mang tên “Trại hè: Trái bí” diễn ra từ 21 đến ngày 23-7-2023. “Dự án đã tổ chức các hoạt động như: Trại đọc; Khai phá bản thân; Lan tỏa yêu thương. Các em nhỏ đã học được cách thấu hiểu, cảm thông, biết thể hiện tình thương, rèn luyện tính kiên nhẫn thông qua hoạt động các hoạt động thực hành, vui chơi”, Thảo Vi chia sẻ.

Các em nhỏ hào hứng tham gia các hoạt động giáo dục trải nghiệm của dự án “Ấp Bầu”.

Trong hoạt động “Trại Đọc”, các em được tiếp cận với dòng sách kỹ năng, trang bị cho các em những kiến thức về kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng sống và sự đồng cảm. Các thành viên trong dự án đóng vai trò điều phối viên, sẽ hướng dẫn các em đọc và phân tích những câu chuyện có chủ đề về sự đồng cảm. Từ đó giúp các em sớm hình thành thói quen đọc sách và hiểu hơn về sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với những người xung quanh.

Ngoài ra, khi tham gia các trò chơi như gỡ nút thắt, đóng kịch tình huống trong hoạt động trải nghiệm “Khai phá bản thân”, các em học sinh sẽ được tương tác với nhau, tự diễn giải cảm xúc của chính mình rồi từ đó biết cách đồng cảm với đối phương. Còn với hoạt động cộng đồng “Lan tỏa yêu thương”, các em sẽ được hướng dẫn vẽ thiệp, làm vòng để dành tặng cho các bố, các mẹ tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Sơn La nhằm thể hiện tình yêu thương cùng sự biết ơn sâu sắc.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Vi khẳng định sẽ mang những kiến thức mình đã học được để quay về đóng góp và cống hiến cho quê hương. Cô mong muốn đồng hành cùng các em học sinh, đặc biệt là các em thuộc đồng bào dân tộc thiểu số trên chặng đường tìm con chữ.

MINH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/uoc-mo-cua-lo-thao-vi-774310