Ưu tiên đào tạo nhân lực đáp ứng quản lý hải quan hiện đại

Thời gian qua, để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao trong xu thế hội nhập, ngành Hải quan đã rất đầu tư và chú trọng cho công tác đào tạo. Trong đó, Trường Hải quan đóng vai trò then chốt.

Cán bộ hải quan hiện đại cần phải trang bị đủ kiến thức, trình độ để làm chủ công nghệ tiên tiến. Ảnh: Đỗ Quang.

Cán bộ hải quan hiện đại cần phải trang bị đủ kiến thức, trình độ để làm chủ công nghệ tiên tiến. Ảnh: Đỗ Quang.

Hợp tác đào tạo quốc tế

Nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong lĩnh vực hải quan, những năm qua, công tác đào tạo của ngành Hải quan đã được đổi mới tích cực, theo Đề án đào tạo bồi dưỡng giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Trường Hải quan Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện giáo trình đào tạo theo khung năng lực vị trí việc làm và các chương trình đào tạo chuyên ngành, chuyên sâu theo các lĩnh vực; đẩy mạnh công tác hợp tác đào tạo. Đặc biệt là việc hợp tác đào tạo quốc tế tạo bước đệm xây dựng Trường Hải quan Việt Nam trở thành Trung tâm Đào tạo hải quan khu vực châu Á - Thái Bình Dương (A/P RTC) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

Theo ông Vũ Văn Khánh - Hiệu trưởng Trường Hải quan Việt Nam, nhà trường đã đa dạng hóa các loại hình đào tạo như: đào tạo trực tuyến, đào tạo trực tiếp; thực tế, thực hành tại các đơn vị vụ, cục; phối hợp đào tạo với các đơn vị vụ, cục trong, ngoài ngành và với các tổ chức quốc tế… Hình thức giảng dạy cũng được đổi mới, hoàn thiện và được chuyên môn hóa: lấy người học làm trung tâm, thực hành, thảo luận nhóm nhiều hơn lý thuyết, dùng hình ảnh, clip, giáo cụ trực quan minh họa cho bài giảng…

Đề nghị công nhận trường đào tạo nghiệp vụ khu vực

Trường Hải quan Việt Nam cần bắt tay vào đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo trình, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang kiến nghị với Tổ chức Hải quan thế giới công nhận Trường Hải quan Việt Nam là trường đào tạo nghiệp vụ hải quan trong khu vực.

Thống kê đến giữa tháng 11/2023, nhà trường đã tổ chức đào tạo 108 lớp với 5.278 lượt học viên. Trong đó, 36 lớp với 2.021 lượt học viên đào tạo theo kế hoạch được giao (đạt trên 90% kế hoạch) và 66 lớp với 3.145 lượt học viên đào tạo theo hình thức tự chủ. Trong số 66 lớp thì có 41 lớp với 1.946 học viên là cán bộ công chức, viên chức trong ngành và 25 lớp với 1.199 học viên là các cá nhân, doanh nghiệp, người khai hải quan.

Đặc biệt, trong khuôn khổ hợp tác song phương với Hoa Kỳ của Tổng cục Hải quan, nhà trường đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Tổng cục Hải quan tổ chức “Chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ lãnh đạo”, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) phối hợp tài trợ; tổ chức thành công 3 kỳ thi cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan tại khu vực phía Bắc và phía Nam với gần 1.100 thí sinh tham gia dự thi...

Song song với đó, nhà trường thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn của các bộ, ngành, các học viện, trường đại học để xây dựng giáo trình, kế hoạch, chương trình, tổ chức các lớp đào tạo, chuyên sâu về các biện pháp nghiệp vụ hải quan; nghiệp vụ về thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan; nghiệp vụ công tác điều tra tội phạm; kiểm soát ma túy, tiền chất; kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; đào tạo, huấn luyện công tác quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cho cán bộ công chức, viên chức hải quan...

Đổi mới tư duy đào tạo

Thời gian qua, để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng ngày càng cao trong xu thế hội nhập, ngành Hải quan đã rất đầu tư và chú trọng cho công tác đào tạo. Tuy nhiên hiện tại, toàn ngành đang đẩy mạnh triển khai cải cách hiện đại hóa toàn diện các quy trình nghiệp vụ hướng đến triển khai hệ thống hải quan số, mô hình hải quan thông minh, hải quan xanh.

Tại Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025 của Bộ Tài chính đã chỉ rõ: Việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các cấp có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại, đủ về số lượng, cơ cấu phù hợp, đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại là giải pháp cấp thiết.

Ngoài ra, Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025 xác định mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất hiện đại, phương pháp quản lý đào tạo đạt chuẩn của cơ sở đào tạo cấp khu vực; đội ngũ giảng viên chuyên sâu về kiến thức hải quan, kỹ năng sư phạm; một số giảng viên cơ hữu và kiêm chức được công nhận là giảng viên của Tổ chức Hải quan thế giới có thể tham gia giảng dạy quốc tế.

Để đạt được mục tiêu đề ra, theo ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Trường Hải quan Việt Nam có vai trò rất quan trọng, trước tiên là cần đổi mới mạnh mẽ tư duy trong công tác đào tạo; đảm bảo đào tạo đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong toàn ngành có đủ kiến thức, kỹ năng để vận hành hệ thống hải quan số, mô hình hải quan thông minh.

Bên cạnh đó, Trường Hải quan Việt Nam cần bắt tay vào đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo trình, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng triển khai thực hiện quy trình nghiệp vụ hải quan tiên tiến khi cơ quan hải quan ứng dụng các thành tựu của công nghệ vào hoạt động. Đặc biệt là nhà trường tích cực mở rộng, phối hợp với các cơ sở, đơn vị ngoài ngành triển khai kế hoạch đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ, viên chức trong toàn ngành.

ÔNG NGUYỄN VĂN CẨN - TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN:

Chú trọng đào tạo cán bộ hải quan để làm chủ công nghệ

Trong quản lý, con người đóng vai trò quản trị dữ liệu trong hải quan, thương mại quốc tế và cách thức xây dựng mô hình hoạt động giúp thu thập, khai thác được dữ liệu từ toàn bộ hệ sinh thái thương mại với sự trợ giúp của công nghệ.

Công nghệ đóng vai trò hỗ trợ việc thực hiện trong mọi vấn đề, trong đó có vấn đề con người. Mặc dù công nghệ không thể quyết định thay thế con người, nhưng công nghệ tiên tiến thực sự đem lại nhiều lợi ích, lợi thế cho công tác nghiệp vụ của cán bộ công chức hải quan.

Cùng với mục tiêu chung, Hải quan Việt Nam đã thường xuyên có những cuộc cách mạng về công nghệ, từ chuyển đổi phương thức quản lý thủ công sang điện tử. Hiện Hải quan Việt Nam đang nỗ lực, tự mình xây dựng và thiết kế hệ thống hải quan số, mô hình hải quan thông minh. Trong tiến trình phát triển công nghệ vượt bậc liên tục như vậy, Hải quan Việt Nam thường xuyên chú trọng đào tạo cho cán bộ hải quan để làm chủ được công nghệ. Trong đó, việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ kế cận cũng đang được Hải quan Việt Nam rất quan tâm.

Đông Mai (ghi)

ÔNG LARRY LIZA - GIÁM ĐỐC VĂN PHÒNG PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC KHU VỰC ĐÔNG VÀ NAM PHI CỦA WCO:

Sử dụng công nghệ để nâng cao chất lượng đào tạo

Phương thức hiệu quả và phổ biến nhất trong đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành hải quan là hình thức học trực tuyến (e-Learning). Trước đây, chúng tôi đã tổ chức rất nhiều các khóa học trực tiếp, tuy nhiên hiện nay chúng tôi đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào các khóa học và mô hình học trực tuyến.

Ngoài ra, hiện nay, ứng dụng thực tế ảo trong đào tạo và giảng dạy (VRT) cũng là một trong những mô hình ngày càng phổ biến. Đây là một phương thức tiếp cận mới cho người học và người dạy, thay vì chỉ học lý thuyết người học sẽ được thực hành, trải nghiệm thực tế hiện trường mà không phải đến trực tiếp thông qua các mô phỏng, không gian ảo.

Vì vậy, người học có thể ngồi tại chỗ và sử dụng thiết bị công nghệ thực tế ảo (VRT) mà vẫn có thể theo dõi thông tin về container hàng hóa tại cảng đường bộ và đường hàng không và đường biển… thông qua mô phỏng thực tế và không gian ảo. Do đó, ứng dụng thực tế ảo trong giảng dạy trực tuyến thực sự quan trọng và ngày càng phổ biến.

Nguyễn Trang (ghi)

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/uu-tien-dao-tao-nhan-luc-dap-ung-quan-ly-hai-quan-hien-dai-140048-140048.html