Ủy ban Kinh tế: Đánh giá kỹ 6 nhóm vấn đề của nền kinh tế

Để nhìn nhận toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn 6 nhóm vấn đề. Bao gồm: Chất lượng tăng trưởng kinh tế chậm được cải thiện; tăng trưởng theo giai đoạn có xu hướng giảm dần. Số doanh nghiệp 'rút lui' khỏi thị trường liên tục tăng; thị trường vốn với kênh ngân hàng còn nhiều vấn đề tiềm ẩn; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp cao nhất trong 3 năm. Thị trường bất động sản có tình trạng 'lách luật'...Đây đều là những nhóm vấn đề mà Chính phủ cần nhận diện đầy đủ để có giải pháp phù hợp.

Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, con số này cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp thành lập mới. Bên cạnh đó, những vấn đề xoay quanh thị trường tài chính tiền tệ cũng được Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh. Khi mà các số liệu chỉ ra khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, tỷ giá tăng cao ngoài dự báo, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Còn thị trường trái phiếu, đỉnh điểm 300.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn năm 2024 là con số lớn nhất trong 3 năm qua.

Trong 6 nhóm vấn đề của nền kinh tế, báo cáo thẩm tra cũng chú trọng thị trường bất động sản. Theo Ủy ban Kinh tế, tình trạng đầu cơ đất đai gây ra nhiều hệ lụy, nguồn lực xã hội thay vì để sản xuất, kinh doanh thì lại bị chôn vào đất. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua.

Một quan ngại khác được Ủy ban Kinh tế chỉ ra là tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng. Ngoài ra còn có những hạn chế, bất cập, yếu kém về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất, điểm nghẽn tăng năng suất lao động, công tác dự báo còn hạn chế, phản ứng chính sách có lúc còn bị động, hiệu quả chưa cao. Đề nghị Chính phủ nhận diện đầy đủ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế, làm rõ nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/uy-ban-kinh-te-danh-gia-ky-6-nhom-van-de-cua-nen-kinh-te-222819.htm