ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN BÁO CÁO QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2022

Chiều 15/5, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Phiên họp thứ 33, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Toàn cảnh Phiên họp

Toàn cảnh Phiên họp

Tại phiên họp, Chính phủ và Kiểm toán nhà nước đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có nội dung báo cáo thực hiện quy định tại khoản 6 Điều 3 của Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước).

Trước khi tiến hành thảo luận nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo tóm tắt Thẩm tra sơ bộ Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Chính phủ và Kiểm toán nhà nước đã có các báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hồ sơ và các nội dung Báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị nghiêm túc, cơ bản đầy đủ theo quy định tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, thời gian gửi Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 của Chính phủ và báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022 của Kiểm toán nhà nước trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội chậm so với thời gian quy định của Luật NSNN và Luật Tổ chức Quốc hội.

Về lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2022, qua kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, NSNN. Nhờ đó, việc quản lý thu, chi NSNN đạt được nhiều kết quả tích cực; công tác quyết toán NSNN có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ và Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể như: Việc lập, chấp hành dự toán NSNN còn nhiều tồn tại, hạn chế tại các Bộ, ngành, địa phương nêu trong báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022; Tình trạng chậm tổng hợp, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 của các Bộ, ngành, địa phương có xu hướng tăng cao; Tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán sau thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN không phù hợp với quy định của Luật NSNN chưa được khắc phục.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân không chấp hành nghiêm việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2022; Khẩn trương đề xuất sửa đổi Luật NSNN hoặc một số điều của Luật Ngân sách nhà nước và các Luật có liên quan để rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội.

Về quyết toán thu, chi NSNN, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, số quyết toán chi NSNN năm 2022 giảm khá nhiều so với dự toán cho thấy cần phải xem xét, đánh giá lại khâu lập dự toán và tổ chức thực hiện chi NSNN hằng năm tại các Bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, số quyết toán chi thường xuyên năm 2022 giảm rất lớn so với số Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 cho thấy việc theo dõi, tổng hợp tình hình chi NSNN chưa sát. Việc lập dự toán chi NSNN không sát, công tác tổ chức thực hiện không tốt, đánh giá tình hình thực hiện chi NSNN không sát, vừa không đảm bảo đáp ứng nhu cầu những nhiệm vụ chi cần thiết, phải vay, trả nợ lãi lớn để bù đắp bội chi nhưng không có khả năng thực hiện, phải hủy dự toán… ảnh hưởng đến việc xây dựng dự toán NSNN năm 2024 và các năm sau. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân của các tổ chức, cá nhân và có các giải pháp giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế này.

Báo cáo Chính phủ chưa làm rõ số cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên và số hủy dự toán chi thường xuyên của địa phương trong năm 2022, nên không có căn cứ để đánh giá tính tiết kiệm, hiệu quả tổng thể việc thực hiện dự toán chi thường xuyên của cả nước. Tỷ lệ quyết toán tại nhiều ngành, lĩnh vực sử dụng vốn ngân sách trung ương đạt rất thấp so với dự toán. Số chuyển nguồn và hủy bỏ dự toán chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan trung ương cũng khá lớn và tăng cao hơn so với năm trước. Đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung số liệu tiết kiệm chi thường xuyên của các Bộ, ngành, địa phương; nguyên nhân và trách nhiệm không thực hiện được dự toán và kết quả hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ ngành, lĩnh vực.

Đối với chi đầu tư phát triển, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, kết quả thực hiện chi đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2022 rất thấp so với yêu cầu và dự toán được giao. Số chuyển nguồn, hủy bỏ dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 sang năm 2023 tiếp tục cao hơn năm trước cho thấy việc sử dụng nguồn vốn này hiệu quả chưa cao. Đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần có các giải pháp xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế này để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, không gây lãng phí nguồn lực NSNN.

Về bội chi NSNN, báo cáo của Chính phủ chưa chi tiết số giảm bội chi NSNN năm 2022 từ các nhiệm vụ chi cụ thể; đề nghị Chính phủ chỉ đạo bổ sung làm rõ thông tin, số liệu chi tiết cắt giảm bội chi NSNN năm 2022; tăng cường kiểm tra, kiểm toán kịp thời thu hồi số hủy dự toán, các khoản chi không đúng quy định, hết thời gian giải ngân năm 2022 và từ năm 2021 trở về trước.

Thẩm tra việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến quyết toán NSNN, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban TCNS thấy rằng, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ giao và đạt được nhiều kết quả tích cực trong quyết toán NSNN năm 2022 như đã nêu trên đây và chi tiết tại các báo cáo của Chính phủ, Kiểm toán nhà nước.

Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế vẫn chậm được khắc phục như đã nêu trên đây và báo cáo của Chính phủ, Kiểm toán nhà nước. đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Về các đề xuất, kiến nghị của Chính phủ và Kiểm toán nhà nước, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ: Làm rõ các đề xuất, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; xem xét, điều chỉnh thông tin số liệu quyết toán, kiểm toán nêu trên; Rà soát để thu hồi, nộp NSNN đối với nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2022 hết thời hạn giải ngân theo quy định; Thu hồi và giảm bội chi ngân sách trung ương năm 2022 số kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu và các Chương trình mục tiêu quốc gia tại 41/60 địa phương đến hết năm 2022 còn tồn chưa hoàn trả ngân sách Trung ương theo quy định; Khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền phương án xử lý, sử dụng số kinh phí còn lại của Quỹ Vaccine phòng COVID-19 tại thời điểm 31/12/2022 để bảo đảm việc quản lý, sử dụng chặt chẽ, có hiệu quả nguồn kinh phí này và phù hợp với quy định….

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, do thông tin, số liệu quyết toán NSNN năm 2022 chưa thống nhất giữa Chính phủ và Kiểm toán nhà nước, Thường trực Ủy ban TCNS trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, Kiểm toán nhà nước tiếp tục rà soát, điều chỉnh, thống nhất số liệu quyết toán thu, chi NSNN năm 2022 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết số 91/2023/QH15 để báo cáo Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022 theo quy định.

Đối với số quyết toán chi thường xuyên KH&CN cho hoạt động mua sắm trang thiết bị trong các Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu KH&CN, đề nghị Chính phủ, Kiểm toán nhà nước cần làm rõ quan điểm, phương án xử lý, giải quyết nhiệm vụ chi này trong quyết toán NSNN năm 2022 và áp dụng thống nhất, bình đẳng đối với tất cả Bộ, ngành, địa phương. Đề nghị Chính phủ, Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về nội dung, thông tin, số liệu quyết toán NSNN năm 2022 bảo đảm tính chính xác, trung thực, đầy đủ, đúng quy định của pháp luật.

Sau khi Chính phủ, Kiểm toán nhà nước thống nhất số liệu quyết toán NSNN năm 2022 báo cáo Quốc hội, Ủy ban TCNS sẽ tổ chức thẩm tra và trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản để tổng hợp báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội tiếp tục thông tin về phiên họp

Lan Hương - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86869