Vải được cấp mã vùng trồng: Rộng đường xuất khẩu

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, vải thiều năm nay có năng suất, chất lượng vượt trội so với những năm trước. Nhờ được chỉ đạo sản xuất bài bản, tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, đến nay vải thiều được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sai quả, chất lượng cao.

Năng suất, chất lượng vượt trội

Khảo sát tại vùng vải sớm Phúc Hòa (Tân Yên), một trong những địa phương được cấp mã vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản cho thấy, hiện nay vải đang đỏ cuống, người dân đã dừng phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) từ ngày 30/4. Các cây đều sai trĩu quả, chuẩn bị cho thu hoạch. Đặc biệt là tại đây, người dân sử dụng thuốc BVTV sinh học được phối trộn từ ớt, giấm, tỏi... để phòng, trừ sâu bệnh nên sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn người dân chăm sóc vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản.

Bà Nguyễn Mỹ Lệ, thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa chia sẻ: “Năm nay là vụ thứ hai tôi trồng vải xuất khẩu cho thị trường Nhật Bản. Các khâu từ chăm sóc đến thu hoạch được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tỉ mỉ, dù mất nhiều công hơn nhưng bù lại chất lượng quả tốt hơn, bán được giá.

Hơn nữa, chăm sóc đúng kỹ thuật đã giảm số lần phun thuốc BVTV cả vụ, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình”. Theo lời bà Lệ, với diện tích hơn một ha vải đã được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu, ước vụ này gia đình bà thu về khoảng 300 triệu đồng.

Tương tự, ngoài diện tích cấp mã vùng xuất khẩu sang Nhật Bản, hiện hơn 600 ha vải thiều Tân Yên xuất sang Trung Quốc cũng có chất lượng tốt, lác đác được thu hái. Giá bán vải sớm bước đầu dao động từ 30-35 nghìn đồng/kg, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tại huyện Lục Ngạn, vùng có diện tích vải thiều lớn nhất tỉnh, chủ yếu là vải chính vụ thì hiện nay vải vẫn nhỏ quả, dự kiến thời gian thu hoạch cao điểm vào khoảng cuối tháng 6 đến cuối tháng 7. Điểm nhấn của các vườn vải này là năng suất cao, sạch bệnh.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong tổng số hơn 28,3 nghìn ha vải thiều, toàn tỉnh có hơn 16 nghìn ha vải được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc và EU. Các trà vải đang sinh trưởng, phát triển tốt, thời tiết thuận lợi, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao. Việc áp dụng quy trình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP và hữu cơ được đẩy mạnh, do đó chất lượng sản phẩm cao hơn các năm trước.

Tuy nhiên, vải thiều năm 2022 chín muộn hơn khoảng 10 ngày do nền nhiệt độ trung bình thấp hơn so với trung bình hằng năm, đêm và sáng ở một số ngày từ tháng 2 đến tháng 5 se lạnh. “Qua kiểm tra thực tế tại các vùng vải thiều xuất khẩu cho thấy, không chỉ cây trồng đạt năng suất cao mà chất lượng tốt do người dân tuân thủ quy trình hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Công tác giám sát dư lượng thuốc BVTV được duy trì nhờ lấy mẫu phân tích hơn 200 hoạt chất nên giúp đơn vị chuyên môn chủ động khuyến cáo, chỉ đạo định hướng sản xuất kịp thời, sản phẩm bảo đảm an toàn”, ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nói.

Sẵn sàng các điều kiện xuất khẩu

Coi trọng cả thị trường trong nước và xuất khẩu nên Bắc Giang chỉ đạo việc chăm sóc vải thiều đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng là khâu mấu chốt đối với sự thành công của sản xuất vải thiều. Vì thế, ngay từ đầu vụ, cơ quan chuyên môn của tỉnh chủ động công tác dự tính, dự báo sâu bệnh. Hướng dẫn quy trình chăm sóc vải thiều, trong đó có vải xuất khẩu; khuyến cáo sử dụng thuốc BVTV cho vải đối với từng thị trường; rà soát tất cả mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ vụ vải.

Anh Dương Văn Dẫu ở xã Bảo Sơn (Lục Nam) thu hoạch vải thiều cực sớm.

Để tiêu thụ vải thiều năm 2022 thuận lợi, từ nay đến cuối vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở theo dõi, dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh; hướng dẫn, giám sát, quản lý sản xuất, phòng trừ sâu bệnh tại các vùng sản xuất vải thiều, đặc biệt các vùng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU...

Chị Nguyễn Thị Nhung, cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa nói: “Hiện nay, tôi cùng các hộ sản xuất kiểm tra, đánh giá, ước thời gian thu hoạch quả để báo với doanh nghiệp liên kết thu mua, tiêu thụ. Đối với diện tích vải còn xanh, có nguy cơ đối diện với lứa sâu, bệnh mới sẽ hướng dẫn người dân dùng thuốc BVTV sinh học để diệt trừ, tuyệt đối không dùng thuốc hóa học. Trường hợp không tuân thủ theo, chúng tôi cảnh báo doanh nghiệp không thu mua ở vườn, người trồng sẽ bị thiệt hại”.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong tổng số hơn 28,3 nghìn ha vải thiều, toàn tỉnh có hơn 16 nghìn ha vải được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc và EU. Các trà vải đang sinh trưởng, phát triển tốt, thời tiết thuận lợi, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao.

Được biết, Nhật Bản, Mỹ, EU là những thị trường khó tính, đưa ra hàng rào kỹ thuật cao đối với nông sản nhập khẩu từ nước ngoài.

Bởi vậy, bên cạnh chú trọng khâu chăm sóc bảo đảm chất lượng, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tiến hành hướng dẫn, kiểm tra điều kiện cơ sở xông hơi khử trùng tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu (Lục Ngạn).

Đến nay, cơ sở đã hoàn thiện các điều kiện, bảo đảm yêu cầu. Cùng đó, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu đơn vị chuyên môn giám sát quy trình chăm sóc, sử dụng hóa chất, thuốc BVTV, quản lý dịch hại bảo đảm quy định của các thị trường; quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, buôn bán, sử dụng vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất vải thiều trên địa bàn.

Đồng thời khuyến cáo nhà vườn thu gom bao gói thuốc BVTV sau mỗi vụ sản xuất; hướng dẫn các hộ sản xuất trong vùng trồng chủ động cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thu hoạch và chuẩn bị các điều kiện đón đoàn Hải Quan Trung Quốc kiểm tra thực địa vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp xuất khẩu sang nước này.

Bài, ảnh: Trường Sơn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/384298/vai-duoc-cap-ma-vung-trong-rong-duong-xuat-khau.html