Văn chương đi liền với cái đẹp

'Yêu là không hối tiếc nên dù ít người đọc nhà văn vẫn miệt mài sáng tác như số phận bắt mình phải vậy. Đó chính là giao kèo mà nhà văn phải tham dự để bảo vệ cái đẹp'.

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ những hoài niệm của chị về truyền thống gia đình Nho học, ông nội làm ở nhà thương nhưng có tủ sách rất quý… Cứ hôm nào trời mưa, tiếng gió quất ràn rạt trên mái nhà lợp bằng lá gồi là mỗi người trong nhà lại ôm một quyển sách chui mỗi góc nghiền ngẫm.

Văn chương đến với chị một cách rất tự nhiên hồn hậu, qua câu chuyện ông kể từ khi cô bé Thùy Dương còn chưa biết đọc biết viết, qua những trang sách thời học trò. Chị kể về sự mê đọc truyện, sẵn sàng nhịn đói chui vào thùng trấu để đọc xuyên trưa. Với cô bé ấy thế giới nằm trong những trang sách, trong mỗi bụi cây dọc theo con đê ngoại ô mà những nụ hoa hay con chuồn chuồn đều có sức cuốn hút mãnh liệt. Mọi thứ cứ ngấm vào máu lúc nào không hay nên dù chả chăm học lắm nhưng chị luôn đứng đầu lớp môn Văn, năm nào cũng đi thi học sinh giỏi.

Thế mà cô học sinh giỏi Văn lại trượt Đại học Tổng hợp Văn trước sự ngỡ ngàng của bao người. Cú sốc đầu đời khiến nữ nhà văn bừng tỉnh và trưởng thành sớm hơn. Chị tâm sự: “Năm 14 tuổi, tôi bí mật viết những câu chuyện xảy ra xung quanh mình và gửi đến Nhà xuất bản Kim Đồng. Sau vài tháng nhận được thư và bản thảo bị trả lại tôi cũng buồn nhưng trẻ con thì dễ quên. Cho đến ngày vấp phải cú sốc đầu tiên, nỗi thất vọng đầu tiên trong cuộc sống, tôi nhận ra chỗ tựa cho mình và lại cầm bút. Truyện ngắn đầu tiên được đăng trên báo Phụ nữ Việt Nam. Năm ấy tôi 19 tuổi”.

Nhà văn Thùy Dương từng tự hỏi tại sao mình lại theo nghiệp viết lách trong khi từ nhỏ mơ ước trở thành bác sĩ theo truyền thống gia đình. Và chính bản thân lý giải rằng chị viết văn xuất phát từ mong muốn được thể hiện mình, trình bày lại cuộc sống theo ý mình. Hay cũng có thể do sức quyến rũ, mê hoặc của những trang sách - mà cô bé 6 tuổi chân trần dầm nước bên bờ ao đuổi bắt cho kỳ được cánh bướm xinh ép vào làm kỷ niệm. Chính những điều đó đã “cám dỗ”, thôi thúc chị cầm bút để có thể sáng tạo ra một thế giới khác - thậm chí hấp dẫn hơn thế giới đang sống.

Cũng có thể là do nỗi buồn… Đằng sau mỗi vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp của cuộc sống, của con người vẫn chứa đựng những điều gì đó thật buồn. Bởi ngày hôm nay sẽ không bao giờ lặp lại và thời gian cứ cuốn trôi vô tình.

Và cả niềm đau giấu kín trước sự ra đi của những người thân yêu từ rất sớm, những trọng trách đặt trên vai người phụ nữ có vẻ đẹp dịu dàng… đang ngồi trước mặt tôi với đôi mắt hồ thu.

Có lẽ, tất cả điều đó đã khiến chị trở thành người viết văn thành công, với nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích như ngày hôm nay.

Những người đàn bà ở xứ mình thật đáng nể phục

"Chắc chị yêu thương, nâng niu những người phụ nữ lắm nên họ xuất hiện trong tác phẩm của chị rất nhiều và gây xúc động?", tôi đặt câu hỏi cho nữ nhà văn.

Khẽ vuốt lọn tóc xòa xuống đuôi mắt, chị cười nhẹ nói: ''Đúng vậy bạn ạ! Ngay từ khi có ý thức, tôi đã bắt đầu quan sát những người phụ nữ xung quanh. Đặc biệt, bà nội là một tấm gương, một người thầy dạy cho tôi về bản lĩnh sống, sự gắng gỏi chiến đấu với mọi biến cố của cuộc sống. Có lần bà ốm nặng, hôn mê suốt 3 tháng trời trên giường bệnh nhưng đã kiên cường vượt qua, dốc sức chăm lo cho chồng con. Những người phụ nữ như thế xứng đáng được tôn vinh”.

Theo nhà văn Thùy Dương, làm người trong một thế giới biến động quả là khó khăn. Nhưng là đàn bà, nỗi khó khăn và khổ đau còn nhân lên gấp bội. Và chị viết về họ bằng sự trải nghiệm của mình, đào sâu vào những thân phận cùng giá trị nhân văn sâu sắc ở mỗi con người trong hoàn cảnh đặc biệt.

Bắt đầu mỗi trang viết, chị không có ý đồ chọn đề tài một cách cụ thể nhưng vẫn hiện lên những con người trong chiến tranh hay cuộc sống thường nhật với nhiều trăn trở. Các nhân vật qua ngòi bút của chị có hình hài, màu sắc đa dạng để lý giải cho những lát cắt cuộc sống mà nhà văn muốn tái hiện.

“Với Ngụ cư là thân phận con người trong lằn ranh giới của quá khứ và tương lai, trong nỗi buồn về sự “ngụ cư” trên trái đất này... Đúng thời khắc giao thừa giữa thế kỷ 20 và 21, tôi thấy điều gì đó dội lên trong tim, bắt mình phải cầm bút… Và thế là cuốn tiểu thuyết ra đời cùng 13 gia đình trong con ngõ nhỏ với đủ cung bậc ái-ố-hỉ-nộ, những điều tưởng như bình thường nhỏ nhoi nhưng đẹp và thương lắm!

Còn Thức giấc là khi tôi nhận ra qua những lầm lạc, khổ đau, giận dữ và yêu thương đều phải biết tỉnh thức. Như mỗi con người, mỗi cuộc đời và lớn hơn là mỗi quốc gia.

Nhân gian được thai nghén khi tôi ngồi trên tàu về quê chồng ở Bình Định, qua cửa sổ là những ngôi mộ trùng trùng trong nghĩa trang liệt sĩ. Những chàng trai ưu tú nhất đã nằm lại vĩnh viễn - còn chúng ta đã sống ra sao? Câu hỏi ấy khắc khoải và khiến mắt tôi mờ nước…

Vẫn nhân vật chính là đàn bà, Lạc lối kể về ba người bạn thân ở các lĩnh vực khác nhau. Cuộc đời họ đan xen, ảnh hưởng và có lúc làm tổn thương nhau. Rồi sau đổ vỡ, thất vọng và cả đau đớn - suy cho cùng, con người tranh giành, giẫm đạp lên nhau chạy đến một nơi nào đó tưởng là đến đích rồi lại ngỡ hóa ra không”, nữ nhà văn kể về những sáng tác của mình.

Chị tâm sự viết là một nhu cầu tự thân mặc dù sáng tác tiểu thuyết thực sự là công việc nặng nhọc, tựa như người lực điền trên cánh đồng văn chương. Nhưng chị nhất quyết không nản lòng dù dẫn ra câu chuyện nhói lòng với người cầm bút: “Nhiều lần quan sát ở hiệu sách, tôi thấy sách bán chạy là dạy kỹ năng sống, làm giàu, giới tính… Chúng ta chắc chắn rằng tinh hoa, trí tuệ của nhân loại đều nằm trong những trang sách và văn học luôn tác động tới phần thẳm sâu nhất trong tâm hồn mỗi người. Vậy văn chương trong áp lực của đời sống hiện đại sẽ khó khăn thế nào và tìm hướng đi ra sao?

Tôi luôn tâm niệm rằng: Yêu là không hối tiếc nên dù ít người đọc nhưng nhà văn vẫn miệt mài sáng tác như số phận bắt mình như vậy. Đó chính là "cuộc chiến" mà chúng ta phải tham dự để bảo vệ cái đẹp và tự do, góp phần làm cho nhân loại khoan dung hơn, mở rộng con đường đi đến điều thiện, thu hẹp con đường dẫn lối tới cái ác”, nữ nhà văn trải lòng.

Với câu hỏi: Một người đàn bà viết văn với tâm hồn, nhạy cảm và thấu hiểu, sự quan sát nhanh nhạy hay một nữ Tổng biên tập tờ báo gắn liền với thương trường yêu cầu sự nhạy bén, thức thời, chị có gặp khó khăn gì khi cùng lúc đóng hai vai này?, nhà văn Thùy Dương trả lời thật ngắn gọn: “Quan trọng nhất là con người”. Theo chị, khó khăn nhất khi làm quản lý là vấn đề con người, tổ chức bộ máy và sự gắn kết của mỗi cá nhân với tập thể.

Nhà văn Thùy Dương cũng trải qua 8 năm viết báo lăn lộn thực tế tại báo Hải Hưng (tên gọi cũ), sau đó làm biên tập viên, Trưởng phòng biên tập-phóng viên rồi Phó tổng biên tập báo Diễn đàn doanh nghiệp, hiện làm Tổng biên tập tạp chí Thương gia.

Với chị, văn chương và báo chí là hai con đường song hành, bổ khuyết cho nhau. Những nhà văn khi viết báo thường uyển chuyển, sâu sắc, biết cách đánh trúng tâm lý độc giả chứ không đơn thuần ào ạt đưa thông tin. Ngược lại, nếu sáng tác văn chương mà không thấu cảm đời sống sôi động và quyết liệt, thiếu cái nhìn sắc sảo với thông tin nhiều chiều của nhà báo cũng là điều đáng tiếc.

Kể về gia đình mình, nữ nhà văn thể hiện niềm hạnh phúc khi ông xã dù là dân kiến trúc làm doanh nghiệp nhưng lại mê văn chương, luôn ủng hộ vợ sáng tác cùng hai cô con gái thông minh, tình cảm: cô cả làm ở Ban Thế Giới - Thông tấn xã Việt Nam, cô út đang trợ giúp tờ báo của mẹ ở mảng quốc tế.

Khép lại buổi trò chuyện, nhà văn Thùy Dương tiết lộ về một tác phẩm mới đang viết được phân nửa về những con người với tính cách, số phận, biến cố được thể hiện rõ nét trong giai đoạn cả thế giới đối diện với đại dịch.

Linh Đan/Vietnamnet

Nguồn Znews: https://znews.vn/van-chuong-di-lien-voi-cai-dep-post1451557.html