Vận dụng quan điểm của Lênin đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới

Những quan điểm của Lênin về xây dựng Đảng có ý nghĩa hết sức to lớn và quan trọng đối với Đảng ta, thực sự là mặt trời soi sáng con đường cách mạng Việt Nam và công cuộc đổi mới đất nước, hướng đến xây dựng một xã hội hùng cường, thịnh vượng. Đây là nguyên tắc quý giá trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Việt Nam trong tình hình mới.

Lênin là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên thế giới, là ngôi sao dẫn đường cho chúng ta tiến đến mục đích cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, xây dựng một xã hội hạnh phúc, ấm no, công bằng, dân chủ, văn minh. Lênin để lại di sản đồ sộ các tác phẩm kinh điển, có giá trị vô cùng to lớn và toàn diện cả về lý luận và chỉ đạo thực tiễn; thể hiện rõ thái độ kiên quyết, bản lĩnh kiên cường, chống mọi sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chủ nghĩa, phủ nhận chủ nghĩa Mác; đồng thời, bảo vệ sự trong sáng và nguyên lý cách mạng đúng đắn của chủ nghĩa Mác.

Lênin đề ra những luận điểm nổi tiếng về chủ nghĩa đế quốc, lý luận cách mạng vô sản, lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội và xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, về liên minh công nông, vấn đề dân tộc và cách mạng thuộc địa, chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Ðể xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, Lênin yêu cầu cán bộ, đảng viên (CBĐV) phải nghiêm túc, thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình một cách trung thực, thẳng thắn, mang tính xây dựng. Ông khẳng định: Chính cuộc đấu tranh cách mạng đã tôi luyện nên những người cộng sản kiên cường. Chỉ có qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng giao phó, chỉ có hoạt động trong tổ chức của Đảng, chỉ có “Tắm mình trong phong trào quần chúng và sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình người CBĐV mới trưởng thành, được tôi luyện và có phẩm chất cao quý, tốt đẹp”.

Con đường Nguyễn Ái Quốc đến với Luận cương của Lênin hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, đó là hành động đáp ứng nhu cầu của lịch sử dân tộc và xu thế thời đại, một tất yếu lịch sử. Bác Hồ là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu chủ nghĩa Lênin và truyền bá vào nước ta. Người nói: “Chủ nghĩa Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái cẩm nang thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(1). Là học trò xuất sắc của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện nước ta, đặc biệt là lý luận cách mạng dân tộc và thuộc địa. Người tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam đưa đến sự ra đời của Đảng ta vào năm 1930.

93 năm qua, vận dụng tư tưởng của Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta lãnh đạo đất nước vượt qua bao gian nan, thử thách, làm nên những chiến công ngang tầm thời đại. Đó là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á; 30 năm tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giành độc lập, tự do, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ thực tiễn khách quan của công cuộc đổi mới đất nước 38 năm qua, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của mình, mở ra con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; gợi mở cho chúng ta một nguyên tắc có tính phương pháp luận trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và soi sáng khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, cường thịnh.

Trong thời kỳ mới, các thế lực thù địch đã tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta bằng các quan điểm sai trái thù địch; tuyên truyền, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta; bịa đặt, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước hòng tạo sự chia rẽ, mâu thuẫn trong nội bộ; bóp méo các chủ trương, chính sách, luật pháp; bày ra âm mưu xảo quyệt hòng thúc đẩy nhanh các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng, trong xã hội; tạo dựng thông tin sai sự thật làm cho người dân hoài nghi, giảm niềm tin với Đảng.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(2). Đây là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(3).

Qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta đều ban hành các nghị quyết, văn bản về xây dựng Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhằm lãnh, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng Đảng. Do vậy, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng lên, Đảng luôn vững vàng, có những quyết sách đúng đắn để xử lý kịp thời, hiệu quả.

Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, mỗi tổ chức Đảng, CBĐV phải tiếp bước và luôn kiên định, phát triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, chuẩn mực về tác phong, mỗi tổ chức Đảng, CBĐV, nhất là người đứng đầu cấp ủy; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong CBĐV và nhân dân, chủ động đấu tranh, phản bác thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch bôi nhọ, vu khống các lãnh tụ, lãnh đạo và nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng;... ./.

Ths.Nguyễn Thanh Hoàng

------------------------------------------------------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.563

(2),(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.33.

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/van-dung-quan-diem-cua-lenin-dau-tranh-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-trong-tinh-hinh-moi-a152655.html