Văn học là phương tiện chữa lành

LTS: Thật may cho những ai hiểu bản thân mình là ai và mong muốn điều gì vì họ tự chủ, dễ có cuộc sống an yên. Nhưng những ai không may phải đối mặt với những đau khổ, mất mát, căng thẳng, sự tổn thương trong đời… cũng không hẳn hoàn toàn tuyệt vọng bởi vẫn có cơ hội vượt qua. Tác giả Lê Hữu Huy trong bài viết của mình đã cho thấy một góc nhìn khác đáng chú ý về vai trò của văn học: một phương tiện chữa lành tâm lý con người.

Anh Thế Hà (Việt kiều Úc) cho biết: “Đây là lần thứ hai đến với Lễ hội đường sách năm nay. Ngày 11-2 vừa qua, tôi tình cờ đi ngang qua tuyến đường Lê Lợi nên ghé vào mua một số cuốn sách văn học Việt Nam. Sau khi thấy có nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn, tôi tiếp tục quay lại để mua thêm một số đầu sách về lịch sử, văn hóa Việt”.

Anh Thế Hà (Việt kiều Úc) cho biết: “Đây là lần thứ hai đến với Lễ hội đường sách năm nay. Ngày 11-2 vừa qua, tôi tình cờ đi ngang qua tuyến đường Lê Lợi nên ghé vào mua một số cuốn sách văn học Việt Nam. Sau khi thấy có nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn, tôi tiếp tục quay lại để mua thêm một số đầu sách về lịch sử, văn hóa Việt”.

Đọc sách có thể giúp cho con người vượt qua những nỗi đau, sự mất mát, buồn khổ, căng thẳng, lo lắng, tổn thương hay trở ngại trong quan hệ, vật vã về căn – giới tính và tình dục, thách thức do khuyết tật… Đó là chia sẻ của nữ tác giả người Anh Bijal Shah trong quyển sách “Bibliotherapy: The Healing Power of Reading” (tạm dịch: “Độc thư liệu pháp – Sức mạnh chữa lành của việc đọc”) vừa được xuất bản vào đầu năm nay.

Từng làm việc trong ngành ngân hàng và sau đó chuyển sang lĩnh vực tư vấn rồi trở thành nhà thơ, nhà báo tự do, tác giả cho biết bà tình cờ biết đến độc thư liệu pháp (ĐTLP) khi đang nghiên cứu về tư vấn tâm động học (psychodynamic). Văn học nhanh chóng chiếm vị trí trung tâm trong tất cả các buổi trị liệu và bà nhận thấy những thay đổi đáng chú ý ở những người được tư vấn.

ĐTLP là gì?

Lợi ích chữa bệnh từ việc đọc sách được biết đến từ nhiều thế kỷ nay nhưng thuật ngữ Bibliotherapy chỉ được tạo ra nhờ nhà văn viết tiểu luận người Mỹ Samuel Crothers vào năm 1916. Crothers tin rằng đọc tiểu thuyết có thể trở thành một hình thức trị liệu hợp lý và dễ tiếp cận hơn đối với một số bệnh nhân – thậm chí hoàn toàn thay thế phân tâm học, một hình thức điều trị tâm lý tiên phong đầu thế kỷ 20. Trong khi đó, với Sigmund Freud, người được coi là cha đẻ của phân tâm học, ĐTLP cũng có thể là công cụ hữu ích trong điều trị tâm lý vì đây là cách để bệnh nhân khám phá những ham muốn và động cơ vô thức của họ.

Theo định nghĩa của bà Shah, ĐTLP là một phương pháp tận dụng sức mạnh của những câu chuyện để giúp con người tự chữa lành các bệnh về tâm lý. Sự kỳ diệu của nó nằm ở mối quan hệ được hình thành giữa người đọc và văn bản, và sự phản ánh suy nghĩ, cảm xúc, quan sát và bài học mà nội dung văn bản gợi lên, thông qua việc viết nhật ký hàng ngày hoặc được tư vấn. Bà tiết lộ rằng viết nhật ký và các kỹ thuật trị liệu bằng ĐTLP đã trở thành bộ công cụ hành nghề của bà.

Theo bà Shah, thông qua văn học, bạn không bao giờ giữ cảm xúc của mình một cách trực tiếp mà quan sát chúng ở người khác và cảm thấy như có người khác gánh nỗi đau của bạn. Bạn được văn học nâng đỡ và đồng cảm. Sự an toàn khi có ai đó cảm nhận và đồng hành với những cảm xúc khó khăn mà bạn phải đối mặt và vượt qua sẽ giúp bạn thay đổi và chỉ bằng cách cảm nhận nỗi đau, bạn mới có thể được giải thoát.

Cũng theo bà Shah, ĐTLP mang đến một chiều hướng bổ sung cho việc chữa lành tâm lý khi giúp con người tiếp cận gần như lập tức vào tâm trí vô thức thông qua tưởng tượng. Những dòng chữ của tác giả trong một quyển sách không chỉ “nói chuyện” mà còn đưa con người vào hành trình kỳ diệu của sâu thẳm vô thức, ghé thăm những ngóc ngách trong tâm trí mà chúng ta đã bỏ quên trong nhiều năm, hoặc bắt gặp những không gian và ham muốn mà con người chưa từng biết đến.

Văn học chữa lành bằng cách nào?

Phương pháp liên tưởng tự do (free association) của Freud, tức là tự do chia sẻ suy nghĩ, lời nói và bất cứ điều gì khác xuất hiện trong đầu theo liệu pháp trò chuyện (talk therapy) được tự động kích hoạt trong ĐTLP. Văn học kích thích tâm trí, khám phá và kết nối lại những ký ức đã bị lãng quên thông qua nhân vật, tình huống mà bệnh nhân tìm thấy chính mình, và – hoặc thông qua bài viết của tác giả mà không cần nhà tư vấn.

Ngoài ra, các phương pháp, như viết nhật ký, viết thư hoặc sáng tác, cho phép người bệnh xử lý các quan sát, suy ngẫm hoặc cảm giác nảy sinh. Quy trình này có thể hiệu quả hơn liệu pháp trò chuyện và cho phép bệnh nhân tự do thể hiện và xử lý cảm xúc, suy nghĩ sâu kín nhất của mình.

Theo Tiến sĩ Caroline Shrodes, một trong những chuyên gia đi tiên phong về ĐTLP, người đọc sẽ trải qua “cú sốc nhận biết” khi nhìn thấy chính mình hoặc những người thân thiết, trong một câu chuyện, tác phẩm. Shrodes tin rằng tác giả tạo ra một thực tế thay thế, mô phỏng, trông giống đến mức cảm xúc của người đọc được truyền tải trong thực tế này, tạo cơ hội cho cả quan sát và suy ngẫm với những góc nhìn, hiểu biết và cái nhìn thấu đáo mới.

Dựa trên liệu pháp truyền thống, Shrodes đưa ra ba tiêu chí để một văn bản có thể chữa lành. (Xem sơ đồ 1). Theo đó, người đọc sẽ chấp nhận sự kết nối và đồng cảm, loại bỏ những khuôn mẫu lặp đi lặp lại để thay vào đó cách nhìn mới về thế giới. Những thay đổi về quan điểm giúp người đọc tìm ra đâu là hành trang cá nhân và đâu là những gì mình đang giữ cho người khác.

Khác biệt giữa ĐTLP và liệu pháp truyền thống

Trong liệu pháp truyền thống, sự chuyển giao (transference) cho phép bệnh nhân nhìn thấy mối liên hệ giữa những cảm giác bị kìm nén trước đó và sự tái diễn sau này của chúng trong mối quan hệ giữa nhà tư vấn và khách hàng. Quan điểm hoặc cái nhìn sâu sắc mới mà họ có được sẽ giải phóng họ khỏi những cảm xúc bị kìm nén này. Trong khi đó, trong ĐTLP, sự chuyển giao xảy ra khi người đọc đồng cảm với một nhân vật hay tình huống nào đó được trình bày trong một câu chuyện gây ra phản ứng cảm xúc.

Bà Shah chia sẻ trải nghiệm với một khách hàng tên là Lucy khi cô này bày tỏ sự tức giận với Daisy Buchanan, một nhân vật chính trong cuốn “Đại gia Gatsby” (The Great Gatsby) của nhà văn người Mỹ F. Scott Fitzgerald. Khi được bà Shah giúp khám phá cảm xúc, Lucy nhận ra rằng cô đang tỏ thái độ thù địch với mẹ mình giống như với Daisy. Việc thẩm vấn sâu hơn về phản ứng của Lucy với nhân vật trong tác phẩm giúp cô hiểu rằng mẹ mình không hoàn hảo. Và mặc dù phẫn nộ với nỗi ám ảnh của mẹ về giàu có và địa vị, Lucy cũng có thể trân trọng cống hiến của bà dành cho con cái. Nhận thức của Lucy đã cho phép cô nhìn mẹ mình từ một góc nhìn mới và chấp nhận con người của bà – phần tốt và phần kém tốt hơn. Và như vậy, Lucy đã được giải phóng khỏi những cảm xúc mâu thuẫn của cô đối với mẹ.

Bà Shah đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta lại cảm thấy sợ hãi, tức giận hoặc tội lỗi? Có điều gì đó trong quá khứ hoặc hiện tại khiến chúng ta thể hiện những cảm xúc này lên trang giấy không? Đó có phải là điều chúng ta cần giải quyết không? Tất cả những cảm xúc này cần được khám phá sâu hơn thay vì bỏ qua hoặc từ chối. Để có thể ngồi lại với những cảm xúc khó chịu và xử lý chúng, cho dù chúng có đau đớn đến đâu, đã là một nửa công việc trong cả trị liệu tâm lý và ĐTLP. Chỉ khi đó, sự tự nhận thức về bản thân có thể thay đổi cuộc sống cũng như cảm giác tự do và tự chủ mới xuất hiện.

Bà Shah dẫn lời của Tiến sĩ Murray Bowen, nhà tâm lý học người Mỹ cũng là tác giả của lý thuyết hệ thống tâm lý gia đình: “Thà trở thành đồng minh còn hơn là kẻ thù của cảm xúc. Để thoát khỏi những phóng chiếu rắc rối, con người phải nhận thức được chúng”. Về bản chất, để thực sự tìm thấy sự tự do về mặt cảm xúc, chúng ta phải cho phép bản thân trải nghiệm một cách trọn vẹn, thay vì chôn vùi hay chối bỏ chúng và văn học cho chúng ta cơ hội làm điều này.

Lợi ích của ĐTLP

So với các phương pháp khác, ĐTLP có tác động kép khi giúp người đọc vừa là người ngoài cuộc vừa là người trong cuộc, vừa tưởng tượng vừa thực tế. Bằng cách đối mặt và hiểu được quan điểm của một nhân vật/tác giả, người đọc có thể nhận ra sự bất ổn/hạnh phúc của họ trong chính mình. Các nhân vật phụ có thể nhắc nhở người đọc về những cá nhân trong cuộc sống mà trước đây người đọc chưa từng đánh giá cao hoặc hiểu rõ, và việc khám phá động cơ của họ thông qua văn học có thể mang lại niềm an ủi sảng khoái và giúp người đọc chấp nhận sự không hoàn hảo của bản thân. Đôi khi, trải nghiệm một cảm xúc mới mà người đọc nhận ra bằng trực giác thông qua trải nghiệm của nhân vật có thể khơi dậy những cảm xúc cũ gắn liền với một ký ức khó khăn hoặc trải nghiệm mâu thuẫn, mời gọi một góc nhìn mới hay gợi mở cách giải quyết.

Một công trình nghiên cứu của Đại học bang Ohio, Mỹ cho thấy việc “đánh mất chính mình” trong thế giới của nhân vật được hư cấu có thể dẫn đến sự thay đổi thực sự trong hành vi của chính người đọc. Việc đọc sẽ tham gia vào quá trình “tiếp thu trải nghiệm”, tức là “tưởng tượng việc tự nhận ra danh tính của một nhân vật trong một câu chuyện và mô phỏng suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật đó, hành vi, mục tiêu và đặc điểm như thể chúng là của riêng mình”.

Người đọc buộc phải hòa mình hoàn toàn vào nhân vật để tạm thời tiếp nhận danh tính và thế giới quan của nhân vật. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng câu chuyện ở ngôi thứ nhất có tác động mạnh mẽ hơn nhiều trong việc khiến sự thay đổi này chuyển sang lấy trải nghiệm so với câu chuyện ở ngôi thứ ba. Một số lợi ích của ĐTLP có thể được tổng hợp trong sơ đồ 2.

Thực hành ĐTLP và thách thức từ việc đọc

Giống như các phương pháp thông thường, để bất kỳ quá trình trị liệu nào diễn ra, khách hàng phải cảm thấy an toàn, tin tưởng và kết nối nhưng ĐTLP lại có những điểm đặc thù (Xem sơ đồ 3).

Theo bà Shah, ngay cả những khách hàng “phòng thủ” nhất – tức là những người hay phản đối các hình thức tư vấn và trị liệu thông thường, cũng tỏ ra cởi mở hơn khi được văn học tác động. Các nghiên cứu về “phong cách gắn bó” (attachment style) trong tâm lý học đã chỉ ra rằng ĐTLP trên thực tế có thể đặc biệt hữu ích cho những ai có phong cách “né tránh” (avoidant).

Phong cách gắn bó là cách mọi người hình thành và duy trì kết nối cảm xúc với người khác. Có bốn kiểu gắn bó chính là: a) “An toàn” – Thoải mái với sự thân mật, tìm kiếm mối quan hệ thân thiết; b) “Lo lắng” – Quá độc lập với đối phương, lo lắng về việc bị từ chối hoặc bị bỏ rơi; c) “Né tránh” – Mong muốn độc lập và tự chủ mạnh mẽ, ít tin tưởng người khác hơn và tránh sự thân mật trong tình cảm; và d) “Hỗn hợp” – Kết hợp giữa “lo lắng” và “né tránh”, muốn thân mật nhưng cũng không thể tin tưởng người khác, sợ bị từ chối hoặc bị bỏ rơi. Kinh nghiệm của bà Shah cho thấy ĐTLP phù hợp với người có phong cách “né tránh” vì qua đó họ có thể tự giúp bản thân mà không nhất thiết cần chuyên gia tâm lý trợ giúp.

Trong một buổi tư vấn ĐTLP đặc thù, bà Shah sẽ bắt đầu bằng việc đọc một văn bản và đưa ra một số câu hỏi đã chuẩn bị trước như: “Điều gì khiến bạn muốn điều trị tâm lý và bạn muốn khám phá điều gì? Sở thích và thói quen đọc của bạn như thế nào? Bạn có bao nhiêu thời gian để đọc? Bạn thích đọc sách bìa cứng, bìa mềm hay phiên bản điện tử? Thể loại, sách và tác giả yêu thích của bạn là gì?”. Bà Shah cũng sẽ đặt những câu hỏi chung để hiểu rõ hơn về đối tượng cần điều trị và sau đó tìm ra một danh sách văn bản/tác phẩm phù hợp.

Khách hàng có thể chọn một hoặc hai cuốn sách từ danh sách này để đọc và viết nhật ký văn học (literary journaling) giữa các buổi học. Nhật ký bao gồm việc ghi lại bất kỳ suy nghĩ hoặc khoảnh khắc tự suy ngẫm nào được gợi lên khi đọc. Các mục nhật ký của người này sau đó được chia sẻ với bà Shah, giữa các buổi học hoặc trong buổi học. Quy trình trị liệu không dừng lại sau khi khách hàng chia tay nhà tư vấn. Trong các phiên tiếp theo, khách hàng được giới thiệu các kỹ thuật khác như viết thư, tiểu luận hoặc thơ, cũng như viết sáng tạo không có cấu trúc, trị liệu tự sự (narrative therapy) và thực hành chiêm nghiệm văn học (literary reflective practices).

Văn bản sử dụng trong ĐTLP có thể là hư cấu hoặc phi hư cấu, hay có nhiều hình thức, từ tiểu thuyết đến thơ, từ sách đến hồi ký, từ sách self-help đến tiểu luận. Mặc dù tác phẩm hư cấu có xu hướng khiến người đọc cảm động hơn, một số tác phẩm phi hư cấu – đặc biệt là tự sự như hồi ký và tiểu sử – cũng có tác động tương tự. Khi suy ngẫm, người đọc nhận ra rằng có những cuốn sách mà mình không kết nối được nhưng bà Shah cho rằng như vậy cũng không sao. Đôi khi chủ đề của sách có thể gây tò mò nhưng nếu người đọc không có nhiều thời gian, bà sẽ gợi ý một truyện ngắn hoặc bài luận, điều gì đó họ có thể đọc xong chỉ một mạch. Việc giới thiệu một chủ đề khác có thể mang đến góc nhìn mới giúp người đọc có thể tự suy ngẫm sâu hơn.

Nhưng thách thức lớn nhất của bà Shah là làm sao giúp khách hàng đọc. Một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà khách hàng hỏi bà là: “Làm cách nào để kết hợp việc đọc sách vào cuộc sống bận rộn của tôi?”. Bà Shah cho rằng đối tượng muốn tham gia ĐTLP phải có cam kết hàng ngày, giống như đánh răng rửa mặt vậy.

Bà tâm sự: “Đọc là hiểu biết về chính mình, về nhân loại và về thế giới rộng lớn hơn. Đọc sách vừa chữa lành vừa mang lại niềm vui. Nó đặt chúng ta vào thực tế nhưng cũng khiến chúng ta đắm chìm trong tưởng tượng. Nó cho phép chúng ta khám phá những đỉnh cao của trí tưởng tượng cũng như chiều sâu của nỗi buồn và bất hạnh. Nó đóng vai trò như một tấm gương, thể hiện bản thân của chúng ta, nó cũng đưa chúng ta xuống những hố sâu, trở thành ân huệ cứu rỗi khi thử thách trong cuộc sống trở nên quá nhiều. Nó cung cấp kết nối xã hội thông qua các nhân vật phong phú và đa dạng khi chúng ta cần nó nhất, nhưng cũng mang đến cho chúng ta một không gian yên tĩnh khi chúng ta đang tìm kiếm những đồng cỏ vắng vẻ hơn”.

Vấn đề đặt ra là bạn sẽ tận dụng lợi ích của việc đọc sách trong cuộc đời mình như thế nào và liệu chúng ta có sẵn sàng đón nhận tất cả những gì việc đọc có thể mang lại: từ sự khám phá bản thân đến sự thay đổi và hạnh phúc cá nhân, bằng cách dành ưu tiên cho những cuốn sách mang lại giá trị, sự thích thú và ý nghĩa.

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

Lê Hữu Huy(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/van-hoc-la-phuong-tien-chua-lanh/