Vào mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024

Mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024, trên địa bàn Đồng Nai đã và đang tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, góp phần phục dựng, duy trì, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, các tập tục tốt đẹp của dân tộc.

Đông đảo người dân đến chùa Ông (TP.Biên Hòa) vào chiều mùng 4 Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: L.NA

Đông đảo người dân đến chùa Ông (TP.Biên Hòa) vào chiều mùng 4 Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: L.NA

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội được ngành VH-TTDL, ban quý tế các đình, chùa thực hiện nghiêm túc, bảo đảm nơi diễn ra lễ hội vui tươi, an toàn, tiết kiệm, đúng truyền thống.

* Nhiều lễ hội được tổ chức

Mở đầu cho mùa lễ hội năm 2024 là lễ hội Lồng tồng (lễ hội Xuống đồng) của đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Thái, Dao… sinh sống tại ấp 8, xã Thanh Sơn (H.Định Quán).

Bà Hoàng Thị Huyên, Đội trưởng Đội Hát then đàn tính ấp 8, xã Thanh Sơn cho biết, lễ hội Lồng tồng năm nay diễn ra vào ngày 8 tháng Giêng. Đây là lễ hội được đồng bào các dân tộc ở địa phương chờ mong nhất trong năm với mong ước cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Xuân Giáp Thìn 2024, tại TP.Biên Hòa sẽ diễn ra lễ hội chùa Ông (Thất phủ cổ miếu) từ ngày 18 đến 22-2 (từ mùng 9 đến 13 tháng Giêng) với nhiều hoạt động phong phú. Phần lễ sẽ diễn ra nhiều nghi thức như: lễ nghinh thần, lễ thả phúc khí cầu, thả hoa đăng trên sông Đồng Nai. Phần hội có triển lãm tranh thư pháp - thư họa; biểu diễn lân - sư - rồng, đờn ca tài tử Nam bộ, tham quan tìm hiểu một số di tích lịch sử, văn hóa…

Quyền Trưởng ban Trị sự Thất phủ cổ miếu Huỳnh Hữu Nghĩa cho hay, lễ hội chùa Ông năm nay được tổ chức quy mô hơn với sự tham dự của nhiều đoàn khách đến từ các địa phương và nhiều quốc gia đến tham quan, tìm hiểu về lễ hội. Qua lễ hội góp phần tạo không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng không chỉ cho cộng đồng người Hoa, mà cho tất cả nhân dân.

Theo Phòng Văn hóa - thông tin H.Vĩnh Cửu, hàng năm địa phương tổ chức các lễ hội như: Sayangva của đồng bào dân tộc Chơro xã Phú Lý (tháng 3 âm lịch); lễ hội truyền thống tại đình Phú Trạch, xã Thạnh Phú; đình Long Chiến, xã Bình Lợi; đình Cẩm Vĩnh, xã Tân Bình (từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch)… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong tổ chức lễ hội là việc huy động xã hội hóa. Bởi vậy, nhiều hoạt động lễ hội còn hạn chế về quy mô và số lượng quy tụ người tham gia. Ngoài ra, các đội tế (nam, nữ) hiện tuổi đã cao, trong khi người trẻ phải đi làm ở các công ty nên ít có người kế nghiệp để tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các lễ hội.

Sở VH-TTDL đã có văn bản gửi các sở, ngành, đơn vị, địa phương, ban quản lý, ban trị sự các di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh về việc triển khai Thông tư số 04-2023/TT-BTC về việc hướng dẫn, quản lý thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Sở đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện thông tư, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh (qua Sở VH-TTDL) để được xem xét, giải quyết.

* Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Nhằm tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024, Sở VH-TTDL đã có hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức lễ hội đến các ban quản lý, ban trị sự, ban quý tế các di tích đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các di tích thường xuyên tổ chức lễ hội, có đông nhân dân, du khách tham gia như: đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông (Thất phủ cổ miếu), núi Chứa Chan, miếu Tổ Sư, Văn miếu Trấn Biên, chùa Đại Giác, đình Phước Thiền… đảm bảo thực hiện theo đúng quy định; giữ gìn, bảo quản hiện vật, phòng chống kẻ gian lợi dụng lễ hội đông người trộm cắp tài sản, hiện vật tại di tích.

Theo Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan, tại các di tích diễn ra lễ hội đều bố trí người trực hướng dẫn, đón tiếp khách tham quan di tích, tham dự lễ hội; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ, tiền công đức, cúng dường tại các lễ hội và nơi thờ tự đúng nơi quy định. Tuyên truyền đến các tổ chức, người dân không đốt pháo nổ, vàng mã tại lễ hội và các di tích trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, tiết kiệm, giữ gìn môi trường trong lành.

Múa rồng tại chùa Ông (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) mùng 3 Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Vĩnh Huy

Múa rồng tại chùa Ông (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) mùng 3 Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Vĩnh Huy

“Thanh tra Sở VH-TTDL sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024. Thường xuyên kiểm tra, không để các hoạt động mê tín dị đoan, tranh giành, đeo bám du khách tại các di tích và địa điểm tổ chức lễ hội. Qua đó đảm bảo phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc” - Giám đốc Sở
VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan cho biết.

Cùng với tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội, các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống đến các xã, phường, thị trấn. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của Ban tổ chức lễ hội, người dân và du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội, đảm bảo việc tổ chức lễ hội tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202402/vao-mua-le-hoi-xuan-giap-thin-2024-48d3edf/