Vật liệu xây dựng tăng giá, người dân, doanh nghiệp gặp khó

Từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng như: Sắt, thép, xi măng, cát, đá... liên tục tăng giá, khiến người dân xây dựng nhà ở, doanh nghiệp thi công các công trình gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công trình, nhất là nguồn vốn đầu tư. Nhiều nhà đầu tư lùi thời gian hoặc tạm ngừng thi công công trình để chờ giảm giá vật liệu. Vì vậy, lượng vật liệu tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng cũng giảm mạnh.

Giá sắt thép tăng cao, sức mua giảm, các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng cũng giảm doanh thu.

Giá sắt thép tăng cao, sức mua giảm, các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng cũng giảm doanh thu.

Tại Doanh nghiệp tư nhân Thanh Hà, đường Hoàng Quốc Việt, chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, anh Lường Văn Thanh, Giám đốc, cho biết: Doanh nghiệp buôn bán vật liệu xây dựng nhiều năm, nhưng chưa bao giờ giá vật liệu xây dựng tăng đột biến như năm nay. Trong đó, sắt, thép là mặt hàng tăng mạnh nhất từ 40-45%. Thời điểm này năm ngoái, doanh thu của doanh nghiệp trung bình gần 1 tỷ đồng/tháng, nhưng hiện tại chúng tôi chỉ bán được khoảng 100 triệu đồng/tháng, không đủ chi phí cho nhân công và lãi suất vay vốn của ngân hàng.

Thời điểm này, sắt Tisco của Thái Nguyên, loại sắt được người xây dựng ưa chuộng nhất, giá sắt cuộn (phi 6) giao động từ 20-21 triệu đồng/tấn (tăng 6-7 triệu đồng/tấn so với đầu năm); thép cây phi 14 giá 285.000 đồng/cây; phi 16 giá 367.000 đồng/cây; phi 18 giá 472.000 đồng/cây. Các loại vật liệu khác, như: Cát, đá, xi măng cũng đồng loạt tăng. Trong đó, giá giao tại kho loại xi măng Bỉm Sơn là 1,58 triệu đồng/tấn; Bút Sơn 1,4 triệu đồng/tấn; Vissai Ninh Bình 1,2 triệu đồng/tấn; Mai Sơn hơn 1 triệu đồng/tấn (đều tăng từ 30-40 nghìn đồng/tấn). Cát, đá 1x2 cũng tăng từ 35-40 nghìn đồng/m³; có thời điểm cát đổ bê tông có giá 650 nghìn đồng/m³ (tăng hơn 85%).

Ông Nguyễn Văn Khải, khu đô thị kè suối Nậm La (Thành phố), đang xây dựng nhà ở, cho biết: Việc chuẩn bị vật liệu xây dựng đã được gia đình đặt mua từ đầu năm, khi đó giá chưa tăng. Nếu như ngôi nhà 3 tầng của gia đình tôi dự kiến khoảng 6 tấn thép, mua từ đầu năm chỉ khoảng 85 triệu đồng, bây giờ mua sẽ khoảng 120 triệu đồng. Như vậy, tính riêng vật liệu sắt, gia đình tôi đã tiết kiệm được 35 triệu đồng. Nếu tính tổng số tiền vật liệu xây dựng, gia đình tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng từ chênh lệch giá.

Vật liệu xây dựng tăng giá, không chỉ người dân lo lắng, mà các doanh nghiệp, chủ đầu tư các công trình xây dựng cũng gặp không ít khó khăn, do chi phí giá thành tăng cao, làm giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Anh Hoàng Quốc Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và xây dựng Sông Lam, cho hay: Hiện nay, hầu hết các công trình của Công ty đang trong giai đoạn thi công, việc tăng giá các loại vật liệu xây dựng kéo theo chi phí nhân công và các khoản chi phí khác cũng tăng theo, khiến công trình đội vốn lên rất cao, nên chúng tôi thi công cầm chừng, hoặc lùi tiến độ, điều chỉnh lại các hạng mục và đàm phán với các nhà cung cấp vật liệu để giảm giá thành phù hợp, không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Nói về việc tăng giá của sắt thép xây dựng, ông Lường Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Sơn La, cho biết: Theo quy định tại Luật Giá, mặt hàng thép xây dựng không nằm trong danh mục các mặt hàng Nhà nước định giá, bình ổn giá, đây là mặt hàng doanh nghiệp tự định giá. Tuy nhiên, chúng tôi đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra thị trường vật liệu xây dựng, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng lợi dụng đầu cơ sắt thép xây dựng; vận chuyển hàng sắt thép không có hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa... Đồng thời, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền nghiên cứu điều chỉnh, cân đối cung ứng sản phẩm sắt thép trên thị trường, để ổn định sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng.

Còn ông Hà Ngọc Chung, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Qua rà soát trên địa bàn toàn tỉnh, đến ngày 20/5/2021, có 19 dự án ảnh hưởng do biến động giá thép. Trước tình hình đó, Sở Xây dựng đã tham mưu với UBND tỉnh, kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương sớm có giải pháp cụ thể để bình ổn giá thép; cho phép điều chỉnh theo tiến độ thực hiện dự án và hướng dẫn điều chỉnh đối với biến động giá thép, các sản phẩm để gia công chế tạo từ thép. Đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng để tổ chức Lập chỉ số giá xây dựng, phản ánh mức độ biến động của giá xây dựng theo thời gian, làm cơ sở xác định, điều chỉnh sơ bộ mức độ biến động của giá xây dựng theo thời gian và xác định, điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, dự án xây dựng, giá gói thầu xây dựng, giá hợp đồng xây dựng, quy đổi vốn đầu tư xây dựng công trình và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, trong thời gian tới, giá vật liệu xây dựng vẫn ở mức cao. Cùng với đó, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, vì vậy doanh nghiệp bán buôn vật liệu xây dựng, các chủ thầu, nhà đầu tư và người dân phải chủ động các biện pháp khắc phục, để không ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình.

Minh Tuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/vat-lieu-xay-dung-tang-gia-nguoi-dan-doanh-nghiep-gap-kho-40590