Vì sao có lòng đỏ trứng trong bức tranh Mona Lisa

Chỉ một lượng lòng đỏ trứng rất nhỏ cũng có thể đem đến thay đổi ngoạn mục cho tranh sơn dầu.

 Các danh họa dùng lòng đỏ đều có ý đồ. Ảnh: Dnevni Puls.

Các danh họa dùng lòng đỏ đều có ý đồ. Ảnh: Dnevni Puls.

Theo nghiên cứu công bố ngày 28/3 trên tạp chí Nature Communications, những danh họa nổi tiếng thế giới như Leonardo da Vinci, Sandro Botticelli hay Rembrandt có thể đã sử dụng protein, đặc biệt lòng đỏ trứng trong các bức tranh sơn dầu huyền thoại của mình.

Cụ thể, một lượng protein còn sót lại đã được phát hiện trong các tác phẩm sơn dầu từ lâu nhưng luôn bị nhầm lẫn là vết bẩn. Tuy nhiên, nghiên cứu trên Nature Communications mới đây đã bất ngờ kết luận rằng sự xuất hiện của lòng đỏ trứng trong các bức tranh này đều có ý đồ.

Thành phần bí mật trong các bức họa nổi tiếng thời Phục Hưng

Nghệ nhân thời Ai Cập cổ đại thường sử dụng màu keo (tempera), kết hợp lòng đỏ trứng với bột màu và nước. Nhưng tranh sơn dầu thời Phục Hưng lại có ưu điểm rõ rệt hơn so với cách làm cũ khi cho ra màu sắc đậm hơn, giúp các danh họa có những mảng màu chuyển đổi mượt mà hơn.

Bên cạnh đó, sơn dầu cũng khô nhanh hơn, giúp các bức tranh có thể hoàn thiện nhanh chóng chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên, do sử dụng dầu hạt lanh hoặc dầu rum thay vì nước nên sơn dầu cũng tồn tại nhược điểm như dễ bị sẫm màu hơn qua thời gian và nhanh hư hỏng nếu tiếp xúc với ánh sáng.

 Lòng đỏ trứng là nguyên liệu bí mật trong các bức tranh Phục Hưng. Ảnh: Reuters.

Lòng đỏ trứng là nguyên liệu bí mật trong các bức tranh Phục Hưng. Ảnh: Reuters.

Do đó, các nhà khoa học cho rằng các danh họa thời Phục Hưng có thể đã sử dụng lòng đỏ trứng trong thể loại tranh mới. Để chứng minh quan điểm này, họ đã thử nghiệm vẽ tranh bằng 4 nguyên liệu bao gồm lòng đỏ, nước cất, dầu hạt lanh và bột màu để tạo ra 2 màu sắc phổ biến nhất là trắng chì và xanh biển.

“Thêm lòng đỏ trứng giúp đặc tính của tranh sơn dầu thay đổi ngoạn mục”, nhà khoa học Ranquet cho biết. Trên thực tế, các tác phẩm có dùng lòng đỏ trứng sẽ lâu bị oxy hóa hơn vì lòng đỏ có chứa chất chống oxy hóa.

Bên cạnh đó, phản ứng hóa học của dầu hạt lanh và protein trong lòng đỏ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến độ nhớt của tranh sơn dầu. Đơn cử như sắc tố trắng thường nhạy cảm với độ ẩm nhưng nếu phủ lớp bột màu này bằng protein, khả năng chịu ẩm sẽ được cải thiện và dễ tô lên tranh hơn.

Mặt khác, nếu họa sĩ muốn dùng ít màu sơn hơn mà vẫn đảm bảo được độ dày cho lớp sơn, một ít lòng đỏ trứng sẽ là giải pháp đơn giản nhất. Kỹ thuật này rất hữu ích bởi ở thời kỳ đó, các danh họa đều cố hạn chế dùng bột màu bởi một số màu đặc thù như xanh biển phải dùng ngọc lưu ly, có giá còn đắt hơn vàng.

Leonardo da Vinci cũng dùng lòng đỏ trứng gà để vẽ tranh

Bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy các danh họa thời Phục Hưng sử dụng lòng đỏ trứng trong tranh sơn dầu là tác phẩm "Madonna of Carnation" (Đức Mẹ và hoa cẩm chướng) của Leonardo da Vinci hiện được trưng bày tại Bảo tàng Alte Pinakothek ở Munich, Đức. Bức tranh này cho thấy nếp nhăn hiện rõ trên khuôn mặt của Đức mẹ Maria và đứa bé.

Trong bài nghiên cứu, các nhà khoa học cho biết phần sơn dầu bắt đầu khô dần từ bề mặt ngoài và trong, sau đó dần tạo thành vết nhăn. Một nguyên nhân khác khiến màng sơn bị nhăn có thể là do lượng bột màu trong sơn không đủ.

 Tác phẩm Madonna of Carnation

Tác phẩm Madonna of Carnation

Các nhà khoa học cho rằng vấn đề này hoàn toàn có thể được giải quyết chỉ với một ít lòng đỏ trứng. “Điều thú vị là cùng một lượng màu sơn nhưng lòng đỏ trứng sẽ thay đổi toàn bộ”, nhà nghiên cứu Ranquet cho biết.

Bên cạnh đó, quá trình hình thành nếp nhăn phải mất nhiều ngày để diễn ra nên Leonardo da Vinci và các danh họa thời Phục Hưng có lẽ đã nhận ra hiệu ứng này. Vì thế, họ sử dụng lòng đỏ trứng trong tranh sơn dầu để cải thiện khả năng chịu ẩm. Theo CNN, thời điểm tác phẩm "Madonna of Carnation" ra đời cũng là lúc Leonardo khởi đầu sự nghiệp và đang cố gắng làm chủ loại hình tranh sơn dầu này.

Trong khi nghiên cứu, các nhà khoa học cũng chú ý đến một tác phẩm khác là “The Lamentation Over the Dead Christ” (Sự than khóc bên xác Chúa) của họa sĩ người Italy Sandro Botticelli. Tác phẩm chủ yếu được vẽ bằng màu keo nhưng họa sĩ đã dùng sơn dầu cho nền và một số phần phụ.

“Chúng tôi đã phát hiện protein trong một số vệt màu. Nhưng vì số lượng quá ít và khó phát hiện nên chúng thường bị bỏ qua hoặc hiểu nhầm là vết bẩn”, nhà khoa học Ranquet chia sẻ. Tuy nhiên, vì thêm lòng đỏ trứng sẽ tạo hiệu ứng rất lớn lên tranh sơn dầu nên chúng thường được sử dụng với số lượng rất ít. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận sự xuất hiện của protein trong tác phẩm có thể là chủ ý từ đầu của họa sĩ.

Nghiên cứu đã thay đổi hiểu biết trước đây của nhân loại về quá trình các danh họa thời Phục Hưng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Tác giả bài nghiên cứu ông Ophélie Ranquet, đồng thời là nhà khoa học ở Viện Công nghệ ở Đức, chia sẻ, có rất ít nguồn tài liệu ghi chép về vấn đề này và cũng không có nghiên cứu khoa học đào sâu về nó.

Do đó, ông khẳng định nghiên cứu của ông đã cho thấy chỉ với một lượng lòng đỏ trứng nhỏ, các danh họađã hoàn toàn có thể đạt đến cấu trúc hoàn hảo trong tranh sơn dầu.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tim-thay-long-do-trung-trong-buc-tranh-mona-lisa-post1417606.html