Vì sao công nhân Pháp phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu?

Hàng trăm ngàn người đã đổ ra đường ở Pháp trong ngày tổng đình công toàn quốc lần thứ 11 để phản đối đạo luật cải cách lương hưu, quy định nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64. Tại sao công chúng Pháp lại phản ứng dữ dội đối với đối với kế hoạch vốn vô cùng tâm huyết của Tổng thống Emmanuel Macron đến như vậy?

Người dân Pháp xuống đường biểu tình ở Lille hôm 7.4. Ảnh: AFP

Người dân Pháp xuống đường biểu tình ở Lille hôm 7.4. Ảnh: AFP

Hội đồng Bảo hiến – cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm xem xét các phán quyết về Hiến pháp, đang xem xét liệu quá trình thông qua dự luật này có hợp hiến hay không. Cơ quan này sẽ đưa ra phán quyết vào tuần tới, và các đối thủ của ông Macron hy vọng Hội đồng sẽ bác bỏ dự luật.

Trong xu hướng già hóa dân số như hiện nay, ở nhiều nước, việc tăng tuổi nghỉ hưu lên hai năm sẽ không khiến quốc gia rơi vào tình trạng hỗn loạn như vậy. Nhưng công chúng Pháp hoàn toàn phản đối kế hoạch cải cách lương hưu, và các cuộc biểu tình không ngừng được tổ chức từ khi dự luật được đề xuất, đã biến thành công phẫn đối với phong cách lãnh đạo của ông Macron.

Lý lẽ của người dân

Những đống rác lên tới 10.000 tấn chất đống trên đường phố Paris trong cuộc đình công kéo dài hàng tuần của các công nhân vệ sinh phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu của họ từ 57 lên 59. Những người lao động trong các lĩnh vực nặng nhọc đặc biệt phản đối quy định này vì cho rằng công việc của họ vô cùng vất vả.

Nhiều chính phủ ở các nước phát triển cũng ở trong tình trạng tương tự. Tỷ lệ sinh giảm trong khi người dân sống thọ hơn, thuốc men tốt hơn và chi phí phúc lợi cao hơn đã tạo áp lực đối với các khoản phúc lợi xã hội. Các nước buộc phải tìm cách cân bằng ngân sách bằng việc cắt giảm trợ cấp, đặc biệt là ở các quốc gia có mức an sinh xã hội hào phóng như Pháp, điều này khiến chính quyền gặp rủi ro. Tuy nhiên, còn một lý do khác khiến người dân phẫn nộ đó là việc Tổng thống đã sử dụng đặc quyền để thông qua dự luật cải cách hưu trí. Và nhiều người đồng ý rằng ông Macron đã phạm một số sai lầm cơ bản.

Tùy chọn hạt nhân có phải sai lầm?

Lo sợ rằng không đạt đủ đa số cần thiết trong Quốc hội để thông qua dự luật, Tổng thống Macron đã dùng đến “lựa chọn hạt nhân” bằng cách sử dụng một điều khoản đặc biệt của Hiến pháp Pháp cho phép chính phủ thông qua “cưỡng ép” một dự luật mà không cần bỏ phiếu. Điều đó đã gây ra sự phẫn nộ trên khắp nước Pháp, càng làm tăng thêm sự bất mãn và khiến những người chỉ trích ông gọi ông là một nhà lãnh đạo quân chủ.

Tổng thống Macron đã mất thế đa số trong Quốc hội vào năm ngoái và chính phủ của ông đã sống sót sau hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng trước - một cuộc bỏ phiếu chỉ với 9 phiếu nhỉnh hơn, mỏng như dao cạo - sau khi ông khiến cả nước tức giận bằng cách thông qua kế hoạch cải cách.

Các chuyên gia cho rằng các cuộc biểu tình cho thấy Tổng thống Macron tái đắc cử trong cuộc bầu cử năm ngoái vì người dân ác cảm với các chủ trương cực đoan của ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen hơn là thực sự ủng hộ ông.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Luật cải cách hưu trí của Pháp cần qua được “ải” của Hội đồng Bảo hiến Pháp vào ngày 14.4. Công đoàn của ngành vệ sinh Pháp đã kêu gọi tổ chức các cuộc đình công mới vào ngày 13.4, trong khi các công đoàn khác cam kết sẽ tiếp tục phản đối cho đến khi đạo luật gây tranh cãi bị hủy bỏ. Tuy nhiên, một số dự đoán cho thấy, các nguồn lực dành cho các cuộc tổng đình công của công đoàn đang giảm dần.

Jean-Daniel Levy, Phó giám đốc phòng thăm dò ý kiến của Harris Interactive cho biết: “Đình công là một công việc tốn kém nên người ta không thể làm điều đó mãi được. Và khả năng chi tiêu giảm sút là một vấn đề thực sự, khiến nhiều người không đủ khả năng chi tiêu nhiều hơn, ông nói.

Trong khi đó, bạo lực bắt đầu xuất hiện trong các cuộc biểu tình, với nhiều người và cảnh sát trấn áp bị thương. Điều này cũng khiến những người dân khác trở nên “chùn bước” trước các lời kêu gọi biểu tình trong tương lai. “Các cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực trong những ngày gần đây. Điều đó có nghĩa là nhiều người ở sẽ không muốn dính vào rắc rối”, Luc Rouban, Giám đốc nghiên cứu của CNRS tại Science Po nhận định.

Hội đồng Bảo hiến gồm các thẩm phán được đánh giá là “những người khôn ngoan” và do cựu Thủ tướng thuộc Đảng Xã hội Laurent Fabius làm chủ tọa. Nếu cơ quan này quyết định rằng một phần hoặc toàn bộ đạo luật không phù hợp với Hiến pháp, Tòa án có thể vô hiệu hóa đạo luật. Hội đồng cũng sẽ đưa ra phán quyết về việc liệu liệu có tiến hành một trưng cầu dân ý về kế hoạch cải cách hay không. Mặc dù Hội đồng về lý thuyết sẽ đưa ra phán quyết hoàn toàn dựa trên cơ sở xem xét các điều khoản vi hiến, nhưng các chuyên gia nói rằng cơ quan này cũng có xu hướng tính đến phản ứng của dư luận.

Dominique Andolfatto, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Burgundy, cho biết: “Các cuộc thăm dò vẫn cho thấy đại đa số người Pháp phản đối cải cách lương hưu, vì vậy một kịch bản có thể xảy ra là Hội đồng có thể vô hiệu hóa một phần dự luật.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/vi-sao-cong-nhan-phap-phan-doi-ke-hoach-tang-tuoi-nghi-huu--i322755/