Vì sao Israel bất ngờ loại biên hệ thống phòng không Patriot của Mỹ?

Israel vừa thông báo ngừng sử dụng hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất, lý do được đưa ra là loại vũ khí này chặn được quá ít mục tiêu trong hàng chục năm vận hành.

Bộ Quốc phòng Israel hôm 30/4 thông báo các tổ hợp phòng không tầm xa Patriot sẽ bị loại biên hoàn toàn trong vòng hai tháng tới, nhưng không tiết lộ số phận của hệ thống này.

"Chúng tôi đang cắt giảm số lượng khẩu đội chiến đấu cho đến khi toàn bộ hệ thống này ngừng hoạt động", chỉ huy Tiểu đoàn 138, đơn vị vận hành tổ hợp Patriot của Israel, cho hay.

Không quân Israel trước đó thông báo các binh sĩ vận hành tên lửa Patriot sẽ được huấn luyện chuyển loại sang hệ thống phòng không tầm ngắn Iron Dome.

Vai trò của tổ hợp phòng không Patriot sẽ được đảm nhận bởi những hệ thống hiện đại hơn như David's Sling.

"Chúng tôi nhận ra rằng phải luôn tiến lên phía trước và cải thiện phương án phòng thủ. Những đổi mới trong mạng lưới phòng không sẽ mang tới giải pháp tác chiến và bảo dưỡng tốt hơn", chỉ huy Tiểu đoàn 138 nói thêm.

Quân đội Israel bắt đầu biên chế tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất từ năm 1991 và sở hữu 10 khẩu đội MIM-104E, còn gọi là Patriot PAC-2/GEM+.

Tất cả đều được nâng cấp sâu và sở hữu những tính năng như phiên bản PAC-3 hiện đại nhất của Washington.

Tên lửa Patriot Israel lần đầu đánh chặn mục tiêu vào năm 2014 khi bắn hạ máy bay không người lái (UAV) của Hamas.

Tel Aviv nói rằng hệ thống này chỉ chặn được 10 mục tiêu trong vòng 10 năm qua, trong đó có tiêm kích Syria xâm phạm không phận Israel năm 2014 và 2018.

Tuy nhiên, các khẩu đội Patriot từng nhiều lần không hoàn thành nhiệm vụ. Hồi tháng 7/2016, tổ hợp Patriot phóng hai tên lửa về phía UAV không rõ danh tính trên vùng trời Israel nhưng không trúng đích.

Sự việc tương tự tái diễn hồi tháng 6/2018 khi một quả đạn Patriot bắn trượt UAV Syria gần biên giới hai nước, khiến nó quay về an toàn.

Truyền thông Israel cho biết tên lửa Patriot từng tham chiến một số lần kể từ khi xung đột bùng phát ở Dải Gaza, nhưng phần lớn đạn đều được khai hỏa do kíp vận hành nhận diện sai mục tiêu.

Việc Israel bất ngờ loại biên tổ hợp phòng không Patriot trong khi nhiều quốc gia lại đang thèm khát vũ khí này cũng là điều dễ hiểu, bởi Tel Aviv đang sở hữu công nghệ phòng thủ hàng đầu thế giới.

Lưới lửa phòng không của Israel đang sở hữu bao gồm nhiều tầng lớp, lớp tầm xa nhất là các tổ hợp tên lửa phòng không Arrow, được phát triển từ giữa thập niên 1990 để đối phó với mối đe dọa từ Iran với tổng chi phí hàng tỷ USD.

Bên dưới Arrow là tổ hợp David's Sling do hãng Rafael của Israel và Raytheon của Mỹ hợp tác sản xuất, có khả năng bắn hạ tên lửa từ khoảng cách tối đa 300 km.

Lớp cuối cùng trong lưới phòng không mặt đất của Israel là hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) được triển khai từ năm 2011, đóng nhiệm vụ quan trọng nhất khi đối đầu với các nhóm dân quân phi nhà nước như Hamas và Hezbollah.

Vì vậy, cho dù loại biên tổ hợp phòng không Patriot sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới năng lực phòng thủ của Israel.

Hệ thống tên lửa phòng thủ MIM-104F PAC-3 (Patriot Advanced Capability), gọi tắt là Patriot, được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules và thay thế luôn hệ thống MIM -23 Hawk.

Patriot đã phục vụ trong quân đội Mỹ từ tháng 12/1981, từ đó tới nay thêm nhiều đồng minh của Mỹ được trang bị hệ thống tên lửa phòng thủ này.

Cấu trúc của hệ thống Patriot bao gồm: trạm chỉ huy AN/MSQ-104; radar đa chức năng AN/MPQ-53; bệ phóng M901; tên lửa phòng không MIM104; trạm nguồn năng lượng AN/MSQ-26; phương tiện kỹ thuật ngụy trang điện tử và cuối cùng là thiết bị kết nối thông tin.

Hiện nay, hệ thống tên lửa Patriot đã được module hóa nên việc triển khai một khẩu đội chỉ mất chưa đầy 1 giờ đồng hồ.

Thành phần quan trọng nhất trong hệ thống tên lửa Patriot là hệ thống radar AN/MPQ-53/65.

Đây là radar mạng pha quét điện tử thụ động có thể quét một khu vực bán kính lớn và theo dõi phát hiện hàng trăm mục tiêu cùng lúc.

Sau đó radarAN/MPQ-53/65 dẫn tên lửa tiêu diệt mục tiêu.

Loại radar này sử dụng hệ điều khiển bằng điện tử quét từng phần vì thế rất khó bị gây nhiễu… Đây là sự khác biệt với các hệ thống tên lửa khác.

Tiến trình đánh chặn 1 tên lửa đạn đạo bằng 2 tên lửa Patriot diễn ra như sau: Khi 1 tên lửa đạn đạo được radar phát hiện, nó sẽ đánh giá ngay về tốc độ, độ cao, cách xử lý, diện tích radar hiệu dụng của mục tiêu.

Khi những dữ liệu về mục tiêu đạt chuẩn, sẽ hiển thị trên màn hình tại trạm điều khiển AN/MSQ-104, sỹ quan chỉ huy tác chiến sẽ đánh giá mục tiêu thêm 1 lần.

Tiếp ngay sau đó sỹ quan sẽ lệnh cho trắc thủ đưa hệ thống tên lửa phòng thủ từ chế độ chờ sang chế độ phóng.

Việc phóng tên lửa diễn ra tự động tại thời điểm máy tính xác định mục tiêu sẽ bị tiêu diệt lớn nhất.

Hệ thống máy tính sẽ xác định ống phóng nào trong khẩu đội có khả năng tiêu diệt được mục tiêu và lệnh phóng quả tiếp theo sẽ sau chỉ 4 giây.

Khi tên lửa rời bệ phóng, radar tiếp tục bám mục tiêu và nạp những thông tin mới về mục tiêu cho tên lửa.

Tới giai đoạn cuối, radar đặt trong quả tên lửa tiếp tục bắt bám mục tiêu, đánh chặn.

Động cơ điều chỉnh hướng trên tên lửa đánh chặn sẽ điều chỉnh sao cho 2 đầu đạn nằm trên cùng quỹ đạo.

Sau khi tên lửa đánh chặn thứ nhất lao thẳng vào phá hủy lửa đạn đạo đối phương; tên lửa đánh chặn thứ hai sẽ tìm kiếm đầu đạn của tên lửa đạn đạo và tiến công phá hủy chúng.

Tên lửa đánh chặn trên hệ thống Patriot sử dụng động cơ rocket một tầng, nhiên liệu rắn với cơ cấu điều khiển độc cao đặc biệt để cơ động trong khi bay.

Đạn tên lửa dài 5,2m, đường kính thân 25 cm, sải cánh 50 cm, tốc độ tối đa khoảng 6.500 km/h, trọng lượng phóng 312 kg, đầu đạn HE nổ mảnh nặng 73 kg với ngòi nổ cận đích.

Hệ thống Patriot có khả năng vô hiệu hóa các mối đe dọa như tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa hành trình, các loại máy bay hiện đại và cả UAV.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, hệ thống Patriot, đặc biệt các phiên bản nâng cấp là bước nhảy vọt về chất so với bất kì hệ thống tên lửa phòng không nào.

Ngày nay các biến thể mới trong gia đình tên lửa Patriot luôn được cải tiến, và biến thể PAC3 mới nhất sử dụng kiểu đạn đánh chặn mới với phương thức Hit to Kill (truy đuổi và tiêu diệt).

Hit to Kill là phương thức có độ chính xác cực cao, và tiêu diệt mục tiêu bằng động năng thay vì bằng đầu đạn nổ.

Với phương thức này quả đạn tên lửa sẽ nhỏ và nhẹ hơn, điều đó cho phép mỗi xe mang phóng có thể mang theo tối đa 16 quả đạn thay vì chỉ 4 quả như trước kia.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-israel-bat-ngo-loai-bien-he-thong-phong-khong-patriot-cua-my-post574948.antd